Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận có tình trạng bệnh viện từ chối điều trị cho F0. Chủ tịch TP yêu cầu giám đốc các bệnh viện nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt trong tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nặng, tuyệt đối không từ chối F0.
Tính đến sáng 20/7, TP.HCM đã ghi nhận 35.295 người nhiễm COVID-19. Hôm nay là ngày thứ 11 TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, số ca mắc vẫn luôn ở con số hàng nghìn.
Đa số các ca nhiễm được phát hiện tại các khu cách ly, khu phong toả. Về tình hình các ổ dịch trên địa bàn TP, hiện toàn TP có 67 ổ dịch, trong đó hiện có 22 ổ dịch đang diễn tiến, 45 ổ dịch đã ổn định.
Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho biết, số ca nhiễm vẫn đang tăng nhưng có 1 tín hiệu đáng mừng là trong 24 giờ qua chỉ xuất hiện 6 ca mắc trong các khu công nghiệp.
Tính đến nay, TPHCM ghi nhận 173 doanh nghiệp có ca mắc COVID-19.
"Những ngày trước đó, tình hình dịch COVID-19 tại khu chế xuất, khu công nghiệp rất phức tạp. Chỉ cần một ca dương tính sẽ kéo theo hàng trăm ca khác", ông Tâm nói.
Hiện, TPHCM có 277 doanh nghiệp đạt các điều kiện về an toàn phòng chống dịch, được TP cho phép vừa cách ly vừa sản xuất để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”. Điều này vừa góp phần duy trì hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp, vừa giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh từ cộng đồng vào các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc ngược lại.
Về việc triển khai cách ly F1 tại nhà, HCDC cho biết có 2.140 trường hợp F1 được cách ly tại nhà trên địa bàn 8 quận.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, TPHCM đang xây dựng mô hình “Tháp 4 tầng” trong công tác điều trị F0. Trong đó, tầng 1 điều trị F0 không có triệu chứng, tầng 2 điều trị F0 triệu chứng nhẹ, tầng 3 điều trị F0 nặng hơn và tầng 4 điều trị F0 rất nặng.
Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện nay, đa số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại TPHCM là F0 không triệu chứng (thuộc tầng 1 trong tháp điều trị), được cách ly điều trị ở bệnh viện dã chiến. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cách ly và điều trị với các F0 này, TP đã thành lập nhiều bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000-6.000 giường tại các toà nhà tái định cư.
Đối với F0 có triệu chứng nhẹ hoặc nặng (thuộc tầng 2,3 trong tháp điều trị), các trường hợp này sẽ được điều trị tại các bệnh viện với mô hình Bệnh viện chia nửa (1 nửa điều trị COVID-19 và 1 nửa hoạt động khám chữa các bệnh khác cho người dân).
Riêng trường hợp F0 rất nặng (thuộc tầng 4 trong tháp điều trị) sẽ được chữa trị tại khu điều trị của Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, Bệnh viện Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện 175.
Liên quan tới việc điều trị F0, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ông đã có buổi làm việc với Sở Y tế về tình hình điều trị các ca F0; chỉ đạo tập trung điều trị các ca F0, nhất là các ca trở nặng.
Trong những ngày vừa qua đã xảy ra thực tế khi các ca F0 tại các khu này trở nặng, các quận, huyện gọi về các bệnh viện nhưng không được tiếp nhận, gây ra tình trạng F0 trở nặng và thậm chí dẫn đến tử vong.
Ông Phong đã phê bình các giám đốc bệnh viện để xảy ra tình trạng này, yêu cầu khi các bệnh viện còn thừa giường thì không được từ chối F0 nếu các quận, huyện yêu cầu.
Ngày 19/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, Sở Y tế TPHCM đã có công văn khẩn gửi các đơn vị liên quan về việc hướng dẫn thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng.
Theo đó, các trường hợp F0 không có triệu chứng đang được điều trị cách ly tại các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 sẽ được thực hiện xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 8.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính hoặc dương tính nhưng có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) thì sẽ được tiến hành thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 vào ngày thứ 10. Nếu kết quả xét nghiệm nhanh này âm tính, người bệnh sẽ được cho xuất viện và cách ly theo dõi tại nhà và phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã có 38 bệnh viện phân ra 4 tầng điều trị khác nhau và hầu hết các bệnh viện đã sử dụng gần hết công suất.
Sở Y tế đã thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch. Tổ này có nhiệm vụ làm cầu nối và hỗ trợ cho việc luân chuyển bệnh nhân giữa các bệnh viện được thuận lợi và nhanh chóng. Đây là một nhu cầu rất cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Tổ công tác này gồm 15 thành viên, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 làm tổ trưởng, với sự hỗ trợ của lãnh đạo thanh tra Sở Y tế và lãnh đạo Phòng nghiệp vụ y.
Một trong những nhiệm vụ chính của tổ công tác là kịp thời nắm bắt nhu cầu chuyển người bệnh của các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 và các bệnh viện điều trị COVID-19, làm cầu nối giữa các bệnh viện cần chuyển và các bệnh viện tiếp nhận người bệnh.
Ngoài ra, tổ công tác còn được giao nhiệm vụ kiểm tra chế độ thường trực, sự sẵn sàng tiếp nhận người bệnh COVID-19 nặng để kịp thời chấn chỉnh các cơ sở chưa thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu.
Tổ công tác cũng có nhiệm vụ ghi nhận, giới thiệu nhân rộng những cá nhân và tập thể có cách làm hiệu quả, thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu.