Có rất nhiều người nói nếu đã là người tử tế thì sẽ luôn tử tế trong mọi trường hợp. Và sẽ đàng hoàng với bất cứ ai mà không phải nhìn mặt người kia xem họ thế nào rồi mới quyết định đối xử.
Các bạn quên rằng không ai sinh ra đã tử tế đàng hoàng ngay, hoặc đã khốn nạn ngay.
Tính cách của con người được hình thành bởi nền giáo dục. Giáo dục gồm có gia đình và xã hội.
Nếu từ bé thầy cô bạn không bắt làm bài tập, bạn lười biếng bị mắng té tát, bạn chơi xấu với ai bị nó phát xít không chơi nữa, bạn đi làm thì cũng phải tuân theo yêu cầu của sếp, môi trường càng chuyên nghiệp cũng yêu cầu bạn càng chuyên nghiệp theo...
Bạn cũng trải qua trăm ngàn các mối quan hệ và không ngừng phải tự điều chỉnh mình, không ngừng phải nghe góp ý và cũng đi góp ý với người khác, cũng đầy lần không hài lòng thái độ của người khác với bạn, cũng trả giá chán chê... rồi mới hình thành được bạn tử tế của ngày hôm nay à?
Tâm lý con người nó là 1 quá trình chứ không phải là 1 hiện tượng. Bạn cứ thử yêu 1 ai đó và để nó muốn làm gì thì làm, chỉ biết khóc, chịu đựng, dễ dãi đủ điều không bao giờ kêu than. Thử xem rồi đời bạn gặp được thằng nào có bản chất tử tế sẽ luôn đúng mực với bạn tất cả mọi thứ?
Chỉ sợ rằng nó đang tử tế, mà nhận được nền giáo dục sai lầm và lệch lạc của bạn, họ lại biến thành người khốn nạn không chừng. Vì đời này, nếu cứ làm sai mà không bao giờ phải lo nhận hậu quả, thì thiên hạ đại loạn từ lâu rồi!
Tuy nhiên tôi cũng luôn nói: Thái độ quan trọng hơn trình độ. Nếu bạn luôn tin tưởng và dễ dãi cho tới ngày chịu không nổi mới phản kháng - thì trong mắt người kia, chính là bạn phản loạn. Nếu bạn chịu đựng chán chê và rồi chửi rủa gay gắt - thì trong mắt người kia, chính là bạn trở mặt, hoặc là bộc lộ bản chất.
Cho nên giáo dục phải có quá trình và có thái độ phù hợp ngay từ đầu. Giáo dục lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau, điều chỉnh và tự điều chỉnh.
Xinh Trương An
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Sẽ ra sao nếu làm bất cứ điều gì mà không phải nhận hậu quả? tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].