Bà bầu nên giảm ăn muối
Muối ăn giúp tạo vị mặn cho thực phẩm, làm tăng vị ngon tổng thể của món ăn. Muối ăn cũng có mặt nhiều trong các gia vị mặn khác như nước mắm, nước tương, bột canh…, bên cạnh đó, muối ăn cũng được bổ sung vào các thực phẩm chế biến sẵn hay các thực phẩm muối chua.
Mặc dù muối có chức năng quan trọng, nhưng trên thực tế, mọi người chỉ cần một lượng muối rất nhỏ để có một chế độ ăn uống lành
Đối với bà mẹ mang thai, theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mẹ mang thai thuộc nhóm người trưởng thành nên ăn ít hơn 5g muối/ngày, tương đương ít hơn 1 thìa cà phê muối.
Lượng muối này được tính từ tất cả các nguồn thực phẩm và gia vị chứa muối như bột canh, nước mắm, nước tương...
Các gia vị mặn lên men như nước mắm, nước tương… ngoài vị mặn đặc trưng còn có thêm vị umami điển hình (vị ngon, vị ngọt thịt) do hàm lượng lớn axit amin glumate được tạo thành từ quá trình lên men (ủ chượp) cá với nước mắm hoặc lên men đậu nành với nước tương.
Theo Tháp Dinh dưỡng hợp lý cho người trưởng thành (giai đoạn 2016 - 2020) của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), 5g muối = 8g bột canh (tương đương 2 thìa cà phê bột canh) = 25g nước mắm (tương đương 3 thìa canh nước mắm) = 35g nước tương (tương đương 4 thìa canh nước tương).
Do đó, các bà mẹ cần chú ý khi nêm nếm đảm bảo hàm lượng muối tổng thể từ các nguồn khác nhau ít hơn 5g/ngày.
Ở người lớn, chế độ ăn nhiều muối (> 2 g Natri mỗi ngày, tương đương với 5 g muối) và ít Kali (ít hơn 3,5 g mỗi ngày) làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch và đột quị. Lượng muối dưới 5 gam mỗi ngày đối với người lớn giúp giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Lợi ích chính của việc giảm lượng muối ăn vào là giảm huyết áp.
Mẹ bầu ăn nhiều muối nguy hại thế nào?
Nhiều người vô tình ăn nhiều hơn lượng khuyến cáo (trung bình 9 - 12 g mỗi ngày) vì muối được thêm quá nhiều vào các loại thực phẩm chế biến. Điều đáng lưu ý là 75 - 80% lượng muối tiêu thụ của chúng ta được ẩn trong thực phẩm chế biến sẵn, bữa ăn sẵn, đồ ăn mang đi và các bữa ăn ở nhà hàng.
Ăn nhiều muối có thể có tác động tiêu cực đến huyết áp. Muối ảnh hưởng đến thận, khiến cơ thể giữ nước. Lượng chất lỏng dư thừa này dẫn đến thể tích máu lớn hơn, có thể khiến huyết áp tăng lên.
Đặc biệt với phụ nữ mang thai, ăn nhiều muối dẫn đến nguy cơ phát triển tăng huyết áp và tiền sản giật rất cao do các thay đổi nội tiết trong thai kỳ.
Vì vậy, một chế độ ăn ít muối trong thời kỳ mang thai có thể giúp giữ huyết áp trong giới hạn bình thường, giảm nguy cơ đột quỵ và các vấn đề về tim, cũng như các bệnh khác.
Muối i-ốt khi mang thai
Hiện nay, một số muối được tăng cường thêm thành phần i-ốt, là một khoáng chất góp phần vào sự phát triển trí não của em bé.
Vì vậy, thay thế muối ăn thông thường của bằng một loại muối có chứa i-ốt có thể giúp mẹ bầu bổ sung lượng i-ốt bị thiếu.
Phụ nữ mang thai có thể nhận đủ lượng i-ốt chỉ từ chế độ ăn uống và không khuyến nghị dùng thêm bất kỳ chất bổ sung i-ốt nào. Thực phẩm giàu i-ốt bao gồm một số loại cá, động vật có vỏ, trứng và ngũ cốc.
Mẹ bầu cần làm gì để giảm lượng muối ăn mỗi ngày
Một số cách để giảm lượng muối tiêu thụ khi mang thai:
- Tự nấu các món ăn, sử dụng các loại thực phẩm tươi sống và hạn chế nêm muối vào các món ăn.
- Kiểm tra lượng muối trên thực phẩm đóng gói sẵn và đặt mục tiêu ít hơn 1,5g muối trên 100g thực phẩm.
- Các loại cá hoặc thịt đã qua xử lý như xúc xích, thịt nguội, giăm bông có thể chứa nhiều muối, vì vậy hãy cố gắng hạn chế ăn những thực phẩm này. Hãy tìm hiểu về các loại thịt bạn có thể ăn và những thực phẩm bạn nên tránh khi mang thai.
- Hạn chế sử dụng nước tương, mù tạt, dưa chua, sốt mayonnaise và các loại sốt ăn kèm khác, vì chúng đều có thể chứa nhiều muối.
- Giảm ăn pho mát vì nó có thể chứa nhiều muối. Hãy tìm hiểu những loại pho mát nào là an toàn để ăn khi mang thai.
- Mua rau và đậu đóng hộp không thêm muối.
- Nếu mẹ bầu đang ăn các loại hạt, hãy mua loại không ướp muối. Để có một bữa ăn nhẹ lành mạnh hơn, hãy chọn trái cây hoặc rau quả tươi.
* Nguồn: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em