Vào tháng 2/2017, một cô gái tên Maithilee Jadeja trình báo với cảnh sát đã làm rơi chiếc điện thoại gần đỉnh núi Aso khi đang chụp ảnh.
Hai tháng sau, cô gái nhận được một bức thư từ Sở Cảnh sát Quận Kumamoto, cách nơi cô sống 500 km.
Theo cảnh sát, một người leo núi đã tìm thấy chiếc điện thoại của cô và nộp cho cảnh sát. Màn hình của nó đã bị vỡ nhiều chỗ, vì vậy người ta viết thư hỏi cô có muốn nhận lại nó không.
Sau một vài cuộc điện thoại, một tuần sau chiếc điện thoại được gói bọc cẩn thận và gửi đến tận tay Maithilee.
Cô gái rất ngạc nhiên khi nó vẫn hoạt động bình thường và cảm động vì người ta dành nhiều công sức để trả lại đồ cho mình như vậy.
Tuy nhiên, câu chuyện của Maithilee không phải hiếm ở Nhật Bản – những chiếc điện thoại, ví tiền, máy ảnh và chìa khóa bị mất thường được trở về với chủ.
Để làm được điều này đòi hỏi tính trung thực của người nhặt được đồ nhưng đó cũng là nỗ lực tuyệt vời của cả quốc gia trong việc báo cáo, phân loại, bảo quản và trả đồ bị mất cho chính chủ.
‘Thiên đường của người mất đồ’
Vào năm 2016, Trung tâm đồ thất lạc của Sở cảnh sát Tokyo đã nhận được 3,67 tỷ yên tiền mặt, trong đó khoảng ¾ số tiền đã được trả lại cho người mất.
Không chỉ có vậy, cảnh sát Tokyo đã xử lý khoảng 3,83 triệu món đồ bị thất lạc, trong đó chủ yếu là thẻ tín dụng và bằng lái xe cùng khoảng 381.135 chiếc ô.
Mark D West, Hiệu trưởng của Đại học Luật Michigan, tác giả cuốn sách ‘Luật pháp hàng ngày ở Nhật: Tình dục, sumo, tự tử và các luật lệ’ đã mô tả Nhật Bản là ‘thiên đường của những người mất đồ’.
‘Nhật Bản có luật pháp chặt chẽ và hoàn thiện. Khi nhặt được của rơi, người dân tự giác đến các điểm tiếp nhận đồ bị mất hay còn gọi là koban.
Với mỗi món đồ, họ sẽ thường nhận được từ 5 – 20% giá trị của nó, thậm chí có thể sở hữu món đồ nếu không ai tới nhận lại.’
Được biết, ở Nhật Bản có hơn 6.000 điểm tiếp nhận như vậy rải rác trên toàn đất nước.
Tuy đây chỉ là những căn phòng nhỏ không có gì đặc sắc nhưng lại nơi đầu tiên bạn cần tìm đến khi nhặt được hoặc làm mất thứ gì đó.
Giáo dục từ nhỏ
Cùng xem clip trẻ em Nhật phản ứng khi thấy người khác rơi tiền
Cha mẹ và thầy cô giáo luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của koban trong việc trình báo những đồ vật đã mất hoặc tìm được.
Hầu hết trẻ em Nhật Bản đều đã từng đến một nơi tiếp nhận đồ thất lạc hoặc biết nó nằm ở đâu.
Toshinari Nishioka, một cựu cảnh sát từng giảng dạy tại trường Đại học Quốc tế học Kansai cho biết, ngay cả khi một khoản tiền nhỏ được các em mang đến, cảnh sát cũng thực hiện đầy đủ các quy trình như với người lớn.
‘Ngay cả khi các em đến giao lại 1 hoặc 5 yên, cảnh sát cũng lập biên bản nghiêm túc và nói với các em: ‘Cháu làm tốt lắm’.
Như vậy, các em sẽ cảm thấy tự tin và hạnh phúc vì đã làm được một việc tốt. Công việc của cảnh sát không chỉ là bắt tội phạm. Chúng tôi luôn cố gắng khơi dậy lòng tốt và những việc làm tử tế trong cộng đồng’.
Số phận của những vật thất lạc vô chủ
Những món đồ thất lạc sau ba tháng không có ai đến nhận sẽ được các cửa hàng đồ cũ thu mua, trong đó có cửa tiệm Tetsudo Wasuremono Kensho ở Momodani, trung tâm Osaka của anh Kenji Takahashi, 37 tuổi.
Cửa hàng của anh chuyên bán cà vạt, kính mắt, mũ bảo hiểm, ốp lưng điện thoại, tràng hạt, gậy của người già, túi đánh golf và ô - anh cho biết, mỗi năm anh bán được khoảng 10.000 cái ô.
‘Tôi cho rằng những cửa hàng như của tôi chính là ‘kho chứa’ cuối cùng của những vật bị thất lạc. Chúng sẽ bị vứt đi nếu chúng tôi không mua và bán lại chúng.
Với tôi, đây là một hệ thống tuyệt vời và chặt chẽ’ – anh Takahashi chia sẻ.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Bài học về tính trung thực từ 'thiên đường của người mất đồ' ở Nhật Bản tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].