Nhóm gia vị ngọt gồm đường, mật ong, si rô… Đường tạo vị ngọt có thể làm cho một số món ăn ngon hơn. Bên cạnh đó, đường cũng cung cấp năng lượng cho cơ thể, do đó nếu sử dụng đường ở mức dư thừa có thể gây ra các nguy cơ về thừa cân, béo phì và đái tháo đường thai kỳ ở bà mẹ mang thai.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cả người lớn và trẻ em nên giới hạn lượng đường tự do (bao gồm tất cả các loại đường được thêm vào thực phẩm và đường có trong mật ong, si rô, nước ép trái cây, các loại mứt quả…) ở mức dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ hàng ngày.
WHO cũng khuyến nghị tiêu thụ đường dưới mức 5% còn tốt hơn nữa và mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Đối với bà mẹ mang thai, Tháp Dinh dưỡng hợp lý cho người trưởng thành (giai đoạn 2016 - 2020) của Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, một người trưởng thành không nên ăn quá 5 đơn vị đường/ngày.
Trong đó, 1 đơn vị đường tương đương với 1 muỗng café (muỗng nhỏ) đường 5g hoặc 1 thanh kẹo lạc 8g hoặc 1 muỗng café mật ong 6g.
Để hạn chế lượng đường tiêu thụ, mẹ bầu nên lưu ý những điều sau khi thèm ăn ngọt:
- Mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn và chia cụ thể bữa ăn vặt - bữa ăn chính;
- Khi thèm ăn các món như bánh quy, kẹo,... không nên ăn quá 1 - 2 lần/ngày;
- Khi thèm ngọt nên ăn các thực phẩm tạo ngọt tự nhiên như sữa chua, nho, táo xanh, dâu, đậu nành...;
- Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn với thành phần chứa nhiều các loại đường tổng hợp, hóa học không tốt;
- Nên bổ sung nhiều chất xơ cùng với lượng đường tự nhiên có trong rau, củ, quả để cân bằng các dinh dưỡng cần thiết cho cả mẹ và bé.
- Mẹ bầu cần giữ cho tinh thần thoải mái vì đây cũng là một cách giúp mẹ giảm ăn đồ ngọt.
*Nguồn: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em