PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh vảy nến là một bệnh da mạn tính. Hiện nguyên nhân gây bệnh vảy nến vẫn chưa được xác định rõ, có thể là liên quan đến gene, yếu tố môi trường, dị nguyên, vi khuẩn, virus…
Để bệnh không tiến triển nặng, gây khó khăn cho việc điều trị, khi thấy bất cứ dấu hiệu bất thường trên da, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Mặc dù bệnh vẩy nến không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát bệnh, giúp bệnh ổn định trong thời gian dài bằng một số biện pháp như tự điều chỉnh, cân bằng cuộc sống, thay đổi chế độ ăn uống, do bệnh vảy nến có liên quan đến chế độ sinh hoạt, stress, vấn đề tâm lý…
Vậy nên, bác sĩ Doanh khuyến cáo người bị vẩy nến trong sinh hoạt hàng ngày cần vệ sinh thân thể sạch sẽ giúp loại bỏ các vảy và da viêm. Người bệnh không nên dùng nước nóng và xà phòng có chất tẩy mạnh, vì có thể làm tăng các triệu chứng.
Đồng thời nên tránh căng thẳng thần kinh, sinh hoạt điều độ, hạn chế chất kích thích như rượu, bia vì nó gây hại cho sức khỏe.
Còn với chế độ dinh dưỡng hàng ngày, người bệnh cần ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, bởi sức khoẻ suy kiệt cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng xấu đến bệnh.
Nếu có một chế độ ăn uống hợp lý sẽ đem lại tác dụng điều trị bệnh hiệu quả. Một số thực phẩm người bệnh nên ăn như cá biển (có nhiều omega-3 như cá hồi, cá thu, cá saba), omega- 3 có tác dụng ức chế các chất gây viêm trong bệnh vảy nến như leucotriene 3 và 5.
Ăn nhiều rau quả có chứa beta-caroten như trái bơ, cà rốt và đặc biệt là xoài có chứa nhiều beta-caroten có khả năng hữu hiệu để bảo vệ cấu trúc da.
Vừng đen có chứa nhiều dầu béo có cấu trúc tương tự omega-3, vừa cung cấp sinh tố E cần thiết cho lớp sợi liên kết dưới da. Vì vậy, các món ăn chế biến từ vừng đen rất tốt cho người mắc bệnh vảy nến.
Bông cải xanh với acid folic luôn có vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể. Bông cải xanh được bổ sung trong bữa ăn hàng ngày sẽ cung cấp lượng acid folic thiết yếu cho da đầu.
Ngao sò có chất kẽm là khoáng chất vô cùng cần thiết cho da và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ngao sò lại cung cấp lượng kẽm rất lớn. Nếu như không bị dị ứng hải sản thì đây là một nguồn dinh dưỡng tốt cho người bệnh vảy nến.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh thực phẩm có chất kích thích: rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá, tiêu, ớt... Đồ ăn có chứa nhiều chất béo: đường, sữa, mỡ, bơ, chocolate, đồ ngọt tổng hợp cũng nên hạn chế để bệnh không tiến triển nặng. Ngoài ra, người bệnh vảy nến nên hạn chế tiếp xúc với hóa chất như xà phòng, dầu gội, sữa tắm, nước hoa, son phấn, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc…