Khi nào cần bắt đầu?
Nếu bạn cảm thấy thật khó khăn để trò chuyện với con trai, thì bạn thuộc về số đông.
Rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy không thoải mái hoặc bối rối khi nói chuyện với con trai cưng về một số chủ đề, đặc biệt về cơ thể của con.
Cũng có thể bạn cảm thấy thông tin này thật sự ‘không thích hợp’ để chia sẻ với con.
‘Làm cha mẹ, bạn cần có khả năng phân biệt cho trẻ giữa sự thực và những nhầm tưởng về cơ thể’ – Timothy Blegen, bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm thực hành sức khỏe trẻ em – Đại học Northwestern (Hoa Kỳ) cho biết.
‘Dạy bé trai về cơ thể cần phải là quá trình cởi mở, chân thành và liên tục trao đổi, bắt đầu từ khi bé 8 – 9 tuổi.
Vào tầm tuổi này, sự tò mò và những hiểu biết các bé có được rất khác nhau.
Một số bé có thể hỏi rất nhiều, trong khi các bế khác chỉ ngầm phân vân mà không nói ra. Cha mẹ nên chủ động trao đổi với bé chứ đừng đợi bé hỏi’ – bác sĩ Timothy nói.
Cũng theo các chuyên gia, nếu cha mẹ không chắc chắn nên trả lời các câu hỏi của con như thế nào, hãy nói: ‘Để cha mẹ tìm hiểu thêm nhé!’.
Hãy tìm hiểu và trả lời bé sớm nhất có thể.
Đây là danh sách 9 điều cần dạy cho các cậu con trai về thân thể của mình, cha mẹ hãy lưu tâm để tự tin khi trò chuyện với con:
1. Cơ thể mỗi người là khác nhau
Con muốn có vẻ ngoài đẹp trai, bắt mắt – đó là điều rất bình thường.
‘Hãy cởi mở khi nói với con về chuyện cơ thể mỗi người có thể không hoàn hảo như mong muốn.
Nên tránh gọi con là ‘béo’ hay ‘gầy dơ xương’, tránh những bình luận tiêu cực về ngay chính cơ thể bạn’ – bác sĩ Timothy khuyên.
Trẻ con học theo người lớn rất nhanh nên những gì cha mẹ nói về hình thể có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
2. Khuyến khích trẻ chơi, học hành và khám phá thật nhiều
Cha mẹ cần luôn luôn khích lệ con thử nghiệm những điều mới lạ, giúp con năng động.
Con có thể chơi tự do với các bạn hoặc tham gia vào các môn thể thao tùy theo ý thích.
Những hoạt động thể chất không chỉ tốt cho cơ thể, đây còn là cơ hội giúp bé năng động hơn, tương tác với các trẻ em khác nhiều hơn.
Bằng cách này, cha mẹ cũng sẽ giúp con khám phá những bộ môn thể thao mà con ưa thích, hiểu biết hơn những khác biệt về giới tính.
Ở lứa tuổi nhỏ, hãy để các con tự khám phá càng nhiều càng tốt.
3. Chăm sóc bé thật chu đáo
Hãy quan tâm đến việc đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh và vệ sinh cơ thể cho bé. Nghỉ ngơi và tập luyện thích hợp cũng rất quqn trọng với trẻ.
‘Tai nạn thương tích là nguyên nhân số 1 gây tử vong ở trẻ.
Hãy nhấn mạnh với con trai về tầm quan trọng của sự an toàn, ví dụ như cài dây an toàn khi đi xe ô tô, đội mũ bảo hiểm…’ – bác sĩ Timothy Blegen nói.
4. Trò chuyện một cách thực tế
Bác sĩ Timothy Blegen cho rằng: ‘Tránh xa những từ lấp lánh khi nói chuyện với con của bạn. Thay vào đó, sử dụng ngôn ngữ trực tiếp’.
Điều này có nghĩa là cha mẹ cần sử dụng các từ đơn giản, dễ hiểu để giải thích các phần cơ thể và các chức năng của chúng một cách chính xác và thực tế.
Tạo ra các cụm từ như ‘lúc lắc’, ‘vòi voi con con’ – để chỉ cơ quan sinh dục nam có vẻ dễ thương hoặc buồn cười, nhưng cũng dễ gây nhầm lẫn và dẫn đến các cuộc trò chuyện phức tạp, khó hiểu.
