Trái tim người mẹ: Đau đớn vô cùng, yêu thương vô cùng...

Chỉ có trái tim của người mẹ mới đủ rộng lớn để yêu thương, để đau đớn và bao dung đến vô cùng khi hiến tạng đứa con trai cứu 5 người đang đối mặt tử thần.

Đối với người mẹ, không tài sản nào lớn hơn là con cái 

Có những trải nghiệm trong đời vượt qua giới hạn về đau đớn, mà chỉ dựa vào niềm tin cao cả vào sứ mệnh cuộc đời mới khiến người ta đủ sức mạnh đứng vững. Đó là câu chuyện của bà Cấn Thị Ngần ở thôn Độ Lâm, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Ngày đặc biệt

Ngày 27/7 vừa qua, tại nhà của bà Ngần 5 người ở 5 địa phương khác nhau đồng tình nhận bà Ngần làm mẹ. Đây là lần thứ 2 họ gặp nhau nhưng đã coi nhau như người nhà với cái nghĩa anh em như thể tay chân.

Bà Ngần ôm từng người, nhìn vào mắt, ốp mặt vào ngực, vào bụng của những người có mặt trong ngôi nhà một cách nâng niu nhất.

Đôi mắt bà ngấn đỏ, lúc nào nước mắt cũng chực trào. Hôm nay là ngày giỗ đầu đứa con trai út hết mực yêu quý của bà: Trịnh Đình Vàng đã mất 1 năm trước do tai nạn.

Cái chết của Vàng đã khiến bà mất đi 1 người con và mang về 5 người con khác. Trái tim của bà đã đau đớn vô cùng để quyết định tới những điều tưởng như chỉ có trong phim ấy. 

Trong lúc đau thương nhất là nghe tin con trai bị chết, bà đã quyết định hiến đa tạng của con trai mình cho 5 người khác. Trái tim, hai quả thận và 2 giác mạc của anh Trịnh Đình Vàng lập tức được ghép cho 3 người trọng bệnh đang cận kề cái chết và 2 người bị hỏng giác mạc.

Những người đó đã được sống và trở về căn nhà cũ do Vàng xây còn dang dở để làm nốt những gì người đã mất để lại. 

Những người đặc biệt trong ngày đặc biệt nhất trong đời với bà Ngần 

Trái tim người mẹ

Năm 30 tuổi, bà trở thành một người đàn bà góa bụa. Chồng bà mất trong một tai nạn để lại cho bà 3 đứa con nhỏ với một túp lều rách nát…

Để nuôi được các con, bà Ngần làm thuê làm mướn đủ thứ nghề. Sau này, bà ra Hà Nội làm giúp việc cho một gia đình có con nhỏ.

Rồi thì các con bà cũng lớn lên. Một ngày, đang làm việc thì bà nhận được tin Vàng bị ngã.

Tâm trí người mẹ mách bảo có chuyện chẳng lành, bà lao đến bệnh viện thì được biết con trai đã chết não. Lúc này, bà vẫn chưa thực sự hiểu câu chuyện sẽ ra sao, chỉ biết cầu mong một phép màu xảy đến để con trai mình tỉnh lại… Trong lúc ấy, bà được các bác sỹ gọi vào phòng riêng để nói chuyện về việc hiến tạng. Bà phản đối.

Nhưng rồi, câu nói của các bác sỹ cứ luẩn quẩn trong đầu bà suốt hôm đó: “Nếu phần tạng của anh Vàng hiến tặng thì một phần cơ thể của anh ấy sẽ vẫn sống trong những người khác, anh ấy không vĩnh viễn mất đi, không tan vào tro bụi...”.

Bà quyết định làm chuyện “động trời” mà trước đó cả đời không bao giờ bà nghĩ tới. Bà đã nén nỗi đau và ký quyết định đồng ý hiến tạng của con trai mình…

Bà muốn cái chết của con mình không vô nghĩa. Bà vừa muốn cứu được những người bệnh vừa mong con trai mình tiếp tục được tồn tại trên đời…

Những người ngồi đây mang một phần cơ thể con trai mẹ Ngần 

Con vẫn còn đây, trong những con người này…

Khi ký quyết định hiến tạng con, bà Ngần đưa ra một điều kiện là được biết những người nhận tạng.

Tuy nhiên, do quy định của luật hiến ghép tạng, các y bác sĩ không thể cung cấp liên lạc và thông tin của người cho tạng và người nhận tạng.

