Đường dây bán dâm nghìn USD với sự tham gia của Á hậu, MC chấn động showbiz vừa bị triệt phá. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao không công bố danh tính người mua bán dâm...
Việc công khai danh tính người mua dâm là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Gia Đình Mới xin chia sẻ quan điểm của chính nữ giới về vấn đề này.
Diễn viên Hương Hà
Khi nghe câu chuyện đó tôi thấy tim mình thắt lại. Là người phụ nữ có gia đình đã hơn 10 năm nay, tôi hoang mang, nếu chẳng may rơi vào người nhà của mình thì sẽ như thế nào?
Tôi nghĩ không nên công khai danh tính của cả người mua dâm và bán dâm. Bởi phía sau người đàn ông là vợ và con họ. Có những người, không phải là thói quen và nhu cầu thiết yếu của họ. Nhất là đối với những người đàn ông có tính sĩ diện, qua lời thách đố, vì nể bạn bè nên họ có “tình một đêm”. Đó chỉ là những thoáng qua thôi.
Chúng ta thử nghĩ, ở nhiều nước ngoài trên thế giới đã có những con phố "đèn đỏ" mà ở đó, người tham gia mua-bán đều có kiểm chứng về mặt sức khoẻ. Hơn nữa, việc công khai danh tính người mua dâm khiến chính bản thân họ không phục. Họ sẽ đặt ra câu hỏi: Bao nhiêu người mua dâm mà tại sao tôi lại bị công khai danh tính?
Tôi nghĩ, chúng ta không được quyền phán xét những người đàn ông đó. Vì chúng ta không là họ nên không biết được tường tận câu chuyện phía sau.
Nhân viên văn phòng Nhung Cẩm
Tôi nghĩ không nên công khai danh tính của người mua dâm và bán dâm. Bản chất của pháp luật là để thiết lập trật tự và sự công bằng trong một cộng đồng. Cụ thể là bảo vệ người yếu, trừng phạt và cách ly kẻ hung ác.
Những người phụ nữ bán dâm là phạm pháp, họ sẽ nhận được sự trừng phạt của pháp luật bằng nhiều hình thức. Nhưng bất cứ hình thức nào xâm phạm tới nhân phẩm của con người, thì tức là nó đã thiếu vắng đi tính nhân văn và rời xa bản chất "bảo vệ con người" ban đầu rồi,
Chưa kể, những người phụ nữ này hết thời gian thụ án sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường, họ sẽ sống thế nào trong một xã hội Á đông tương đối bảo thủ như Việt Nam? Vậy là thay vì trao cho người phạm lỗi một cơ hội làm lại cuộc đời, chẳng phải mình đã giết chết tương lai của ng ta ngay từ đầu sao?
Nhìn nhận một cách thực tế, việc công khai danh tính không hề mang lại tác dụng răn đe, ngược lại, nó chỉ tạo điều kiện cho vô vàn những màn xúc phạm danh dự công khai trên mạng xã hội mà thôi.
Mỗi quốc gia có một thể chế luật pháp riêng, nhưng tôi nghĩ là mức độ nhân văn, bác ái trong pháp luật của một quốc gia cũng chính là thước đo cho sự văn minh và phát triển của quốc gia đó.
Dịch giả Hoàng Anh
Tôi nghĩ không nên công khai danh tính của người bán dâm và mua dâm. Vì ai cũng có gia đình và người thân, bạn bè. Chẳng hay ho gì khi đánh vào lòng tự trọng của người khác, dù đó bất kì ai. Đưa danh tính không phải là cách răn đe. Nếu họ sợ xấu hổ họ đã khộng làm như vậy.
Mỗi người lại có một nỗi niềm riêng, Mình không là họ nên mình không biết được. Tại sao mình làm 1 chuyện xấu để đòi công bằng cho 1 chuyện xấu khác? Như vậy, xã hội sẽ toàn việc xấu à?
Hơn nữa, việc xã hội bàn luận tới hoa hậu X, người mẫu Y bán dâm vô hình trung khiến danh xưng hoa hậu, người mẫu, diễn viên sẽ bị đi liền với “bán dâm”.
Dịch giả Thư Vũ
Công khai danh tính người mua dâm, tôi chưa biết răn đe theo hình thức đó xã hội sẽ tốt lên thêm được bao nhiêu, tốt lên ở mặt nào nhưng ảnh hưởng xấu đến những người không liên can tới sự việc thì quá rõ ràng. Không cần nghĩ đi đâu xa xôi, chỉ cần nghĩ tới gia đình, người thân, những đứa trẻ của những người mua dâm.
Hãy xỏ mình vào chiếc giày của người khác! Tôi không nói tới chiếc giày của người mua dâm, mà chiếc giày của những người vô tội chung quanh họ, nhất là những đứa trẻ.
Xã hội tốt hơn bao nhiêu chúng ta không đo được, nhưng cái thử nghiệm răn đe này sẽ ngay lập tức tạo nên rất nhiều cú sốc và vết thương tinh thần có khi để lại sẹo lồi cả đời cho con người ta. Cái hậu quả rành rành đó mà người ta làm ngơ được để mà thử nghiệm cái hình thức “răn đe" đó thì xin đừng nghĩ gì tới chuyện làm cho xã hội tốt lên dù là tốt lên theo mặt nào.
Đối với tôi, toà án lương tâm là toà án tối cao và công tâm nhất.