5. Nói với con về những thay đổi tuổi dậy thì
Ai cũng trải qua điều đó: vỡ tiếng, lông trên cơ thể, cương cứng, mộng tinh, mụn trứng cá và nhiều hơn nữa.
Theo trang web KidsHealth.org, trẻ em nên biết những thay đổi thể chất và tinh thần có liên quan đến tuổi dậy thì vào lúc bé 8 tuổi.
Có thể nhiều người nghĩ rằng đây là thời điểm sớm, nhưng có nhiều trẻ thay đổi chỉ một vài năm sau đó. Cha mẹ hãy nghĩ về việc trò chuyện đó như là sự chuẩn bị tâm lý cho con.
Cũng giống như người lớn muốn biết điều gì sẽ xảy ra với mỗi thay đổi lớn trong cuộc sống, chẳng hạn như thay đổi chỗ ở thì cần thuê một thợ sửa ống nước khác hoặc mua một chiếc xe mới, trẻ em nên biết điều gì sẽ xảy ra với tuổi dậy thì trước khi nó bắt đầu.
6. Giới tính và tình dục
Tình dục là vấn đề tự nhiên, bình thường như cơm ăn, nước uống hàng ngày.
Hãy bắt đầu một cuộc nói chuyện thật giản dị, không cần quá nghiêm trọng về vấn đề này.
Không khí cởi mở, vui vẻ sẽ giúp bé cảm thấy dễ nói chuyện với bạn về đề tài sex.
Cha mẹ hãy nói chuyện với con về chủ đề này thật thoải mái.
Đừng ngạc nhiên khi cậu con trai mình trở nên nghiêm túc, im lặng lắng nghe hoặc bắt đầu nói về một điều gì đó liên quan, hoặc có thể là…bỏ đi.
Rõ ràng là con đã nghe bạn, nhưng có lẽ con cần một thời gian để biết điều gì con có thể học.
7. Dạy con về bảo mật thông tin cá nhân
Với sự gia tăng phát triển của mạng xã hội, việc vi phạm quyền riêng tư ngày càng phổ biến và cần lưu tâm.
Cha mẹ hãy nói chuyện với con trai về tầm quan trọng của sự riêng tư - bao gồm cả cơ thể, không gian cá nhân, thông tin cá nhân.
Con cần tôn trọng quyền riêng tư của mình cũng như của người khác'.
Dạy con về trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội: những thứ được đăng trực tuyến, bao gồm cả hình ảnh của con, đều có thể được xem bởi bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào.
8. Tôn trọng bản thân
Điều này sâu sắc hơn việc chăm sóc cơ thể.
Nếu ai đó bắt nạt con trai của bạn hoặc chạm vào con một cách không phù hợp hoặc có hại, hãy giúp con cảm thấy thoải mái khi nói ‘không’ và cần báo lại ngay với cha mẹ.
Điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn đã thiết lập với con những cuộc trò chuyện cởi mở, trung thực.
9. Tôn trọng người khác
Con trai của bạn sẽ bắt đầu nhận thấy rằng cơ thể của các cô gái cũng đang thay đổi.
Bác sĩ Timothy Blegen nói: ‘Hãy sẵn sàng nói chuyện với con về những thay đổi trong cơ thể của con cũng như các bạn gái.
Nếu bạn né tránh, bạn có thể vô tình khuyến khích những suy nghĩ có hại hoặc thiếu tôn trọng về các cô gái con học hỏi từ bạn bè, phương tiện truyền thông hoặc các nguồn khác’
Bác sĩ Timothy khuyến khích bạn lắng nghe, chuẩn bị và tìm kiếm những khoảnh khắc phù hợp để dạy con hằng ngày, nhưng trên hết, ông nói: ‘Hãy quan tâm đến cuộc sống và hoạt động thường ngày của con trai bạn, sẵn sàng đối thoại về mọi vấn đề. Bằng cách đó, tất cả điều này sẽ trở nên tự nhiên hơn’.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết 9 hiểu biết về cơ thể - cha mẹ nhất định phải dạy cho các bé trai tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].