Phụ nữ Hà Nội ứng xử văn minh nơi công cộng: Xây dựng hình ảnh đẹp nữ tiểu thương qua 'Chợ văn minh'

'Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả' là mô hình được Hội LHPN Hà Nội phát động nhằm thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội và thực hiện tốt Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”.

Những chuyển biến tích cực khi trở thành 'Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả'

Vài tháng trở lại đây, khi tới chợ Thái Hà (quận Đống Đa, TP Hà Nội) ai cũng nhận ra sự thay đổi rõ rệt của khu chợ truyền thống này. Từ ngoài cổng chợ đã không còn tình trạng bán hàng rong như xưa, không gian chợ sáng sủa, sạch sẽ, các quầy hàng sắp xếp gọn gàng, và đặc biệt là cách ứng xử nhẹ nhàng, niềm nở của các tiểu thương trong chợ khiến mỗi người dân bước vào đều có chung tâm trạng thoải mái.

Chị Đỗ Thị Hằng, một người dân chia sẻ: "Là người ngày nào cũng tới chợ Thái Hà mua đồ, tôi thật sự thấy được sự chuyển biến tích cực của chợ từ không gian tới thái độ của người bán hàng. Nếu như trước kia, cảnh bày bán lộn xộn khiến cho người đi lại khó khăn, rồi những va chạm giữa người bán và người mua khiến người dân đi chợ không hề thấy dễ chịu. Nhưng từ khi chợ được chọn để thực hiện mô hình 'Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả' đã giảm đáng kể thực trạng trước kia, các nữ tiểu thương đã có ứng xử văn minh hơn rất nhiều".

Chợ Thái Hà thực hiện điểm 'Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả'.

Chợ Thái Hà thực hiện điểm 'Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả'.

Chợ Xuân Đỉnh 2 (quận Bắc Từ Liêm) cũng là chợ thực hiện mô hình 'Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả' do Hội LHPN Hà Nội phát động. Bên cạnh diện mạo mới khang trang, sạch sẽ với những biển hiệu mới, các tiểu thương trong chợ đều chú trọng tới chất lượng sản phẩm, hình thành nếp buôn bán văn minh, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.

Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Hội LHPN phường, 350 hộ kinh doanh trong chợ còn được cấp chân mã QR nhằm xây dựng mô hình Chợ 4.0, qua đó phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với chuyển đổi số, các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm, hạn chế các rủi ro trong sử dụng tiền mặt.

Vai trò quan trọng của các cấp Hội trong xây dựng Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả

Bà Trần Thị Minh Xuân, Hội LHPN quận Đống Đa cho biết, chợ Thái Hà là 1 trong 5 chợ truyền thống do quận quản lý, đã được đầu tư trên 2 tỷ đồng sửa sang, nâng cấp. Các hộ kinh doanh cơ bản đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép kinh doanh, hàng hóa được bày bán có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhiều mặt hàng ăn có chất lượng thương hiệu lâu năm. Đa số tiểu thương có thái độ đúng mực, lịch thiệp với khách hàng.

Tuy nhiên thực tế khảo sát tại khu vực chợ, vẫn còn tình trạng một số hộ kinh doanh bày bán tràn ra lối đi chung; việc sắp xếp hàng hoá, phương tiện của một số hộ kinh doanh mặt đường chợ có lúc còn bừa bộn, tình trạng bán hàng rong phía bên ngoài chợ diễn ra thường xuyên. Vệ sinh môi trường có lúc chưa được đảm bảo; người dân đến giao thương tại chợ chưa nhiều…

Từ thực trạng đó, Hội LHPN quận Đống Đa và 2 phường Trung Liệt, Quang Trung đã lựa chọn chợ Thái Hà để xây dựng mô hình "Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả" và cùng Ban Quản lý chợ Thái Hà xác định quyết tâm thực hiện thành công mô hình này góp phần khắc phục các vấn đề bất cập về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, tạo một diện mạo mới đẹp về nhãn quan, ấn tượng về không gian văn hoá cho chợ. Qua đó thu hút nhiều người dân đến mua bán tại chợ, nâng cao hiệu quả kinh doanh tại đây. 

Nữ tiểu thương chợ Thái Hà vui vẻ với phương châm Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.

Nữ tiểu thương chợ Thái Hà vui vẻ với phương châm Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.

Hội đã thành lập tổ nòng cốt tuyên truyền Quy tắc ứng xử và Tiêu chí Chợ văn minh gồm các chị em chi hội phụ nữ chợ Thái Hà, Hội phụ nữ 2 phường Trung Liệt, Quang Trung. Tổ nòng cốt tuyên truyền, phát động cho các hộ kinh doanh, bà con tiểu thương tại chợ thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Thành phố Hà Nội, từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng. In ấn, cấp phát gần 200 bản cam kết đến các tiểu thương chợ và các ki ốt của hợp tác xã Thái Hà. Tổ chức điểm tuyên truyền lưu động về Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại chợ, thường xuyên phát loa và đọc bài tuyên truyền.

Hội LHPN quận Đống Đa cũng đầu tư 100 đèn lồng treo dọc 2 bên tuyến phố trước cổng chợ tạo điểm nhấn nhận diện chợ. Đồng thời thiết kế và niêm yết Bảng Quy tắc ứng xử, hòm thư góp ý tại chợ; in ấn hàng trăm bộ Quy tắc ứng xử trao tặng các tiểu thương của chợ. Phòng Kinh tế quận đã phối hợp với Sở Công thương Hà Nội khẩn trương hoàn thành việc cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo 100% hộ kinh doanh tại chợ có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định.

Cùng với đó, Công an 2 phường Quang Trung, Trung Liệt thường xuyên ra quân tuyên truyền nhắc nhở, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, đảm bảo tuyến đường trước cổng chợ thông thoáng; dẹp hàng bán rong và các hàng bán không đúng nơi quy định. Với các biện pháp phối hợp ăn ý đồng bộ và quyết tâm cao của các cấp, ngành, chợ Thái Hà đã thực sự có diện mạo mới, đẹp, khang trang và hiện đại.

Tại quận Bắc Từ Liêm, nhằm phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội Phụ nữ trong tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với các tiêu chí Chợ văn minh, hội tuyên truyền các nội dung của quy tắc ứng xử nơi công cộng được thông báo trên hệ thống loa phát thanh của chợ 5 buổi/tuần.

Chợ Xuân Đỉnh 2 các hộ kinh doanh đều có mã QR nhằm xây dựng mô hình Chợ văn minh gắn với chuyển đổi số.

Chợ Xuân Đỉnh 2 các hộ kinh doanh đều có mã QR nhằm xây dựng mô hình Chợ văn minh gắn với chuyển đổi số.

Đặc biệt Hội chú trọng tuyên truyền các nội dung thuộc Điều 8 Quy tắc ứng xử tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn để các hộ kinh doanh nắm được nội dung, các điều nên làm và không nên làm. Từ đó hình thành những chuẩn mực văn hóa của cá nhân khi tham gia các hoạt động tại chợ, giáo dục niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của tiểu thương trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô.

Bà Phùng Thị Lợi, tiểu thương chợ Xuân Đỉnh 2 phấn khởi: "Khi chợ Xuân Đỉnh 2 được chọn thực hiện Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả, tôi và các tiểu thương trong chợ rất vinh dự và phấn khởi, đồng thời cũng nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng mô hình. Bởi, nếu thành công, mô hình sẽ góp phần hình thành văn hóa trong kinh doanh, các chuẩn mực của cá nhân khi tham gia các hoạt động tại chợ. Việc hình thành nét văn hóa ứng xử văn minh tại chợ vừa góp phần tạo nên văn hóa riêng biệt cho những tiểu thương, đồng thời thể hiện nét văn hóa, thanh lịch của người dân Thủ đô ngàn năm văn hiến".

Biện pháp hữu hiệu thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng

Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhiều năm qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực thông qua cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”. Đặc biệt, gần một năm qua, Hội LHPN Hà Nội phát động mô hình "Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả" - đây là mô hình để cụ thể hóa việc thực hiện bộ Quy tắc nơi công cộng của TP Hà Nội.

"TP. Hà Nội có hơn 400 chợ, với hơn 90 nghìn hộ kinh doanh, trong đó đa phần là nữ tiểu thương. Đây cũng là môi trường công cộng với sự giao thương diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Do đó, qua mô hình Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả chính là bước cụ thể hoá việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trong không gian chợ.

Mô hình cũng là biện pháp truyền thông hiệu quả nhất để đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào cuộc sống thông qua sự tương tác, giao thương giữa các hộ kinh doanh, tiểu thương khu vực chợ với người dân đến mua bán hàng tại chợ. Hội LHPN Thành phố mong muốn mỗi cá nhân nữ tiểu thương sẽ xây dựng nét văn hóa trong kinh doanh, trong đời sống hàng ngày, gìn giữ văn hóa tốt đẹp của chợ truyền thống, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa Thủ đô".

Chợ Thượng Thanh (Long Biên) cũng đang thực hiện 'Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả'.

Chợ Thượng Thanh (Long Biên) cũng đang thực hiện 'Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả'.

Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình này tại một số chợ như: Chợ Thái Hà, chợ Kim Liên (quận Đống Đa); chợ Gối, chợ Mới, chợ Phùng (huyện Đan Phượng); Chợ Thượng Thanh, chợ Kim Quan (quận Long Biên); chợ Giá (Hoài Đức); chợ Chúc Sơn, chợ Xuân Mai (Chương Mỹ).

Để nhân rộng và tiếp tục thực hiện mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” đạt mục tiêu, theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, thời gian tới cần sự vào cuộc, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, chính quyền, Hội Liên hiệp phụ nữ. Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cần chú trọng truyền thông tới người bán và người mua, lựa chọn những phần việc phù hợp để huy động sức mạnh của toàn xã hội, nâng cao văn hóa ứng xử trong kinh doanh; xây dựng hình ảnh đẹp của các nữ tiểu thương, góp phần thực hiện thành công hơn nữa việc đưa bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố vào đời sống.

12 tiêu chí Chợ Văn minh an toàn hiệu quả:

 1. Có đăng ký kinh doanh và kinh doanh đúng ngành hàng đăng ký, tham gia tập huấn kiến thức ATTP và khám sức khỏe định kỳ;

 2. Treo biển ngành hàng theo mẫu quy định; 

3. Thái độ giao tiếp văn minh, ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; không tranh giành, lôi kéo khách hàng; đoàn kết hỗ trợ nhau trong kinh doanh.

 4. Mặc trang phục gọn gàng, lịch sự; tích cực tham gia các hoạt động tôn vinh Áo dài – di sản văn hóa Việt Nam do Hội LHPN phường phát động;

 5. Tham gia tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn cho khách khi đến chợ.

 6. Hàng hóa được niêm yết giá và rõ về nguồn gốc sản phẩm, được bán theo giá niêm yết; không nói thách; đảm bảo cân đúng, cân đủ; không mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đúng quy định về tem, nhãn, xuất xứ; mở hệ thống sổ sách, ghi chép... để thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm.

 7. Hàng hóa kinh doanh được trưng bày gọn gàng, đẹp mắt, không bày hàng lấn chiếm đường đi lại; riêng với ngành hàng thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu về ATTP và phù hợp với loại hình, mặt hàng sản xuất, kinh doanh.

 8. Sử dụng bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm làm từ nhựa dùng 1 lần trong báo gói hàng hóa.

 9. Gương mẫu giữ gìn vệ sinh chung, cảnh quan môi trường, khuôn viên chợ Xanh – Sạch – Đẹp. Thực hiện thu gom, tập kết rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi, không đổ nước thải ra lối đi, đảm bảo môi trường xung quanh sạch sẽ.

 10.Trang bị đầy đủ bình chữa cháy; đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, không để xảy ra cháy nổ. Chấp hành các quy định về an toàn điện.

 11.Tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, từ thiện, an sinh xã hội.

 12.Chấp hành tốt nội quy chợ và các quy định của pháp luật.

V.Linh

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính