Hôm qua mình đọc thấy có bạn chia sẻ bài của bạn Thu Hà về việc nhà bạn ấy không có vô tuyến. Hôm qua đọc hơi nhanh, hôm nay mình vừa tìm lại bài để đọc thì không thấy nữa nên chỉ nhớ đại khái là theo bạn ấy thì thông tin từ VT là thông tin thụ động, không có tương tác, và khi nhà không có vô tuyến thì trẻ con có nhiều thời gian chơi + làm việc khác hơn + giao lưu với mẹ và nhiều người hơn...
Mình thì luôn tôn trọng lựa chọn về lối sống và cách nuôi dạy con của mỗi gia đình, nhưng lúc đọc bài đó tự nhiên nhớ đến vài chuyện muốn chia sẻ với các bạn .
Đối với riêng mình, thì cái gì cũng có điểm hay điểm dở và vì vậy trong nuôi dạy con mình luôn hướng đến sự cân bằng, tránh bị rơi vào các tình trạng cực đoan.
Và nhà mình nuôi dạy con theo kiểu sử dụng ‘vác xin’ để hướng dần con đến việc biết tự quản lý bản thân, biết cái gì hay cái gì dở, biết đâu là giới hạn... trong tất cả các trào lưu/dòng chảy của cuộc sống.
Có nghĩa là trừ vài thứ thực sự không tốt cho trẻ con nói riêng và cho con người nói chung như kiểu vô tuyến, máy tính, điện thoại... từ quá sớm (dưới 2 tuổi cho vô tuyến, dưới 10 tuổi cho máy tính, điện thoại...), hoặc đồ ăn uống không tốt như rượu bia, thuốc lá, chất kích thích + những thứ có thể làm ảnh hưởng không tốt đến người khác + những gì vi phạm đạo đức nền tảng ... thì những gì còn lại nhà mình không cấm hoặc tránh hẳn mà hướng dẫn con trải nghiệm cuộc sống.
Sau đây là vài ví dụ :
- Con mình bắt đầu xem vô tuyến từ lúc gần 3 tuổi, thỉnh thoảng ngồi xem chương trình động vật, hoặc khám phá thế giới, vũ trụ... hoặc phim cho trẻ con... với bà hoặc với bố mẹ.
Lớn lên sau này vẫn xem các chương trình về khoa học, động vật, thế giới, phim tài liệu, hoạt hình, lịch sử, địa lý... chiếu hàng ngày hoặc hàng tuần trên vô tuyến...
Hồi con còn nhỏ, thì nguyên tắc của nhà mình là xem vô tuyến cùng con. Để có thể sẵn sàng chia sẻ, trả lời những câu hỏi, những thắc mắc của con...
Riêng phim hoat hình thì con có thể tự xem, rồi sau đó kể lại cho ông bà, cha mẹ nghe...
- Máy tính, điện thoại thì từ cấp 2 là bắt đầu được sử dụng rồi nhưng từ từ tý một, luôn có hướng dẫn và có trao đổi cởi mở và không lạm dụng.
Mình đã từng kể ở đâu đó là trong suốt mấy năm cuối cấp 2 + cấp 3 con mình tự học khá thông thạo tiếng Anh qua internet là chủ yếu đấy không cần đi học đâu xa.
- Về trò chơi điện tử cũng vậy. Mình biết con mình là con trai + có tính ưa khám phá + sống trong thời đại bùng nổ trò chơi điện tử nên một ngày nào đó có thể là con sẽ thích chơi như nhiều bạn khác .
Vậy nên từ lúc con còn học cuối cấp 1 là mình đã bắt đầu tìm hiểu về trò chơi điện tử rồi. Nhớ hồi đó còn tham gia diễn đàn làm cha mẹ, mình viết bài hỏi các bạn khác về trò chơi điện tử.
Xong có người vào hỏi mình rằng người ta cấm còn không được, sao chị lại tìm hiểu để cho con chơi ...? Hồi đó mình đã trả lời là con mình chưa chơi, nhưng mình tìm hiểu trước để phòng xa thôi...
- Lúc con ở tuổi thiếu niên, con cũng thần tượng ca sĩ nọ kia và mình thấy cũng bình thường. Đã có lần mình đi xếp hàng cả buổi chiều để xin chữ kí của thần tượng cho con vì anh ấy kí vào đúng ngày bọn trẻ con đi học. Cũng có lúc đi theo con đi xem ca nhạc nhức óc đinh tai nhảy múa tưng bừng của ca sĩ mà con đang thích ...
Nhớ có thời gian bọn trẻ con bên này thích một anh ca sĩ áo vàng, tóc dài, và trong những lời hát của anh ấy có cái câu casse, casse (đập vỡ, đập vỡ ...) vừa hát vừa đứng dạng chân vừa chém chém tay trông rất kì cục. Còn câu từ thì chẳng thấy có ý nghĩa gì hết...
Mỗi lần thấy thằng Ti hát cùng các bạn như vậy thì chồng mình lại lo lắng bảo ‘Trời ơi, nếu con cứ hát suốt thế này thì chết nhỉ, gu âm nhạc kiểu quái gì thế này’.
Mình bảo chồng là cứ từ từ, kệ con đi, rồi thời gian này sẽ qua nhanh thôi . Và thỉnh thoảng mình cũng nhảy vào dạng chân chém tay hát ‘casse, casse’ với con, thấy cũng vui ra phết.
Rồi thì đúng là cái thời đó cũng mau chóng đi qua, để thay vào đó là thần tượng khác, cho đến lúc con lớn và có gu âm nhạc ổn định hơn...
Mình đã từng kể với các bạn, là mình đã và vẫn đang gặp nhiều đứa trẻ con lúc nhỏ ở nhà với cha mẹ cực kì ngoan, toàn là trẻ con ‘kiểu mẫu’ hết.
Nhưng đến khi chúng được sổ lồng, thì nhiều đứa mới bắt đầu chơi bời, quậy tung quậy toé đến mức thành ra có vấn đề, có những trường hợp hết sức đáng tiếc .
Mình cũng đã từng là đứa con ngoan, ‘con nhà người ta’... Và bây giờ thì vẫn ngoan thôi nhưng cũng có lúc thấy tiếc rằng thời nhỏ không được ‘quậy’ ra phết đấy.
Nhớ hồi con bé tý tụi mình đưa con ra đây đi dạo xem cái tàu ‘đèn pha’ này. Hồi đó cũng chụp một cái ảnh hai mẹ con đúng chỗ này, đi bên cạnh nhau và bây giờ vèo một cái anh ấy đã lớn thế này rồi.
Từ lâu rồi anh ấy vẫn thỉnh thoảng còn quay ra ‘dạy’ ba mẹ về những giới hạn của cuộc sống, của việc nọ việc kia rồi cơ.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Bác sĩ Việt tại Pháp chia sẻ cách giúp con trải nghiệm cuộc sống tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].