Cùng với sự phát triển của công nghệ xử lý hình ảnh, kính thực tế ảo được phát minh với vai trò mang lại trải nghiệm mới lạ cho mọi người.
Ứng dụng chuyển đổi hình ảnh của kính thực tế ảo giúp người sử dụng có thể hòa mình vào không gian phim, trò chơi với những cảm xúc rất thật.
Riêng ở Việt Nam, trào lưu này bắt nhịp rất nhanh chóng và được trẻ nhỏ ưa chuộng. Tại nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn đều áp dụng kinh doanh dịch vụ này.
Trên thị trường còn bán kính thực tế ảo (VR Box) với giá vô cùng đa dạng. Đôi khi, người tiêu dùng có thể tiếp cận công nghệ tiên tiến này chỉ với giá từ 40.000 đồng/kính.
Chiếc kính với phần giá đỡ điện thoại cách mắt 5cm, có bộ phận điều chỉnh tiêu cự cho phù hợp từng người.
Thế nhưng, không ít người sau khi sử dụng công nghệ, các loại kính VR Box bán trên thị trường có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Anh Phạm Minh Sơn – Kinh doanh kính thực tế ảo (1194 đường Láng, Đống Đa) cho biết: 'Chất lượng một chiếc kính thực tế ảo phụ thuộc nhiều vào phần thấu kính.
Nó có thể chiếm đến 2/3 giá thành sản phẩm, chính vì vậy giá của mặt hàng này có sự chênh lệch.
Các loại kính chất lượng thấp có tiêu cự và thiết kế không tốt sẽ cho ra những hình ảnh bị bóp méo không thực tế đồng thời hình ảnh khi đi qua thấu kính tới mắt sẽ bị tán xạ sẽ khiến mắt người nhìn phải điều tiết liên tục'.
Trao đổi với PV Gia Đình Mới về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Vinh Quang (Khoa Khám Mắt, Bệnh viện Mắt Hà Nội) cho biết: 'Kính thực tế ảo kích thích chứng phù thị - khả năng tiếp cận hình ảnh của mắt người, vì vậy, nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh'.
Đó cũng là lí do nhiều người thấy hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn khi sử dụng kính thực tế ảo.
Trong khi các bác sĩ khuyến cáo dùng điện thoại cách mắt khoảng 20 – 25cm thì tại đây, khoảng cách của giá đỡ điện thoại đến mắt chỉ còn ¼ mức cho phép.
Cùng với đó, việc điều chỉnh tiêu cự theo bản năng, không có sự tính toán bài bản cộng với khoảng cách quá sát mắt là câu hỏi lớn cho sự ảnh hưởng đến mắt người dùng.
Chúng ta phải khẳng định, thực tế ảo không dành cho tất cả mọi người, nhất là với người huyết áp thấp.
Riêng với trẻ em, mắt trẻ đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện các chức năng, thời gian học hành, khám phá đã đủ khiến mắt mệt mỏi. Vì vậy người lớn cần hạn chế cho trẻ sử dụng tránh mắt bị mệt mỏi.
Cũng theo bác sĩ Quang, để hạn chế ảnh hưởng không tốt, người dùng nên rút ngắn thời gian sử dụng, không dùng quá lâu và liên tục. Cùng với đó, người dùng cần sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Cho trẻ dưới 13 tuổi dùng kính thực tế ảo dễ bị hỏng mắt, ảnh hưởng tới thần kinh tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].