Bà Ngần hiểu điều đó nhưng vẫn không nguôi khát khao tìm được những người đã nhận phần thân thể của con mình. Người phụ nữ ấy bắt đầu tự chắp nối các thông tin về những người ấy. 

Trong lúc đang tìm kiếm, may mắn hai bệnh nhận giác mạc của con trai bà Ngần đã tự lần hỏi và tìm gặp bà.

Rồi lần lượt, bà Ngần tiếp tục được gặp những người còn lại đã nhận tạng của con mình. Trong số đều gọi bà Ngần là “mẹ”.

Họ có chung một đặc điểm, đó là đều nghèo khó, vẫn phải vừa bươn chải mưu sinh vừa duy trì chữa bệnh. Họ cũng như bà, đứng trước bàn thờ của Vàng và thấm thía cảm giác mừng mừng tủi tủi.

Trước ngày giỗ đầu con trai, bà Ngần đã được những người “con” mới thông tin cả 5 người sẽ cùng về lo làm giỗ cho em và họ cùng nhận là anh em trong một nhà.  

Được gặp gỡ lại “con trai” trong cơ thể của 5 người khác, bà Ngần cứ sụt sùi hết ôm vai người con trai này lại vuốt tóc người con gái kia… rồi lại nhìn lên di ảnh của con trai trên bàn thờ nghi ngút khói hương…

Với bà gặp được cả 5 người là bà thỏa nguyện, giờ tuy không còn con trai Trịnh Đình Vàng nhưng 5 người còn lại đều thay nhau gọi điện cho bà mỗi ngày.

Họ cùng hẹn ước sẽ cùng lo lắng cho bà và các công việc trong gia đình bà Ngần như chính gia đình của mình. 

Bữa cơm gia đình cùng với những người con mới 

Mẹ Ngần sinh ra tôi một lần nữa

Anh Nguyễn Nam Tiến (38 tuổi, Tuyên Hóa, Quảng Bình) hiện là thiếu úy pháo binh của tàu CSB 2012, thuộc hải đội 201, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2, đóng quân ở Núi Thành, Quảng Nam. Anh Tiến phát hiện bị bệnh tim năm 2014.

Các bác sĩ đã đặt 1 chiếc máy tạo nhịp tim trong lồng ngực của anh. Có nhiều lúc anh không thể thở được, mặt mày tím tái và thường xuyên phải cấp cứu. Bác sĩ tiên lượng, thời gian sống của anh chỉ còn rất ít, chỉ có thể tính bằng tháng. Một cách duy nhất để anh sống được đó là ghép tim và quyết định táo bạo của bà Cấn Thị Ngần đã khiến anh có được một trái tim mới.

Anh Tiến tâm sự: “Với tôi, mẹ Ngần như người mẹ thứ 2 của tôi. Lần đầu ra đây gặp mẹ, tôi đã thấy được sự ấm áp. Giờ gắp các anh chị em khác cũng vậy, dường như đã là người một nhà từ lâu rồi. Tôi không thấy khoảng cách nào”.

Người đang mang một quả thận của con trai bà Ngần là chị Trần Thị Hậu - (48 tuổi, Lạng Sơn) – Cách đây 2 năm khi chưa nghỉ hưu, chị làm chuyên ngành thông tin chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn.

Chị Hậu bị suy thận từ 2008, gần 10 năm không thể đi đâu xa một ngày bởi phải gắn liền với chiếc máy chạy thận. Suốt 7 năm trời, ngày nào chị cũng mất gần 2h đồng hồ để truyền dịch lọc thận 4 lần với 8 lít dịch khiến cuộc sống của chị luôn rơi vào tình trạng bế tắc.

Cảm giác về một sự thân thuộc bao trùm trong căn nhà này giữa những người xa lạ

Từ khi được ghép thận, chị Hậu sống khỏe mạnh hẳn, không còn phụ thuộc vào máy móc, chị đã có thể tự đi lại bình thường. Với chị, “Mẹ Ngần là một người mẹ anh Hùng”.

Đối với anh Vũ Xuân Cường (51 tuổi – công tác tại Tỉnh đội tỉnh Sơn La) người đang mang 1 quả thận của con trai bà Ngần cho biết, anh bị thận nhiều năm.

