Ngoài 12 tỉnh thành tiếp tục cách ly xã hội, 51 tỉnh thành được nới lỏng cách ly xã hội vẫn phải tuân thủ Chỉ thị 15 của Chính phủ và hoàn toàn có thể bị bổ sung vào nhóm nguy cơ cao nếu có bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Chiều 15/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định về việc cách ly xã hội. Theo đó, Thủ tướng đồng ý với Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 chia 63 tỉnh, thành phố chia thành 3 nhóm: 12 tỉnh thuộc nhóm nguy cơ cao, 15 tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và 36 tỉnh thuộc nhóm nguy cơ thấp.
Nhóm nguy cơ cao: Gồm 12 tỉnh: TP HCM, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hà Tĩnh.
Các tỉnh này bắt buộc phải tiếp tục cách ly xã hội ít nhất là đến ngày 22/4, hoặc có thể kéo dài hơn tùy tình hình COVID-19 trên địa bàn.
Nhóm có nguy cơ: Gồm 15 tỉnh, thành phố gồm Bình Dương, Thái Nguyên, Cần Thơ, Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Nghệ An, Hải Phòng, Kiên Giang, Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp.
Những tỉnh, thành này có lộ trình để thực hiện Chỉ thị 16 và thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 về yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Quyết định cuối cùng của nhóm này tuỳ theo tình hình thực tiễn tới ngày 22/4.
Nhóm nguy cơ thấp: Gồm 36 địa phương còn lại. Thủ tướng lưu ý, dù nguy cơ thấp nhưng khả năng lây nhiễm còn rất cao do đặc điểm của COVID-19, yêu cầu các địa phương này thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng giao người đứng đầu cấp uỷ chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương quyết định việc thực hiện có thể kéo dài Chỉ thị 16 nếu thấy địa phương cần thực hiện mạnh mẽ.
Giữa 3 nhóm các tỉnh thành, Thủ tướng quy định rõ sự khác biệt trong các hoạt động. Cụ thể:
Thường trực Chính phủ quyết định giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng cụ thể trên địa bàn mình phù hợp, nghiêm túc trên các cấp độ các Chỉ thị đã nêu.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sẽ quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh dịch vụ cần đóng cửa; đồng thời chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ các dự án công trường, các cơ sở sản xuất kinh doanh, phải yêu cầu dừng sản xuất kinh doanh nếu không đảm bảo việc phòng COVID-19.
Trên tinh thần đó, lãnh đạo địa phương sẽ quyết định đóng cửa các cơ sở kinh doanh chưa cần thiết như các dịch vụ vui chơi giải trí, cửa hàng ăn uống, cơ sở thờ tự, tín ngưỡng…
Với vấn đề xuất nhập cảnh, Thủ tướng nói: "Chúng ta chưa thể trở lại cuộc sống bình thường như trước đây, mà phải có bước đi thận trọng".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bộ ngành hạn chế các chuyến bay nội địa từ nay đến ngày 30/4, ngừng cấp visa cho người nước ngoài kể cả đường bộ, hàng không, biển.
Tiếp tục kéo dài chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh như hiện nay cho đến 30/4. Xem xét giải quyết cho những người Việt Nam ở nước ngoài có yêu cầu cấp thiết và hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về nước. Duy trì cách ly tập trung bắt buộc đối với người từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp 63 tỉnh thành thực hiện ngay gói an sinh xã hội với tinh thần "cứu đói như cứu hoả", không thể để chậm trễ hơn vì người lao động đang rất khó khăn, không vì thủ tục mà kéo dài việc hỗ trợ.