Liệu trong luật có ghi rõ được rằng khi nào và bao giờ thầy đánh trò là bạo hành, còn khi nào là không? Liệu rằng khi luật được ban hành, thầy có quá sợ trò mà không thể lên lớp giảng dạy được hay không?
TS Vũ Thu Hương (giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học - Đại học Sư phạm Hà Nội) đã đặt câu hỏi ngược lại trong cuộc trả lời phỏng vấn Gia Đình Mới về Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa công bố đang gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là quy định: giáo viên đánh, mắng học sinh bị phạt tiền, có khi treo nghề 6 tháng...
Với tư cách một người làm trong ngành giáo dục, khi đọc các quy định trên, bà có đánh giá như thế nào?
TS. Vũ Thu Hương: Mỗi lần tiếp xúc với những vấn đề này, tôi thật sự cảm thấy rất mệt mỏi. Vấn đề giáo dục đã bị mổ xẻ kĩ lưỡng vài năm gần đây. Điều này có thể đã gây ra những làn sóng bức xúc trong dư luận nhưng cũng làm giảm đi rất nhiều sự hứng khởi, yêu nghề của các thầy cô giáo.
Theo bà, việc Luật hoá một vấn đề đạo đức có góp phần giải quyết triệt để vấn đề trên và liệu nó có phải nghị định khả thi?
TS. Vũ Thu Hương: Theo tôi nghĩ, mọi việc nếu cần giấu diếm thì vẫn có thể giấu diếm được. Quy định không được phép bạo hành trẻ thì có từ lâu và bất kể giáo viên nào cũng biết. Chỉ có điều, các quy định không biến thành luật và không ghi rõ mức xử phạt mà thôi.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, ở ngành giáo dục khắp nơi trên thế giới, hiện tượng thầy sử dụng roi để dạy trẻ không hiếm và cũng không phải toàn bộ đều là bạo hành trẻ.
Đã có nhiều người thầy sử dụng roi của mình để giáo dục nhưng lại được học trò vô cùng yêu quý và trân trọng. Bởi vì người thầy là người chịu trách nhiệm rèn luyện trẻ.
Đôi khi người thầy sử dụng roi nhưng với thông điệp giáo dục hết sức rõ ràng đã giúp cho trò hiểu rõ được mọi vấn đề, phân biệt rõ ranh giới được phép/không được phép, phân biệt được phải trái, biết nhận ra lỗi sai.
Rõ ràng khi người thầy đó sử dụng liệu pháp roi vọt nhưng lại có giá trị giáo dục rất cao. Liệu trong luật có ghi rõ được rằng khi nào và bao giờ thầy đánh trò là bạo hành, còn khi nào là không?
Liệu rằng khi luật được ban hành, thầy có quá sợ trò mà không thể lên lớp giảng dạy được hay không?
Nhiều người cho rằng, trong vấn đề bạo lực học đường, cụ thể là “thầy đánh trò” trách nhiệm còn liên quan đến nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục khi đã không quan tâm đúng mực tới việc tuyển người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất cũng như việc giám sát chặt chẽ. Quan điểm của bà như thế nào với ý kiến này?
TS. Vũ Thu Hương: Là giáo viên, bất kể ai cũng mong học trò của mình tiến bộ. Chỉ có điều, những người thầy đó có đủ kĩ năng để xử lý các vấn đề trước khi mất bình tĩnh hay không. Kết tội người thầy trong các trường hợp phạt trẻ mà không cần quan tâm xem người trò khi đó đã làm gì, đã cư xử hoặc hành động gì, có nguy hiểm đến ai không, có gây ra hậu quả gì không là một việc làm hết sức hồ đồ.
Khoan nói đến chuyện đào tạo người thầy, chúng ta chỉ cần quan tâm xem các vụ việc sẽ được giải quyết ra sao khi thầy phạt trò 1 roi về việc hỗn láo thì lại bị tước quyền dạy trẻ vài tháng, phạt vài chục triệu trong khi chúng ta không hề nói đến hành vi của đứa trẻ.
Phải chăng trẻ em bây giờ không cần phải dạy bảo điều hay lẽ phải?
Trong dự thảo Nghị định có quy định về trường hợp xử phạm những người xúc phạm, tấn công người làm trong ngành giáo dục. Có thể nói, Nghị định soạn thảo khá chặt chẽ, có đi có lại, nhưng liệu chúng ta có lo sợ, giáo dục ngày càng “sòng phẳng”?
TS. Vũ Thu Hương: Nhà trường càng ngày càng bị can thiệp thô bạo. Không chỉ nói đến việc xử phạt thầy khi thầy bạo hành trẻ mà ngay cả các bài học trên lớp bây giờ cũng bị dư luận đem ra mổ xẻ, phê phán.
Chính thái độ này đã làm mòn dần và biến mất hẳn hành lang bảo vệ nhà giáo, khiến các nhà giáo bị phơi ra giữa đấu trường cho những lời hằn học, phê phán, chửi rủa tấn công.
Nếu chúng ta chỉ ngăn chặn mỗi hành vi cuối cùng là tấn công trực diện người làm trong ngành giáo thì có đủ để bảo vệ các nhà giáo trong công cuộc khó khăn mà họ đang theo đuổi?
Nhiều người cũng lo sợ, giáo dục “sòng phẳng” như nói trên, sợ rằng học sinh sẽ ngày càng khó bảo, nhất là những học sinh ở tuổi nổi loạn?
TS. Vũ Thu Hương: Đã từ lâu lắm rồi, khi cha mẹ bênh vực con một cách vô lối trước sự nghiêm khắc của người thầy, những người làm cha mẹ đó đã trao cho con mình và những đứa trẻ khác một thông điệp phản giáo dục rằng: "Ai động vào con thì cha mẹ sẽ hỏi tội người đó không cần biết con đúng sai thế nào".
Không nói về tuổi nổi loạn, riêng với thông điệp hết sức phản giáo dục này, chắc chắn các bạn nhỏ sẽ chẳng thể nào nhìn ra lỗi sai của mình, thậm chí còn chẳng cần quan tâm đến mọi nội quy, luật lệ gì hết bởi luôn có cha mẹ bảo kê cho mình trong mọi tình huống.
Đạo đức trẻ xuống cấp là xu thế có thể thấy rất rõ.
Có độc giả chia sẻ “áp dụng luật này giáo dục sẽ không còn là giáo dục, không phải cái gì cũng quy ra tiền được, rồi trường học sẽ đơn thuần trở thành nơi mua bán kiến thức chứ không còn là nơi trồng người nữa”. Là một người trong nghề, bà nghĩ sao?
TS. Vũ Thu Hương: Cha mẹ giáo dục đạo đức và kĩ năng, nhà trường giáo dục kiến thức. Đây là quy định bất thành văn từ lâu lắm rồi nhưng có rất nhiều phụ huynh hầu như quên mất nhiệm vụ của mình.
Họ phó mặc cho nhà trường rồi lại lên án thầy cô giáo. Bản thân tôi khẳng định: tôi phản đối bạo lực dù ở bất kể đâu.
Nhưng trước khi luật hóa mọi vấn đề, chúng ta rất cần phải cân nhắc xem các quyết định, các hành vi của người lớn chúng ta sẽ đem lại thông điệp gì cho trẻ. Liệu rằng điều chúng ta đang làm có phải là hại trẻ. Theo tôi, điều này phải được cân nhắc trước tiên.
Xin chân thành cám ơn bà!