Nạn nhân trong các vụ hỏa hoạn thường hít phải khí có nhiệt độ cao vào đường hô hấp dẫn tới tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị bong tróc, sưng nề, tổn thương phổi nặng, dẫn đến tử vong.
Đặc biệt, với trẻ nhỏ, nguy cơ tổn thương đường hô hấp, ngộ độc thường nặng và nguy hiểm hơn so với người lớn.
Lý giải về điều này, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Khi hỏa hoạn xảy ra, trẻ em thường gặp nguy hiểm nhiều hơn so với người lớn. Nguyên nhân là do cơ thể trẻ non nớt nên dễ bị tổn thương và khi gặp tổn thương vết thương thường nặng, lâu khỏi hơn người lớn.
Hơn nữa, đường hô hấp, đường thở của trẻ nhỏ hẹp, chưa hoàn thiện, niêm mạc hô hấp mỏng, nên khi hít phải hơi nóng, khí độc, đường hô hấp của trẻ dễ bị sưng nề, bong tróc nặng.
Một yếu tố nữa làm cho trẻ bị ngộ độc, bỏng đường hô hấp nặng khi gặp hỏa hoạn đó là trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy nhiều nên dễ bị suy sụp trong hoàn cảnh thiếu oxy, nhu cầu hít thở cao dẫn đến hít phải khí độc nhiều”.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng cho hay, trong khi xảy ra hỏa hoạn, những nguy cơ thường gặp đối với sức khỏe gồm ngộ độc, bỏng và chấn thương.
Trong đó, nguy cơ ngộ độc có thể dẫn đến tử vong nhanh cho các nạn nhân của vụ cháy. Bởi, khi hỏa hoạn xảy ra, tùy thuộc vào nguyên liệu cháy và độ thông thoáng ở khu vực đó mà sẽ sinh ra các chất, khí, khói, bụi… khác nhau. Và những sản phẩm khói, bụi, khí độc thải ra khi cháy lại được phân ra làm 3 dạng chất.
Thứ nhất là những chất kích ứng, gây tổn thương trực tiếp niêm mạc đường hô hấp. Đáng chú ý là các hợp chất clo, các hợp chất có lưu huỳnh gây kích thích tổn thương trực tiếp niêm mạc mũi, họng, niêm mạc đường hô hấp sâu bên trong.
Với các biểu hiện thường gặp là cay mắt, cay mũi, chảy nước mắt, chảy nước mũi, ho sặc sụa, ho nhiều… Đường thở có thể bị tổn thương, gây co thắt, thở rít, khó thở, tổn thương cả bên ngoài và bên trong. Đặc biệt là từ thanh quản trở xuống, gây chèn ép đường hô hấp, tổn thương bên trong đường hô hấp, bong tróc niêm mạc, gây hẹp, tắc thở, tổn thương nhu mô phổi và nguy hiểm đến tính mạng.
Nhóm chất thứ 2 là chất gây độc với cơ thể, gây độc cho máu, điển hình là khí CO. Những chất này có thể gây ảnh hưởng tại chỗ, nhưng nguy hiểm hơn là nó hấp thu rất nhanh vào đường hô hấp, thông qua đường hô hấp vào trong cơ thể, vào máu và gây hại.
Tác hại của chất gây độc với cơ thể là gây thiếu oxy, giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, ngăn cản khả năng sử dụng oxy của các tế bào, gây độc trực tiếp với các tế bào cơ, tim, não, thần kinh…
Nạn nhân khi bị ngộ độc chất này thường biểu hiện rất nhanh, gây bất tỉnh, co giật, ảnh hưởng tim mạch, tụt huyết áp và dẫn tới tử vong nhanh.
Nhóm thứ 3 là các chất khí gây ngạt đơn thuần, ít nguy hiểm hơn, phổ biến là khí CO2. Nguyên nhân là do quá trình cháy đã tiêu thụ hết oxy, tạo ra các khí khác, phổ biến là CO2 và khí này được thải ra quá nhiều trong vụ cháy làm cho nạn nhân bị thiếu oxy.
Ngoài ra, điều nguy hiểm hơn được bác sĩ Nguyên nhấn mạnh là nguy cơ nạn nhân bị bỏng đường hô hấp khi gặp hỏa hoạn.
Bỏng đường hô hấp là loại bỏng đặc biệt, gây tổn thương đường hô hấp, xảy ra khi nạn nhân hít thở trong nhiệt độ không khí quá cao và hít phải các chất độc sinh ra từ đám cháy, có gây chết người rất nhanh.
Trong quá trình hô hấp, nạn nhân hít phải khí nóng và khí này khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương đường thở. Tổn thương này có thể chỉ là một phần đường hô hấp hoặc toàn bộ đường hô hấp, bao gồm các niêm mạc từ mũi đến tận phổi.
Khí nóng gây tổn thương niêm mạc, phù nề, tiết dịch trong đường thở khiến đường thở bị chít hẹp. Cùng lúc đó, oxy bên ngoài đang thiếu sẽ khiến cơ thể thiếu oxy nghiêm trọng, càng thiếu oxy, đường thở lại càng phù nề khiến bệnh nhân bị ngộ độc do thiếu khí.
Để nhận biết sớm những dấu hiệu nạn nhân hít phải khí nóng, những người tham gia cấp cứu cần chú ý biểu hiện bỏng rát mặt mũi, cháy mặt, cháy mắt, cháy lông mũi, cháy mi mắt, cháy tóc…
Việc phát hiện và cấp cứu sớm các trường hợp bỏng đường hô hấp sẽ giúp giảm tình trạng sưng nề, bong tróc niêm mạc, hẹp đường hô hấp, suy hô hấp và giảm tử vong cho người gặp nạn.
Bên cạnh đó, các chất bụi, nhất là bụi than, bụi khói có thể không gây độc toàn thân nhưng cũng làm phức tạp thêm tình trạng sức khỏe người bị nạn. Bởi, các chất này gây ảnh hưởng đường hô hấp, gây két, nghẽn đường hô hấp.
Nhất là khi bụi này kết hợp với các niêm mạc bong ra ở đường hô hấp tạo thành các nút nhầy cản trở đường thở của nạn nhân.
Do đó, theo bác sĩ Nguyên, để an toàn, những nạn nhân, nhất là trẻ nhỏ trong các vụ họa hoạn cần được sớm đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Với những trường hợp tiếp xúc ở xa, các yếu tố nguy hiểm không ảnh hưởng nhiều cũng nên đến các cơ sở y tế thăm khám, kiểm tra để có biện pháp thích hợp loại bỏ khí độc đã đi vào cơ thể.
Cách tránh khí độc tại hiện trường hỏa hoạn
- Tránh xa lửa, khí nóng và khói trong khi có hỏa hoạn
- Đi ngược hoặc ngang chiều gió
- Thoát ra khỏi khu vực hỏa hoạn bằng con đường gần nhất
- Ra nơi thoáng khí, không khí trong lành
- Dùng khăn ướt bịt mũi, miệng để cản hơi nóng và khí độc
- Nới lỏng quần áo, hô hấp nhân tạo bằng phương pháp hiện có tại chỗ, cho thở oxy liều cao
- Đeo mặt nạ chống độc