Thông tin từ khoa Nhi - Sơ sinh, BV Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, mới đây đơn vị có tiếp nhận một trẻ sinh non nhẹ cân bị bệnh giang mai bẩm sinh, có tổn thương da, gan lách to, thần kinh (xét nghiệm dịch não tủy).
Đáng chú ý, trẻ được sinh ra từ mẹ bị bệnh giang mai không được phát hiện sớm và không được điều trị trước sinh.
Trước đó, mẹ của em bé được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng chuyển dạ sinh non và vượt cạn thành công.
Tuy nhiên, sau khi bé chào đời với thể trạng non yếu, các bác sĩ phát hiện em có một số viêm nhiễm da, tổn thương thần kinh, vùng lách to. Qua xét nghiệm ban đầu, trẻ được chẩn đoán mắc giang mai bẩm sinh.
Điều đáng nói là, trường hợp này hoàn toàn có thể tầm soát phát hiện sớm và điều trị trước sinh để em bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, gia đình đã chủ quan bỏ sót khâu siêu âm và tầm soát bệnh lý bẩm sinh cho trẻ.
Theo các bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ, bệnh giang mai là bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu qua đường tình dục hoặc qua đường máu do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum). Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn khuẩn hoặc lây qua các vết xước trên da, niêm mạc.
Bệnh giang mai gây tổn thương ở da, niêm mạc, nếu không được điều trị có thể gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể: cơ, xương, khớp, tim mạch, thần kinh…
Ở phụ nữ mang thai, mẹ bị bệnh giang mai sẽ truyền cho con qua nhau thai có thể gây: sẩy thai, thai chết lưu, sanh non, nhẹ cân hoặc trẻ tử vong ngay sau khi sinh.
Nếu trẻ sống, sẽ mắc bệnh giang mai bẩm sinh gây tổn thương: da, cơ xương khớp, tai, mắt, tim mạch, thần kinh… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bé ngay sau sinh và để lại biến chứng lâu dài.
Bệnh giang mai có thể được điều trị rất hiệu quả bằng thuốc, điều trị càng sớm thì càng có hiệu quả và không để lại biến chứng. Đây cũng là phương pháp duy nhất để điều trị và phòng ngừa tổn thương bẩm sinh cho thai, bệnh này khi đã gây tổn thương cho thai nhi thì sẽ để lại di chứng lâu dài.
Qua trường hợp này, bác sĩ cũng khuyến cáo:
- Nên xét nghiệm tầm soát giang mai tiền hôn nhân, trước mang thai, 3 tháng đầu thai kỳ để được điều trị ngay càng sớm càng tốt, đặc biệt trước sinh 4 tuần nhằm tránh nguy cơ lây truyền bệnh giang mai bẩm sinh cho trẻ.
- Ngoài bệnh giang mai, các bà mẹ cần chú ý các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác có thể truyền từ mẹ sang con như: HIV, viêm gan B, lậu, chlamydia… Những bệnh này không chỉ có nguy cơ gây sinh non, sảy thai, thai chết lưu, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe cho mẹ và cả bé sau sinh.
An AnBạn đang xem bài viết Bé sơ sinh vừa chào đời đã mắc bệnh giang mai, nguyên nhân do đâu? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].