Thi đạt 8-10 điểm/môn mới có cơ hội đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội

Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội với các học sinh trước thềm mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng đang sắp tới gần.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh vừa diễn ra tại một số trường Đại học lớn để giải đáp những băn khoăn cũng như tư vấn cho các học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm học 2021 - 2022.

Nguyễn Thành Nam (Học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông) cùng nhiều học sinh có câu hỏi về điểm xét tuyển vào trường Đại học Bách khoa.

Giải đáp vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đỗ vào Bách khoa, các học sinh phải nỗ lực thực sự trong quá trình học ở trường THPT bởi số điểm vào trường cũng luôn ở mức trên 20 điểm.

Với số điểm của những năm trước, để trúng tuyển vào trường, thí sinh xét tuyển bằng 3 môn, mỗi môn đạt ít nhất 8 điểm mới có cơ hội trúng tuyển, nhưng cũng chỉ vào những ngành bình thường.

Còn đối với ngành khoa học máy tính, nếu như năm ngoái ra khỏi phòng thi mà các em phải chắc được mỗi môn 10 điểm thì mới mong đỗ. Lý giải điều này, thầy Điền cho hay, công nghệ đang len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống, được coi là giải pháp căn bản, vấn đề chuyển đổi số cũng được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Do đó có thể thấy ngành công nghệ thông tin vẫn là lĩnh vực "hot".

Thầy Điền cũng khuyên các học sinh nên lựa chọn ngành học phù hợp với sở thích và khả năng của bản thân. "Các em cần phân biệt ngành "hot" và ngành dễ kiếm việc làm. Có nhiều ngành nghề tuy không 'hot' nhưng lại rất dễ kiếm việc làm nếu các em học tập rèn luyện chăm chỉ. Tại Bách khoa, một số ngành như luyện kim, kỹ thuật vật liệu.. . số điểm đầu vào những năm trước khoảng 23 điểm. Số điểm đầu vào không quá cao nhưng lại có cơ hội công việc rất tốt".

Cán bộ trường ĐH Bách khoa Hà Nội tư vấn cho học sinh có nguyện vọng đăng ký vào trường năm học 2021-2022.

Thầy Điền cũng nhấn mạnh một vấn đề nữa đối với các học sinh sắp trở thành tân sinh viên của trường ĐH Bách khoa Hà Nội: "Bách khoa Hà Nội vào được đã khó, học lại càng khó, yêu cầu các em phải thực sự cố gắng, đảm bảo phong độ trong suốt quá trình học, không thể có chuyện vào trường rồi xả hơi, đi học như đi chơi.

Mỗi năm trường có khoảng 700-800 em bị buộc thôi học hệ chính quy do không đảm bảo những quy định của nhà trường. Trong đó có đến 70-80% các em sa đà, không có mục tiêu, định hướng rõ ràng và game online là thủ phạm chính", thầy Điền nói.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết, trong quá trình học sẽ có sự phân hóa rất lớn, vẫn có khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi. Đại học là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của sinh viên, hiện nay các trường không chỉ quan tâm đến kiến thức, mà còn rất chú trọng đến thái độ học tập, các kỹ năng... nếu không đáp ứng được những yêu cầu này các em có thể bị buộc thôi học. 

Năm 2021, Đại học Bách khoa Hà nội dự kiến sử dụng 3 phương thức xét tuyển: (1) Xét tuyển tài năng; (2) Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; (3) Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (tổ chức thi riêng) với khoảng 7000 chỉ tiêu.

Xét tuyển tài năng: Dự kiến 10 - 20% tổng chỉ tiêu, trong đó số lượng tuyển thẳng mỗi ngành không quá 30% chỉ tiêu của ngành đó.

Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp: (dự kiến 50 - 60% tổng chỉ tiêu). Điều kiện tham gia phương thức xét tuyển này: Thí sinh có điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 7.0 trở lên.

Xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến 30 - 40% tổng chỉ tiêu): Kỳ thi được tổ chức sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại 03 địa điểm của Miền Bắc. Thí sinh dự thi Bài thi tổ hợp trong 180 phút.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan