Vai trò của nam giới trong quá trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cùng phụ nữ

Quá trình chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) yêu cầu sự tham gia của cả nam lẫn nữ để đảm bảo nhiều lợi ích không chỉ cho thế hệ con cái sau này mà còn cho cả gia đình và rộng hơn là toàn xã hội.

Hiểu đúng về bình đẳng giới trong CSSKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản

CSSKSS cho phụ nữ vốn không phải là phần việc chỉ dành cho nữ giới, song tư tưởng trọng nam khinh nữ tồn tại qua nhiều thế hệ đã khiến cho việc CSSKSS bị xem là trách nhiệm chỉ là của phụ nữ.

Định kiến về giới đã ăn sâu trong tiềm thức dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực xã hội nói chung và điển hình là trong CSSKSS nói riêng. Chính nam giới xác định ngay từ đầu việc CSSKSS là của phụ nữ và nhiều chị em phụ nữ cũng tự nhận định như vậy.

Ở các thành phố lớn, trước khi cưới chỉ có phụ nữ mới đi khám SKSS, sau khi cưới nếu xảy ra vấn đề gì liên quan đến SKSS hay việc hiếm muộn con cái thì các cặp vợ chồng mới cùng đi khám.

Ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tại các buổi tuyên truyền về CSSKSS, ngay từ kế hoạch ban đầu cũng chỉ coi Phụ nữ là đối tượng đích chính vì thế thường chỉ có nữ giới tham dự. Trên thực tế, nam giới rất ít chủ động tham ra bởi họ quan niệm đó là việc của chị em.

 Vai trò của nam giới trong CSSKSS

Sự tham gia của nam giới trong quá trình CSSKSS góp phần mang đến cuộc sống hạnh phúc, viên mãn cho cả gia đình. Nam giới là đối tác quan trọng, cùng chia sẻ với phụ nữ các công việc gia đình, trong xã hội và trong chuyện sinh đẻ, tình dục cũng như chăm sóc con cái.

Cụ thể là trước khi quyết định có con, nam giới cần chủ động đi khám sức khỏe để phát hiện sớm các nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình thụ thai cũng như có cơ hội nâng cao chất lượng phôi thai. Để sinh con an toàn, trong quá trình mang thai, chồng nên tạo điều kiện để người vợ thoải mái về tâm lý, đảm bảo được dinh dưỡng.

Tuyệt đối không vì giới tính thai nhi mình mong muốn mà phá thai. Sau khi phụ nữ sinh, nam giới nên chia sẻ trách nhiệm, cùng tham gia nuôi dưỡng con cái để đảm bảo thể chất cũng như sự phát triển của đứa trẻ.

 Nam giới và phụ nữ nên cùng nhau gánh vác việc nhà và các trách nhiệm khác trong gia đình.  

Ngoài ra, CSSKSS không chỉ là về quá trình sinh nở, nam giới cần tham gia và bình đẳng với phụ nữ trong các vấn đề như quan hệ tình dục (không cưỡng bức, thô bạo), chủ động phòng tránh lây nhiễm bệnh xã hội.

Các bệnh về SKSS có cơ chế dễ lây lan, nhất là trong môi trường nhạy cảm như bộ phận sinh dục, và có thể ủ trong cơ thể người đàn ông, gây tái mắc bệnh cho phụ nữ. Do đó, khi người phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa, người đàn ông nên phối hợp cùng vợ để chữa dứt điểm tình trạng tái phát, tái nhiễm.

Việc quyết định số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh con phải dựa trên ý kiến được thống nhất cả hai vợ chồng. Trong kế hoạch hóa gia đình, nam giới nên chủ động tìm hiểu, nhờ đến sự trợ giúp của các cơ sở y tế để cùng lựa chọn biện pháp tránh thai chứ không đẩy phần trách nhiệm cho phụ nữ như trên thực tế đang diễn ra.

Hậu quả của bất bình đẳng giới trong CSSKSS

Nam giới không hiểu đúng và không tham gia vào quá trình CSSKSS, sẽ khiến cho phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của phụ nữ trong xã hội, trong gia đình, ảnh hưởng đến các cơ hội học tập, việc làm, chăm sóc y tế của cả hai giới; làm tăng chi phí không cần thiết như: chi phí chăm sóc sức khỏe do nạo phá thai, chi phí chữa chạy vết thương do bạo lực về giới, chi phí cho việc điều trị các bệnh viêm nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và xa hơn là các bệnh ung thư đường sinh sản.

 Tất cả những vấn đề trên dẫn đến chất lượng dân số cũng như nguồn lực lao động diễn tiến theo chiều hướng tiêu cực, khiến cho mục tiêu về dân số và SKSS thiếu bền vững. Do đó, nam giới cần tham gia nhiều hơn, trách nhiệm hơn vào CSSKSS để đảm bảo mục tiêu Dân số - SKSS cũng như bình đẳng giới trong CSSKSS.

Những tuyên truyền về bình đẳng giới trong CSSKSS trên được truyền thông rộng rãi đến 1.150 lượt người lao động tại một số KCN trên địa bàn TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh trong khuôn khổ giai đoạn 2 của Dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Công đoàn các KCN và Chế xuất Hà Nội phối hợp tổ chức, với sự đồng hành tài trợ của tổ chức DKT International Inc (*), và Tập đoàn TH.

(*)Tổ chức DKT International, Inc là tổ chức từ thiện hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe con người, thực hiện các chương trình tiếp thị và truyền thông xã hội về kế hoạch hoá gia đình.

Trong suốt hơn 25 năm hoạt động tại Việt Nam, DKT đã thực hiện nhiều chương trình giúp người dân Việt Nam tăng cường nhận thức về tình dục an toàn, phân phối số lượng lớn bao cao su và viên uống tránh thai đạt chứng chỉ chất lượng, có thương hiệu uy tín và giá cả phải chăng đến người dân Việt Nam.

PV/giadinhmoi.vn

Tin liên quan