Vì sao bạn luôn bị đầy hơi?
Đầy hơi là một vấn đề phổ biến mà nhiều người gặp phải, thường gây cảm thấy khó chị, đôi khi thậm chí còn đau đớn. Khoảng 25% những người khỏe mạnh sẽ bị đầy hơi vào một thời điểm nào đó.
Một nguyên nhân phổ biến gây đầy hơi là do khí tích tụ trong ruột, nhưng nó cũng có thể là hậu quả của các vấn đề về tiêu hóa như táo bón hoặc không dung nạp thực phẩm.
Trong một số trường hợp, đầy hơi cũng có thể khiến bạn phải đi khám bác sĩ.
Theo Chris Dubberley, chuyên gia về sức khỏe đường ruột từ Incontinence Shop, có nhiều nguyên nhân gây đầy hơi, từ thói quen ăn uống, rối loạn hormone, nhạy cảm đường tiêu hóa, nuốt không khí khi ăn hoặc móc khoá.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cũng liệt kê các nguyên nhân có thể gây đầy hơi như:
- Táo bón
- Không dung nạp thực phẩm
- Bệnh celiac (bệnh không dung nạp gluten)
- Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Các cách giảm đầy hơi, chướng bụng
Chuyên gia Chris đã chia sẻ 9 bước bạn có thể thực hiện để giảm đầy hơi.
1. Bổ sung men vi sinh
Men vi sinh là chế phẩm chứa những vi sinh vật bao gồm vi khuẩn và nấm, được thêm vào thực phẩm hoặc thực phẩm bổ sung.
Chris nói: "Men vi sinh đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe đường ruột. Men vi sinh có thể giúp duy trì sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn đường ruột và giảm đầy hơi."
2. Kiểm soát thói quen ăn uống
Chú ý đến thói quen ăn uống cũng là chìa khóa để giảm đầy hơi.
"Ăn cùng lúc quá nhiều thức ăn hoặc đột ngột tăng lượng chất xơ có thể gây khó chịu. Thay đổi chế độ ăn uống dần dần cho phép đường ruột thích nghi mượt mà hơn", Chris nói.
3. Ăn trái cây có thể ăn cả vỏ
Vỏ trái cây chứa chất xơ không hòa tan, giúp tiêu hóa và thúc đẩy nhu động ruột đều đặn.
Vì vậy, Chris khuyên nên ăn các loại trái cây có cả vỏ có thể giúp ngăn ngừa đầy hơi bằng cách hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh và ngăn khí tích tụ.
Một số loại trái cây bạn có thể ăn cả vỏ: táo, xoài, đào, ổi, dưa chuột, nho, kiwi, cam quýt,...
4. Kiểm soát lượng muối tiêu thụ
Ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến tích nước và đầy hơi.
Chris nói: "Chọn thực phẩm tươi, nấu ăn với các loại gia vị phong phú và chú ý đến hàm lượng natri trên nhãn thực phẩm có thể giúp kiểm soát đầy hơi liên quan đến dư thừa natri."
5. Tăng cường hấp thụ kali
Kali có thể giúp loại bỏ natri dư thừa khỏi cơ thể.
"Các thực phẩm giàu kali như chuối, cam và dâu tây có thể giúp chống lại tác dụng của natri và giảm tích nước, từ đó giảm đầy hơi," Chris nói.
6. Uống đủ nước
Chris nói rằng hydrat hóa là chìa khóa cho sức khỏe đường ruột tốt.
Ông nhận xét: "Uống đủ nước làm mềm phân, cải thiện đường ruột và giảm đầy hơi."
7. Hạn chế đồ uống có ga
Đồ uống có ga có thể đưa thêm không khí vào hệ tiêu hóa, dẫn đến đầy hơi.
Chris nói: "Chọn các loại nước không có ga và thận trọng với đồ uống có ga có thể giúp giảm đầy hơi theo thời gian."
8. Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng
Ông nói: "Hoạt động thể chất, ngay cả đi bộ ngắn cũng có thể kích thích đường ruột và cải thiện lưu lượng máu đến ruột, giảm đầy hơi và thúc đẩy sức khỏe tiêu hóa tổng thể."
9. Viết nhật ký thực phẩm
Viết nhật ký thực phẩm có thể giúp xác định các yếu tố tiềm ẩn gây đầy hơi, chẳng hạn như không dung nạp lactose hay nhạy cảm với gluten.
Chris nói: "Bằng cách theo dõi lượng thức ăn và các triệu chứng, bạn có thể đưa ra lựa chọn ăn uống sáng suốt để giảm thiểu đầy hơi và khó chịu."
Khi nào cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế?
NHS khuyên bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn bị đầy hơi trong 3 tuần trở lên hoặc nếu bạn thường xuyên bị đầy hơi (hơn 12 lần một tháng).
Chuyên gia Chris khuyên gọi cấp cứu hoặc đi cấp cứu nếu bạn gặp các triệu chứng sau:
- Đau bụng đột ngột hoặc dữ dội
- Chạm vào bụng bị đau
- Nôn ra máu hoặc chất nôn giống như bã cà phê
- Phân có máu hoặc màu đen
- Bạn không thể đi tiểu, đi ngoài hoặc xì hơi
- Khó thở
- Đau ngực
(Theo Express)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Chuyên gia tiết lộ lý do khiến bạn luôn bị đầy hơi và khi nào cần gọi cấp cứu tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].