Tôi từng là một người sống như một 'quý cô thượng lưu' vào đầu tháng và như 'kẻ ăn mày' vào cuối tháng.
Thất bại trong quản lý chi tiêu là nỗi đau của rất nhiều người, trong đó có tôi. Họ không biết phải làm gì để cân đối thu chi hợp lý. Họ nỗ lực để kiểm soát chi tiêu nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.
Những suy nghĩ phá hỏng cuộc đời của tôi
Tôi từng là một người sống như một “quý cô thượng lưu” vào đầu tháng và như “kẻ ăn mày” vào cuối tháng.
Tôi từng không bỏ ra nổi một đồng để tiết kiệm, tài khoản tiết kiệm là thứ không hề tồn tại.
Tôi luôn ở trong tình trạng thiếu trước hụt sau, đến cuối tháng phải mượn đỡ bạn bè tiền sinh hoạt.
Có những thời điểm, tôi chỉ còn đúng 100 nghìn để để mua thức ăn cho cả tuần, tôi cố cầm cự đến ngày nhận lương vì ngại vay mượn bạn bè.
Bạn thân đã cảnh báo tôi rất nhiều lần về việc quản lý chi tiêu hợp lý và PHẢI TIẾT KIỆM, nhưng suốt một thời gian dài tôi vẫn không làm được điều đó. Tôi đọc trên mạng có nhiều phương pháp khác nhau, tôi cũng đã thử một vài phương pháp nhưng thất bại. Cuối cùng tôi thả nổi bản thân, đến đâu hay đến đó.
Tôi không được học về tài chính cá nhân, không ai dạy tôi phải tiêu tiền và tiết kiệm tiền như thế nào. Bản thân tôi ở những năm tháng hai mươi cũng không có ý thức tự học hỏi, bồi đắp kiến thức cho mình.
Tôi tự đóng khung mình trong định kiến rằng mình không giỏi số liệu, bảng biểu, việc tính toán luôn khiến tôi đau đầu.
Tôi viện cớ rằng mình mới đi làm, lương còn thấp, lại vừa làm vừa học thạc sĩ nên không bỏ ra được đồng nào cũng phải thôi. Đến tiền học phí tôi còn phải đi vay cơ mà.
Tôi từng nghĩ rằng mình phải sống cho hiện tại, vì chẳng ai biết tương lai sẽ ra sao nhưng hiện tại tôi phải no bụng đã, làm không đủ ăn thì lấy đâu mà tiết kiệm. Tiết kiệm dành cho ai đó dư giả, không phải tôi.
Và chính những suy nghĩ ấy đã khiến tôi lao đao khi gặp biến cố đầu tiên trong đời.
Bước ngoặt đầu tiên khiến tôi thay đổi thái độ với đồng tiền
Năm 2018, khi tôi 27 tuổi, bố tôi bất ngờ phát hiện bị ung thư giai đoạn 2. Là một đứa con, dẫu chưa thể lo cho bố mẹ được nhiều, tôi cũng phải có trách nhiệm một phần nào đó.
Khi ấy, tôi đã rút hết số tiền tiết kiệm ít ỏi trong tài khoản ngân hàng và trích lương tháng để mua cho bố từng hộp sữa, từng món đồ, những khoản chi phí lặt vặt không tên nhưng cộng vào cũng thành con số kha khá.
Bố tôi trải qua 3 lần phẫu thuật, khi được ra viện vẫn phải có tiền để tĩnh dưỡng và phục hồi. Tôi chỉ là một nhân viên văn phòng, làm công ăn lương ở thành phố, lương tháng cũng chỉ gọi là đủ sống thì lấy đâu ra tiền để giúp đỡ bố mẹ? Tôi vay bạn được 20 triệu không lãi suất với thời hạn trả trong vòng 6 tháng để gửi về cho mẹ. Lần đầu tiên, tôi vay một món nợ lớn như thế trong đời.
Sau đó, tôi bắt đầu làm việc quần quật để trả nợ. Ngoài công việc chính, tôi còn viết bài cộng tác cho các báo, trang tin, viết kịch bản, thu âm sách nói,… Tôi làm bất cứ công việc gì có thể kiếm ra tiền và tận dụng mọi mối quan hệ tôi có để có cơ hội kiếm việc.
Cuối cùng, tôi cũng đã trả được nợ đúng hạn, chia thành hai đợt, mỗi đợt trả một nửa. Sau đó, tôi nhận ra khả năng kiếm tiền và thích nghi với hoàn cảnh của tôi tốt hơn những gì tôi nghĩ. Nếu không có biến cố đó, tôi vẫn là một kẻ kiếm tiền làng nhàng, thiếu trước hụt sau.
Tôi bắt đầu hình dung rõ ràng hơn ý nghĩa của đồng tiền tiết kiệm. Trước đó, tôi chỉ mơ hồ nghĩ phải tiết kiệm, còn tiết kiệm để làm gì thì tôi không biết.
Chúng ta tiết kiệm là để khi đột ngột rơi vào tình cảnh khó khăn như ốm đau, tai nạn, mất việc hay người thân bị bệnh, mình còn một chiếc lá chắn an toàn. Ý nghĩa của khoản tiền tiết kiệm còn nhiều hơn thế và tôi sẽ chia sẻ trong một bài viết khác.
Tuổi 30 và hành trình theo đuổi sự tự do
Sau khi trả dứt nợ, tôi bắt đầu xây dựng lại được quỹ tiết kiệm. Từ kinh nghiệm làm quên ăn quên nghỉ trước đó, tôi đã có một khoản thu nhập phụ đều đặn ngoài lương. Số tiền đó, tôi để dành tiết kiệm hoặc đầu tư cho bản thân mình. Lúc này, tôi vẫn chưa có kiến thức về tài chính cá nhân, cũng không có kế hoạch chi tiêu hàng tháng nhưng tôi không còn thiếu trước hụt sau như trước.
COVID-19 bất ngờ ập đến khiến cả thế giới thay đổi. Tôi may mắn thuộc nhóm ngành không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19, thu nhập của tôi không bị giảm. Nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn chung, biết đâu trong tương lai công việc của tôi sẽ bị ảnh hưởng. Thế nên tối ưu hóa mức tiêu dùng ngay từ bây giờ là điều cần thiết.
Gần đây, công ty tôi làm hồ sơ số hóa quy trình đóng bảo hiểm cho nhân viên lên ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tôi nhận ra mình sẽ khó sống sung túc nếu chỉ trông chờ vào đồng lương hưu từ những năm tháng miệt mài đóng bảo hiểm. Mà lúc đó, tôi già lụ khụ rồi còn làm ăn gì được nữa? Tôi vẫn nghĩ rằng sau này về hưu, khi không phải đi làm nữa, tôi sẽ có thời gian làm những gì mình thích. Nhưng hỡi ôi, mùa xuân ấy vẫn còn xa lắm!
Tôi vẫn khao khát tự do, làm những gì mình muốn, nhưng để tự do, trước hết tôi phải thoát khỏi sự trói buộc của đồng tiền. Và tôi đã tìm đến hành trình “Tự do tài chính” như một bước tiến mới trong cuộc đời mình.
Thời đại 4.0, không khó để bạn tìm thấy những bài học miễn phí của các chuyên gia tài chính trên website, Youtube và podcast. Tôi đọc, nghe, xem cẩn thận, ghi chép lại, chọn lọc để áp dụng cho bản thân mình. Tôi chọn học từ 3 kênh khác nhau, không quá nhiều để tránh việc bị ngợp trong kiến thức mới, cũng không quá ít để đảm bảo tôi không tiếp thu kiến thức theo góc nhìn chủ quan, phiến diện của một người. Xem nhiều kênh, tôi có thể so sánh, chắt lọc. Về cơ bản, những gì họ chia sẻ có nhiều điểm tương đồng, phương pháp này bổ sung cho phương pháp kia.
Tháng 6 này tôi làm một cuộc thay đổi mang tính “cách mạng” với cuộc đời mình. Tôi bắt đầu sống tối giản và theo đuổi hành trình tự do tài chính. Tôi đã thực hành trên 21 ngày – thời gian đủ để hình thành một thói quen và bất ngờ trước những gì mình làm được.
Tôi không còn sợ bảng biểu, số liệu, tính toán nữa, tôi “nghiện” Excel luôn rồi. Tôi thống kê tất cả dữ liệu thu chi trong Excel, đồng bộ với Google Sheet trong Google Drive. Tôi cũng chẳng phải mang máy tính ra bấm đi bấm lại mấy lượt vì sợ tính sai như trước. Tôi chỉ việc nhập vào số liệu, tất cả đã có công thức của Excel lo. Cuối tháng 6 tôi ngồi hạch toán thu chi một cách say sưa, lần đầu tiên tôi cảm thấy công việc này thú vị đến như thế.
Vì kiểm soát tốt thu chi, tôi không còn phải lo ngay ngáy khi cuối tháng mà lại hỏng xe, rồi được mời cưới, ma chay đột xuất, vì tất cả đã nằm trong dự liệu của tôi rồi.
Tôi biết đến Tự do tài chính muộn hơn so với người khác, nhưng muộn còn hơn không và tôi cho rằng những gì cần phải xảy đến, nó sẽ đến đúng lúc.
Lần đầu tiên tôi thấy việc tính toán thu chi là công việc thú vị đến thế!
Kết
Việc “học” và “hành” về tài chính là hành trình cả đời, tri thức sẽ luôn dẫn bạn tiến về phía trước, bạn biết một thì càng muốn học hai.
Trong hành trình đó, tôi vui lòng chia sẻ lại cho người khác dựa trên kinh nghiệm của mình và không nằm ngoài lý thuyết về quản lý tài chính cá nhân. Một mặt, điều đó giúp tôi có cơ hội ôn bài hiệu quả, nhớ sâu và nhớ lâu hơn. Mặt khác, tôi đang lan tỏa một điều tích cực đến cho cộng đồng.
Cuộc thi “Bí kíp tiêu dùng thông minh” của Tạp chí Gia đình mới cùng Ngân hàng SeABank tổ chức là cơ hội tuyệt vời để tôi lan tỏa những điều này đến bạn đọc. Bên cạnh đó, tôi còn được trả nhuận bút và có cơ hội trúng thưởng nên chẳng có lý do gì mà tôi lại không tham gia nhiệt tình.
Đấy cũng là 1 cách để có thêm thu nhập và kiểm chứng những gì tôi đang thực hành vậy!
Người dự thi: I Am NGA (Nguyễn Hằng Nga 30 tuổi, Hà Nội)
Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY