Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ người Việt tại Pháp chia sẻ công thức '10 phút mỗi ngày' dành cho những người bận rộn

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng được biết đến là một facebooker thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình cũng như kỹ năng sống hạnh phúc cho các bà mẹ. Gia đình mới xin giới thiệu một bài viết mới đây của chị trên mạng xã hội về chủ đề này.

day som_nguyen thu hang

Thức dậy thật sớm vào buổi sáng và hít thở sâu để có đầy đủ năng lượng cho ngày mới - Ảnh minh họa 

Thỉnh thoảng mình vẫn nhận được tin nhắn than thở của bạn bè, rằng cuộc sống này luôn vội vã quá, làm cho con người chẳng còn thời gian để sống cho nhau, cho bản thân mình nữa...

Đúng là cuộc sống luôn vội vã quá thật, nhưng mình nghĩ, nếu bạn khéo sắp xếp, nếu bạn thực sự muốn sống cho mình, cho nhau, thì cũng có thể làm được chứ.

Lâu rồi mình luôn dậy sớm, dù tối có đi ngủ vào lúc 12 giờ, thậm chí 1 giờ, mình vẫn dậy vào giờ đó, rất sớm, khi cả nhà vẫn còn chìm đắm trong mơ.

Việc đầu tiên là dành 10 phút để tập thể dục, rồi sau đó là 5 phút ra cửa sổ bên căn bếp nhỏ, vừa đứng ngắm trời đất, cỏ cây, vừa nghĩ về những viêc mình sẽ làm hôm nay, và hít thở khoảng 20 cái thật sâu, thật kĩ.

Rồi chuẩn bị bữa sáng đơn giản, rồi gọi con gọi chồng nếu họ cũng đi, rồi thơm nhau, xoa đầu con một cái, hít hà vài cái, rồi chúc nhau ngày tốt lành, rồi mỗi người đi một nơi hoặc lúc con còn nhỏ mình thường dành 10-15 phút tiễn con đến trường....

Ra đường mình luôn mỉm cười vui vẻ với tất cả, kể cả đối với người chen đường, vượt lên trước ở bến tàu...mình không có giận họ, cáu với họ mà mình cố gắng nhìn họ với đôi mắt bao dung, nghĩ trong lòng có thể họ đang vội quá nên không để ý mà thôi...

bac si Nguyen Thu Hang_10 phut_2

Nụ cười rạng rỡ của bác sĩ Thu Hằng đem lại nghị lực sống cho nhiều bệnh nhân 

Rồi mình tranh thủ đọc, dù có chỗ ngồi hay đứng trên tàu mình cũng vẫn đọc, lướt tin nhắn, rồi trả lời những tin nhắn mang tính cấp cứu nếu có thể...

Có những ngày mình chả đọc gì cả, mình dùng thời gian ngồi trên tàu để suy nghĩ, để nhìn ngắm xung quanh, nghĩ về con người, về cuộc sống...

Đến cơ quan, mình tranh thủ trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp, cùng nhau uống cốc cà phê, hoặc trao đổi công việc, hoặc trao đổi tâm tình chuyện con cái, nhà cửa...

Chỉ mất chừng 10 - 15 phút, mà bạn bè giữ được tình thương quý nhau hoặc ít nhất cũng giữ được đủ độ xã giao cần thiết để làm việc cùng nhau.

Rồi mình lướt qua thông tin của những bênh nhân mà mình sẽ tới trong ngày, chuẩn bị trong đầu những gì cần làm, rồi lấy dụng cụ, đồ dùng cần thiết, rồi đi đến nhà bệnh nhân...

Đến nhà bệnh nhân, lúc nào mình cũng dành ra chừng 5 - 10 phút để hỏi chuyện vơ vẩn, giúp họ mở cửa sổ, giúp kéo cái rèm, giúp rời giường ra ghế, giúp hâm nóng cốc cà phê, hoặc chuẩn bị cho họ lát bánh mì phết bơ và mứt quả... rồi mới vào việc chính.

