Hiện nay có nhiều người cho rằng, việc cho trẻ tiếp xúc sớm với tiếng Anh nói riêng và ngôn ngữ thứ hai nói chung sẽ gây ra tình trạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Tuy nhiên, điều này không có căn cứ chính xác
Theo ThS Tống Thị Thu Hương, nghiên cứu sinh về đề tài nuôi dạy trẻ song ngữ, đồng thời là giáo viên tiếng Anh của tổ chức Helen Doron Group tại Đức, nơi ứng dụng dạy tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ ở hơn 30 quốc gia trên thế giới; các bậc cha mẹ cần phân biệt rõ rối loạn ngôn ngữ và sự pha trộn ngôn ngữ (mix ngôn ngữ) trong quá trình tiếp nhận tiếng Anh.
Rối loạn ngôn ngữ bản chất là một bệnh lý, còn việc pha trộn ngôn ngữ ở trẻ chỉ là cách giải quyết nhu cầu giao tiếp tạm thời khi trẻ chưa đủ vốn từ vựng để diễn đạt.
Ví dụ khi trẻ nói: “Đây là cái cup”, thực tế là do trẻ muốn nói cho cha mẹ hay người đối diện hiểu nhưng chưa diễn tả được đầy đủ bằng tiếng Anh hay tiếng Việt.
Thời điểm nào nên cho trẻ tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai?
Theo ThS Hương, việc “tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai” và “học ngoại ngữ” là hai khái niệm khác nhau. Học ngoại ngữ là việc học một ngôn ngữ khác như tiếng Anh trong chương trình học của nhà trường, của Bộ giáo dục. Còn “tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai” là quá trình tiếp xúc trực tiếp và tự nhiên trong môi trường sử dụng hoàn toàn tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ khác.
“Về thời điểm thích hợp để tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai như tiếng Anh thì cho trẻ tiếp xúc càng sớm càng tốt, ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ”, ThS Hương chia sẻ.
Đưa ý kiến về việc trẻ tiếp nhận tiếng Anh sớm có ảnh hưởng để sự phát triển tiếng mẹ đẻ của trẻ hay không, chị cho rằng, điều này không có ảnh hưởng xấu.
Bởi một đứa trẻ có khoảng 5 – 6 năm đầu đời để hoàn thiện khả năng ngôn ngữ cơ bản và hầu hết trẻ đều có khả năng ngôn ngữ bình thường. Vì vậy, việc tiếp nhận tiếng Anh sớm sẽ không ảnh hưởng đến việc học tiếng mẹ đẻ.
Cũng theo chị, nếu mang so sánh tốc độ phát triển ngôn ngữ của một đứa trẻ tiếp xúc với tiếng Việt 24 tiếng một ngày và đứa trẻ dành 12 tiếng cho tiếng Anh và 12 tiếng cho tiếng Việt; thì tốc độ phát triển là như nhau.
“Dù có thể trong một thời điểm nào đó trong những năm đầu đời, khả năng tiếng Việt của đứa trẻ song ngữ kém hơn nhưng tổng từ vựng 2 ngôn ngữ của đứa trẻ này cũng sẽ bằng vốn từ vựng đứa trẻ tiếp xúc duy nhất tiếng Việt có được. Và cho đến 5 – 6 tuổi, khả năng tiếng Việt của trẻ song ngữ sẽ đủ sõi để giao tiếp”.
Phương pháp tiếp nhận tiếng Anh đạt hiệu quả cao
Để trẻ tiếp nhận tiếng Anh tốt nhất, theo ThS Hương cần áp dụng phương pháp học ngôn ngữ tự nhiên. Nghĩa là tạo ra môi trường sinh ngữ cho trẻ học, vui chơi và không nên dùng tiếng Việt để giải thích, để dạy trẻ.
Đồng thời, hãy để trẻ lắng nghe, cha mẹ không nên sốt ruột khi trẻ chưa nói được bởi trẻ cần thời gian để nghe và tiếp nhận. Khi trẻ được học trong môi trường tự nhiên, thoải mái thì việc nói tiếng Anh không phải là điều gì khó khăn, cao siêu.
“Không nên hỏi trẻ “quả chuối” hay “cái chén” nói tiếng Anh là gì, như vậy là đang bắt trẻ phải dịch và tư duy một lúc hai lần. Điều này sẽ tạo cho trẻ thói quen dịch khi học tiếng Anh sau này”, chị đưa ra lời khuyên.
Đặc biệt, khi dạy trẻ không nên tách rời từ với với câu mà cần đặt từ vào trong câu, trong ngữ cảnh riêng để trẻ nhớ lâu và biết áp dụng trong đời sống. Ví dụ dạy trẻ về cái tách, nên đặt từ này trong câu như “Where is the cup?” thay vì chỉ dạy “a cup”.
Bên cạnh đó, việc dùng apps (ứng dụng) cho trẻ học tiếng Anh là không cần thiết bởi trẻ chưa tự kiểm soát được hành vi. Để đạt hiệu quả, ngôn ngữ theo lẽ tự nhiên cần phải có sự tương tác giữa người với người, không chỉ ở lớp học mà ở nhà nếu cha mẹ có khả năng nên trao đổi với con một số giờ bằng tiếng Anh hoặc cho con tham gia các nhóm bạn cùng vui chơi tập nói tiếng Anh.
Tuy nhiên khả năng tiếng Anh của các cha mẹ là khác nhau và có giới hạn, nên để đồng hành cùng con, cha mẹ cần đọc thêm nhiều sách của con. Cha mẹ cũng có thể dùng các công cụ hỗ trợ như tranh ảnh, clip nhạc, phim hoạt hình mà trẻ em nước ngoài thường xem. Apps lúc này cũng có thể giúp cha mẹ nếu chính cha mẹ thực sự cần
Sách song ngữ rất hữu ích đối với hoạt động tiếp cận tiếng Anh của trẻ
Ngoài ra, ThS Tống Thị Thu Hương cũng nhấn mạnh vai trò hỗ trợ của sách song ngữ đối với quá trình học tiếng Anh của trẻ.
“Sách song ngữ rất hữu ích với cha mẹ có trình độ tiếng Anh không cao, giúp cha mẹ hiểu rõ ngữ cảnh của câu nói để dạy trẻ áp dụng đúng. Với các gia đình sinh sống ở nước ngoài, sách song ngữ giúp trẻ đồng thời học được cả tiếng Việt và tiếng Anh”, chị chia sẻ.
Đặc biệt, với những trẻ đã hoàn chỉnh khả năng tiếng Việt, sách song ngữ là công cụ giúp trẻ nhanh chóng tiến bộ khi biết nhiều cấu trúc diễn đạt trong tiếng Anh, từ đó áp dụng trong giao tiếp hay viết.
Tuy nhiên, ThS Hương cũng đưa ra lưu ý về cách chọn sách song ngữ, bởi hiện nay nhiều sách kém chất lượng, sai cấu trúc và dịch sai. Theo chị, cha mẹ nên chọn các cuốn sách được dịch từ sách kinh điển dành cho trẻ con trên toàn thế giới. Một số tựa song ngữ kinh điển đã được dịch và xuất bản phiên bản song ngữ như: Chú sâu háu ăn, Mẹ có phải là mẹ của con, Nếu bạn cho chuột chiếc bánh quy,…
Thục Linh