15 ngày đầu tiên miễn phí
Sáng ngày 8/8/2024, đoạn trên cao từ Nhổn đến ga S8 (Cầu Giấy) dài 8,5km thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại phục vụ hành khách.
Đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy, bao gồm 8 ga: Nhổn (S1), Minh Khai (S2), Phú Diễn (S3), Cầu Diễn (S4), Lê Đức Thọ (S5), Đại học Quốc gia (S6), Chùa Hà (S7), Cầu Giấy (S8).
Metro Nhổn - ga Hà Nội có 10 đoàn tàu, vận tốc tối đa 80 km/h, vận tốc khai thác trung bình 35 km/h. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở 236 hành khách, mỗi chuyến chở khoảng 950 khách. 353 lái tàu và toàn bộ nhân sự trực tiếp điều hành tuyến đã được đào tạo với sự hỗ trợ của nhà thầu và tư vấn.
Trong 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội.
Sau 15 ngày, giá vé tuyến metro Nhổn - Cầu Giấy được quy định là 8.000 đồng cho chặng đi một ga và 12.000 đồng/lượt đi cả tuyến. Vé ngày có giá là 24.000 đồng, có giá trị trong ngày và không hạn chế số lượt di chuyển.
Người dân cũng có thể mua vé tháng với giá 200.000 đồng/tháng, ưu tiên dành cho học sinh, sinh viên với mức 100.000 đồng/tháng. Nếu mua tập thể và không thuộc đối tượng ưu tiên, giá vé tháng là 140.000 đồng.
Thực hiện chính sách theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, vé được miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi trên 60 tuổi, người khuyết tật.
Tuyến đường hướng tâm
Sau tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, đây là tuyến đường sắt đô thị thứ hai ở Thủ đô được đưa vào hoạt động, cung cấp cho người dân một phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh và hiện đại, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven thủ đô vào sâu trong nội thành. Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài là 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km, đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4 km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng nhiều lần lùi tiến độ, dự kiến 2027 hoàn thành toàn tuyến.
Dự án được kỳ vọng giúp giao thông Hà Nội giảm được áp lực phương tiện, ùn tắc, giảm áp lực cho các tuyến buýt cùng lộ trình.
Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được HĐND thành phố Hà Nội thông qua ngày 29/3, Hà Nội định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, tăng 4 tuyến so với quy hoạch cũ. UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng xong 96,8 km và hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư 301 km đường sắt đô thị, với tổng mức đầu tư 14,602 tỷ USD.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, với các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng.
Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông cho thành phố.
V.LinhBạn đang xem bài viết Chính thức khai thác thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].