Gai cột sống là loại bệnh thoái hóa cột sống mà trong đó xuất hiện các phần xương mọc ra phía ngoài và hai bên của cột sống gọi là gai xương. Gai cột sống có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên xương sống của cơ thể nhưng thông thường hay gặp gai cột sống cổ và gai cột sống lưng.
Bệnh gai cột sống thường gây ra tình trạng đau ở vùng thắt lưng, vai hay cổ do gai chèn ép vào dây thần kinh, thậm chí là làm hạn chế vận động những vùng bị ảnh hưởng, gây ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cột sống thoái hóa bao gồm: tuổi tác, thừa cân, béo phì, đặc biệt là thói quen sinh hoạt không đúng, ngồi sai tư thế, khiêng vác nặng, ít vận động dẫn đến cứng khớp, bệnh thoái hóa cột sống hình thành và tiến triển.
Trong quá trình điều trị, chế độ dinh dưỡng giữ một vai trò rất quan trọng, bởi ăn uống đầy đủ chất, cân bằng và phù hợp thể trạng giúp người bệnh sớm đạt được hiệu quả điều trị tối đa.
Người bệnh gai cột sống nên ăn gì và không nên ăn gì?
Theo các chuyên gia y tế, người bệnh gai cột sống cần có chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, sữa để cung cấp vitamin và canxi, tránh bia, rượu, thuốc lá, tránh thức khuya cũng góp phần giúp phòng ngừa bệnh gai cột sống. Trong đó cần chú ý bổ sung các loại thực phẩm như:
Thực phẩm giàu canxi: Canxi chính là thành phần chủ yếu cấu tạo nên xương. Do đó để giúp xương phục hồi những tổn thương nhanh hơn và giảm thời gian tạo nên các gai ở cột sống thì cần cung cấp đầy đủ canxi, hỗ trợ xương thêm khỏe mạnh và rắn chắc. Nhóm các thực phẩm giàu canxi gồm sữa ít chất béo, sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô-mai), các loại rau lá xanh (bông cải xanh, bắp cải, cải xoăn,…), ngũ cốc, đậu nành và sản phẩm từ đậu nành, hải sản (tôm, cua,…).
Bổ sung vitamin D: Vitamin D là một trợ thủ đắc lực giúp cơ thể hấp thu canxi nhanh hơn, hỗ trợ phát triển xương, kiểm soát tăng trưởng tế bào, nâng cao chức năng hệ miễn dịch, chống viêm. Vitamin D có nhiều trong cá hồi, cá mòi, cá trích, tôm, hàu, lòng đỏ trứng gà, nấm… Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là cách tốt nhất để bổ sung vitamin D cho cơ thể. Ngoài ra, vitamin D có thể được bổ sung thông qua các sản phẩm bô sung.
Bổ sung vitamin K: Vitamin K có thể thúc đẩy mật độ xương, hỗ trợ cho quá trình điều trị gai cột sống. Người bệnh cần bổ sung vitamin K vào chế độ ăn uống hàng ngày thông qua các thực phẩm: Rau lá xanh, thịt, phô mai, trứng, đậu tương lên men…
Ngoài ra, khi mắc các bệnh về xương khớp, người bệnh cần chủ động kiểm soát cân nặng tốt, tránh gây áp lực cho cột sống. Vì vậy người bệnh gai cột sống nên hạn chế hoặc kiêng các loại thực phẩm như:
- Thực phẩm nhiều chất béo: Thịt mỡ, nước dùng thịt, bơ, thịt chân giò.
- Thực phẩm nhiều cholesterol: Não, tim, gan, thận, lòng lợn.
- Những món ăn đưa thêm chất béo: Bánh mì bơ, bơ trộn rau, các món xào, rán.
- Thực phẩm đã qua tinh chế sẵn: Gạo trắng, bún, phở, miến, mì, các loại thức ăn như hamburgers, khoai tây chiên, pizza,… thuộc dạng thực phẩm đã qua tinh chế. Chúng chứa nhiều calo nhưng lại ít dinh dưỡng. Dung nạp những thực phẩm này quá nhiều chỉ khiến cơ thể càng tăng cân chứ không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu để cột sống nhanh hồi phục
Đồng thời người bệnh gai cột sống không nên sử dụng các thực phẩm có chất kích thích như: Rượu, bia, cà phê, thuốc lá… để không gây hại cho cột sốt, giúp quá trình điều trị bệnh nhanh mà hiệu quả.
Để phòng tránh sớm các bệnh về cột sống, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên thay đổi tư thế khi ngồi sau 1 tiếng đồng hồ, tập vận động các khớp, tránh ngồi một chỗ quá lâu, tránh đứng nhiều, đứng lâu, mang vác nặng. Những nhân viên văn phòng phải ngồi nhiều có thể tận dụng giờ giải lao thực hiện các bài tập thể dục nhẹ từ 5 - 10 phút có tác dụng thư giãn rất tốt cho cột sống cổ, thắt lưng.
Tập luyện thường xuyên với các bài tập vừa sức giúp các cơ khớp tăng sức bền và hoạt động tốt hơn, kể cả những người đã bị thoái hóa cột sống. Những người dưới 40 tuổi hoặc bị thoái hóa cột sống nhẹ có thể chơi bất kỳ môn thể thao nào như đi bộ, thể dục dưỡng sinh, bơi lội. Những người bị thoái hóa cột sống gây thoát vị đĩa đệm, gai cột sống… cần hạn chế các môn thể thao nặng như tennis, golf…