Anh Cường từng ra nước ngoài chạy chữa nhưng lại trở về trong vô vọng. Tiếp theo đó, anh phải chạy thận mất 17 tháng để duy trì cuộc sống. Những ngày đó đau đớn và mệt mỏi vô cùng. Nhưng sau khi được ghép sức khỏe anh đã thay đổi hẳn. Giờ chỉ 1 tháng mới phải khám 1 lần.  

“Ơn này tôi luôn dành cho mẹ Ngần và em Vàng. Giờ chúng tôi xác định là gia đình mẹ có việc gì cũng là việc của chúng tôi”, anh xúc động nói.

Ở thế giới bên kia, Vàng sẽ đồng tình với mẹ… 

Bà Ngần nhìn lên di ảnh để kể lại câu chuyện ngỡ như là định mệnh đối với bà. Vàng lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương của mẹ và 2 anh chị. Có lúc cả gia đình phải sống trong căn lều dựng tạm giữa ruộng đồng nhưng 4 mẹ con vẫn chắt chiu, đùm bọc lẫn nhau sống qua ngày.   

Học hết Phổ thông, anh Vàng vào Miền Nam học cơ khí hai, ba năm rồi về quê làm cho 1 công ty chuyên cung cấp cửa sắt. “Vàng đi làm được bao nhiêu tiền cũng đều gom góp, cùng cô tích luỹ để lo cho cuộc sống của 2 mẹ con”, cô Ngần bộc bạch.

Bà Ngần ứa nước mắt nhớ lại những lần cô và Vàng tâm sự với nhau, anh Vàng nói thương cô cả đời vất vả, chưa được một ngày thanh thản nên anh cố gắng đi làm, dành dụm tiền để sửa sang ngôi nhà khang trang, tươm tất. Chị cả và anh trai lần lượt lấy chồng và lấy vợ, 2 mẹ con anh Vàng sống nương tựa vào nhau từ năm 2010.  

Hạnh phúc của người mẹ tận cùng là sự hy sinh 

Vàng thủ thỉ với mẹ, nhà mình nghèo, công nợ còn nhiều, nhà cửa tuềnh toàng, công trình phụ chưa có nên anh cố gắng, chăm chỉ làm việc, có tiền tu sửa nhà cửa để cuối năm 2016 lấy vợ. Đó cũng là lời hẹn ước của anh Vàng và bạn gái. Vậy mà, nhà xây sửa xong xuôi hết cả rồi, anh Vàng lại ra đi không trở về, để lại ước vọng chưa trọn vẹn.

Hằng ngày, mỗi khi đi ra ngõ, thấy hàng rào sắt một tay anh Vàng làm kiên cố trước cửa nhà, cô Ngần không cầm nổi nước mắt. Cô như thấy anh Vàng vẫn đang nắn nót chỉnh sửa từng khung sắt trong niềm hy vọng phơi phới, sắp hoàn thành tâm nguyện xây nhà, cưới vợ để báo hiếu mẹ.

Sau 2 năm, căn nhà mái bằng được chính tay 5 anh chị từ bốn phương tụ hội về đây sơn và thay cửa gỗ bằng cửa chắc chắn hơn, hoàn thiện những gì anh Vàng chưa làm được.

Trịnh Đình Vàng đã sang bên kia thế giới nhưng bóng hình anh vẫn ở đây, trong cơ thể 5 người anh chị của mình. Cùng với 2 người anh chị ruột và chị Hậu, chị Thuỵ, anh Cường, anh Nam và em Hưng sẽ thay anh Vàng báo hiếu mẹ Ngần, làm liền vết thương lòng của mẹ bằng sự biết ơn vô bờ bến. 

Run rẩy chạm tay lên tấm di ảnh, bà Ngần vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự qua đời đột ngột ở tuổi 30 của cậu con trai út. Khói hương quấn quýt bên gương mặt người đàn bà tuổi 57 như cái ôm của anh Vàng, mỉm cười bằng lòng với quyết định của mẹ Ngần.  

Chỉ có trái tim người mẹ, trái tim mênh mông mới chứa đủ được nỗi đau đớn tột cùng ấy cũng như tình yêu thương vô cùng dành cho những số phận con người.

Vàng ở nơi chín suối, chắc sẽ mỉm cười hạnh phúc vì đã được được sinh ra và làm con của mẹ 
Tú Anh- Mai Hoa- Kiều Dương /giadinhmoi.vn