Làm việc chính xong, bao giờ mình cũng dành chừng 5-10 phút, giúp họ chỉnh lại chỗ ngồi, giúp chuyển cái ghế từ trong bếp ra cạnh cửa sổ để họ có thể ngồi ngắm bầu trời, giúp chỉnh lại cái chăn, cái áo...thậm chí bôi giúp chút kem lên mặt, búi lại mái tóc, hoặc trò chuyện về thời cuộc, chính trị, xã hội hoặc vài chuyện cuộc sống....

Những việc này rất quan trọng, mà nhiều người đồng nghiệp của mình tiếc thời gian, hoặc vô tình không để ý.

Chỉ mất chừng 10- 15 phút, bạn tạo được mối quan hệ tốt với bệnh nhân, thì những chỉ định điều trị, thuốc thang, giờ giấc... sẽ được họ trân trọng hơn, hợp tác với mình hơn, và kết quả chắc chắn sẽ tốt hơn, và thời gian để trị bệnh chắc chắc sẽ ngắn hơn, tai nạn nghề nghiệp cũng sẽ ít hơn....

Mình hay được bệnh nhân gọi: ‘Ôi tia nắng của tôi’, ‘Mặt trời của tôi’, ‘Bông hoa của tôi’, ‘Niềm vui của tôi’... là vì vậy.

Và cũng chính vì mình bỏ thời gian 10- 15 phút để chú ý đến vài chi tiết nhỏ ngoài những việc lớn như vậy nên 14 năm qua mình chưa hề phải nhận một lời phàn nàn nào của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, mình chưa bao giờ gây ra một cái lỗi nghề nghiệp nào dù rất nhỏ. Và gần như mình chưa phải 'lùi bước' trước bất kì người bệnh khó tính nào...

Buổi trưa ở cơ quan, mình cũng thường để khoảng 10-15 phút hỏi han bạn bè đồng nghiệp, xem hồ sơ bệnh nhân nếu cần... để tránh sai sót cho những ngày sau.

me hanh phuc

Dành thời gian quan tâm đến các con vào cuối ngày là việc cần thiết và cũng là niềm vui - Ảnh minh họa 

Buổi chiều tối về nhà mình thường để ra chừng 10-15 phút hỏi han, chuyện trò với con, xem ngày của con diễn ra thế nào, có cần chia sẻ gì không, cần trợ giúp gì không?

Lúc con còn nhỏ, thì số này có thể tăng thành ba, bốn lần 10 phút, vì càng nhỏ, càng cần được quan tâm, âu yếm, hỏi han, trò chuyện, chơi cùng...

Sau bữa ăn, cũng thường dành ra chừng 10-15 phút trò chuyện với nhau trước khi ai vào việc nấy buổi tối, hoặc có những hôm, mình bỏ hết tất cả những việc riêng sang một bên, dành khoảng chục lần mười phút cho gia đình, chồng con hoặc cho mình để đọc sách, xem phim, ....

Nhiều lúc chúng ta sẵn sàng dành ra cả giờ để tranh cãi việc gì đó rất vô bổ trên mạng, để bình luận, để ‘soi’ người này người nọ, để đi mua sắm, để tán phét, để bia, để rượu,... nhưng lại kêu than không đủ 10 phút để sống cho nhau, để quan tâm đến đời sống nội tâm, để sống cho mình...

Mười phút thôi các bạn ạ, 10 phút cho những niềm vui....

bac si Nguyen Thu Hang_nau an

Chị Nguyễn Thu Hằng chia sẻ hình ảnh một bữa ăn chị tự tay nấu cho gia đình 

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, hiện đang làm việc tại Pháp về Tâm lý học phát triển và tâm lý học thực hành – là một facebooker có nhiều bài viết hữu ích về chăm sóc con cái.

Chị cũng là một thành viên tích cực của diễn đàn lamchame.com với nickname ‘Mẹ Luti’.

Nhiều bài viết về kỹ năng sống, kỹ năng làm cha mẹ của chị được đông đảo thành viên chia sẻ vì có sự kết hợp các thông tin khoa học cũng như kinh nghiệm, vốn sống dồi dào.

Phương Phương

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính