Dù ldùng bữa với bạn bè hay đối tác người Nhật, đừng quên những quy tắc đơn giản sau để thể hiện sự lịch sự và tránh để lại những ấn tượng không tốt.
Hãy bắt đầu bằng một câu chào tiếng Nhật, cúi đầu sao cho phù hợp và thưởng thức bữa ăn với những quy tắc sau
Lưu ý: Khi được mời đến nhà ăn tối, bạn nên mang quà nhưng tránh những thứ theo bộ 4 hoặc 9: hai số này giống với từ ‘chết’ và ‘đau đớn’ theo mê tín.
Quy tắc khi sử dụng đũa
- Không nghịch đũa hoặc va đũa vào nhau.
- Không dùng đũa để chỉ trỏ khi đang nói chuyện.
- Khi dùng đũa gắp thức ăn vào bát mình, luôn luôn đổi đầu đũa.
- Không vung vẩy đũa quanh đĩa thức ăn trên bàn.
- Không dùng đũa để chỉ những món bạn thấy ngon.
- Không mút đũa.
- Không xiên đồ ăn bằng đũa.
- Không chuyền thức ăn bằng đũa – làm vậy khiến người Nhật liên tượng đến việc chuyền xương bằng đũa ở đám tang.
- Không cắm đũa vào bát, hình ảnh này giống với một bát hương và khiến người khác ăn không ngon miệng.
Quy tắc ứng xử trên bàn ăn
- Khi ngồi vào chỗ, nhiều nhà hàng sẽ cung cấp cho bạn một chiếc khăn ướt. Chỉ dùng nó để lau tay, tuyệt đối không dùng nó để lau mặt và cổ, sau đó gập nó lại và để bên cạnh.
- Bắt đầu bữa ăn bằng câu nói ‘Itadaki-masu’ nghĩa là ‘Xin mời’, nhấn mạnh sự biết ơn với người đã chuẩn bị bữa ăn.
- Nếu muốn dùng xì dầu, đừng đổ trực tiếp lên đồ ăn, nhất là gạo trắng. Thay vào đó, hãy đổ một chút xì dầu vào bát nhỏ và nhúng đồ ăn vào đó. Bạn có thể đổ thêm xì dầu nếu cần nhưng đừng để thừa.
- Khi ăn mỳ ramen hoặc canh, bạn có thể nâng bát lên miệng và húp trực tiếp từ bát. Tránh một tay cầm đũa, một tay cầm bát. Đừng ngạc nhiên nếu nghe tiếng húp xì xụp - với người Nhật, ăn mỳ như vậy mới ngon.
- Ăn sạch bát, sạch đĩa, kể cả cơm – đừng để thừa thức ăn có trong bát đĩa của bạn.
- Đừng xì mũi trên bàn ăn; thay vào đó, xin phép ra ngoài hoặc vào nhà vệ sinh.
Quy tắc ăn sushi
Sushi là món không thể thiếu trong các bữa ăn với đối tác. Quy tắc thưởng thức sushi không phức tạp nhưng có một số điều bạn cần lưu ý.
- Khi ăn sushi, bạn chỉ nên đổ một chút xì dầu vào chiếc bát nhỏ bạn có. Để lại một bát xì dầu trên bàn được coi là lãng phí.
- Khi chấm nigiri (sushi có nắm cơm hình bầu dục), lật ngược nó lại để cơm không chạm vào nước chấm - làm cơm rơi vào bát nước chấm là bất lịch sự.
- Tuyệt đối không thêm mù tạt vào bát xì dầu của bạn. Dù mọi người thường làm việc này nhưng thực chất, trong mỗi miếng sushi đã có sẵn một chút mù tạt. Ăn quá nhiều wasabi sẽ làm mất mùi vị của cá.
- Không để gừng lên trên miếng sushi khi ăn. Gừng được dùng để làm sạch miệng trước trước khi thưởng thức miếng sushi tiếp theo chứ không phải ăn cùng với nó.
- Khi ăn, đặt ngược miếng sushi lại để phần cá chạm vào lưỡi để cảm nhận hương vị tinh tế của nó.
Quy tắc uống rượu của người Nhật
Trong bữa ăn thường có đồ uống, có thể là bia hoặc rượu sake – bạn tuyệt đối không được uống một mình.
Hãy đợi khi mọi người đều có đồ uống, sau đó một người sẽ nâng cốc lên hoặc nói ‘Kanpai!’ (nghĩa là ‘Cạn ly!’ trong tiếng Nhật). Khi ấy, bạn cũng nâng ly lên, hô ‘Kanpai!’ rồi mới được uống. Nếu người mời bữa ăn uống cạn ly rượu thì bạn cũng nên cố gắng uống hết.
Người Nhật thường tìm cơ hội rót đồ uống cho nhau – bạn cũng nên làm tương tự. Hãy rót rượu cho những người xung quanh mình và đừng tự rót cho bản thân.
Sau bữa ăn
- Sau khi ăn xong, hãy cảm ơn bằng cách nói ‘Gochisosama-deshita’ (trang trọng) hoặc ‘Gochisosama’ (thân mật).
- Nếu bạn ăn bằng đũa dùng một lần, bỏ chúng gọn gàng vào trong túi đựng và gập phần đáy túi lại.
- Nếu không, đặt đũa ngang trên đĩa sao cho đũa không hướng vào người đối diện. Đặt đũa cạnh bát nghĩa là bạn chưa ăn xong.
- Khi ăn ở nhà hàng, người mời bữa ăn hoặc người có chức vị cao nhất sẽ trả tiền.
- Nếu bạn là người trả tiền, đặt tiền lên chiếc khay nhỏ người phục vụ đưa cho bạn thay vì đưa tiền trực tiếp cho người đó. Nếu nhà hàng không có khay, hãy đưa và nhận tiền bằng hai tay.
- Ở Nhật, đưa tiền boa không phổ biến và được coi là bất lịch sự.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Quy tắc ứng xử lịch sự trên bàn ăn của người Nhật tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].