Vì sao cúng ông Công ông Táo cần có cá chép?

Theo quan niệm dân gian, trong lễ cúng ông Công ông Táo không thể thiếu cá chép. Vậy vì sao người dân lại cúng cá chép? Cá chép có ý nghĩa gì trong lễ ông Công, ông Táo?

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ngày 23 tháng Chạp hằng năm, theo dân gian, đây là ngày Táo quân lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm tốt, xấu của gia chủ trong năm.

Phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta là một tín ngưỡng văn hóa dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.

Đáng chú ý, theo quan niệm dân gian, trong lễ cúng ông Công ông Táo không thể thiếu cá chép. Vậy tại sao có quan niệm này?

Theo GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia đây là thói quen được duy trì từ lâu. Bởi trong tâm thức dân gian, cá chép sẽ hóa thành rồng, sau đó rồng sẽ bay được lên trời. Vì thế, cá chép là “phương tiện” duy nhất giúp Táo quân lên trời.

Ngoài ra, theo quan niệm dân gian của Phương Đông, “cá chép vượt vũ môn” tượng trưng cho sự đoàn kết, sức mạnh, ý chí nỗ lực, kiên cường vượt khó, vươn tới thành công, thịnh vượng.

Bên cạnh đó, theo quan niệm Phật giáo, vào ngày lễ ông Công ông Táo, người dân sẽ phóng sinh 3 con cá chép thật ra ao, hồ để tiễn Táo quân chầu trời và cầu may mắn.

Tập tục này thể hiện sự nhân văn, đề cao sự thiện lương của con người. Việc dùng cá chép thật tiễn Táo quân lên trời cũng mang ý nghĩa tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

Trước đây và cả bây giờ, ở các vùng quê, người dân vẫn dùng cá chép giấy, tức là đồ mã. Sau một tuần hương, người dân sẽ đem cá chép giấy và mũ áo đi hóa.

Xem thêm
Tuấn Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan