Thành công của tỷ phú Richard Branson được làm nên bởi 4 phẩm chất tuyệt vời này

Tạp chí 'Business Insider' đã rút ra 4 triết lý của tỷ phú Branson đằng sau sự thành công của hàng trăm doanh nghiệp do ông sáng lập hoặc giúp đỡ phát triển.

Sir Richard Charles Nicholas Branson (18/07/1950) là một ông trùm kinh doanh, nhà đầu tư, và nhà từ thiện người Anh. Ông được biết đến như là người sáng lập của Virgin Group và điều hành gần 500 công ty. 

Richard Branson khởi nghiệp với việc thành lập tạp chí ‘Student’ sau khi bỏ học trung học ở tuổi 15.

Không lâu sau, ông cùng bạn đồng sáng lập mở chuỗi cửa hàng đĩa hát Virgin Record và sau này, Virgin Record đã phát triển thành một thương hiệu đĩa hát.

Sau 10 năm thành công vang dội, Branson đưa ra quyết định khiến người đồng sáng lập chết lặng, ông muốn mở rộng sang ngành công nghiệp hàng không.

Gần 50 năm sau, Branson trở thành tỉ phú chủ tịch tập đoàn Virgin, giám sát gần 500 công ty và sở hữu khoảng 200-300 công ty trong số đó.

Đam mê, tầm nhìn và khả năng lãnh đạo đã khiến ông trở thành một trong những doanh nhân thành công nhất nước Anh và là biểu tượng của khởi nghiệp.

Trong cuốn sách ‘Bold: How to Go Big, Create Wealth and Impact the World’ của Peter H. Diamandis và Steven Kotler, hai tác giả đã đề cập đến những góc nhìn sâu sắc của vấn đề từ các doanh nhân tên tuổi trên thương trường, trong đó có Richard Branson.

Thông qua góc nhìn từ cuốn sách và các bài phỏng vấn với tỷ phú, tác giả Richard Feloni – một phóng viên nòng cốt của tạp chí kinh doanh nổi tiếng 'Business Insider'- đã rút ra 4 triết lý của tỷ phú Branson đằng sau sự thành công của hàng trăm doanh nghiệp do ông sáng lập hoặc giúp đỡ phát triển.

Gia Đình Mới xin đem đến với bạn đọc bài phân tích của tác giả.

1. Ông là một ‘người ham vui’

 

Branson nói với chính mình rằng, ‘nếu mình thấy vui thích khi làm việc này, thì hẳn là người khác cũng thế.’

Thế là, niềm vui đã trở thành phép lọc cho câu hỏi ‘tôi có nên làm điều này không?’ của ông. Và quả thực đây là một phép lọc vô cùng hiệu quả.

Khi ông lần đầu tiên nói rằng ông muốn dùng một phần ba lợi nhuận công ty Virgin Music để mở một hãng máy bay vì sẽ rất ‘vui’, các CEO không hề hứng thú với chuyện này.

Nhưng Branson không hề phản ứng thô lỗ hay chán nản. Sự nghiệp thành công, giàu có và lâu dài của ông chính là nhờ ông biết tự hưởng thụ và vui vẻ.

Richard Branson viết: ‘Vui vẻ là nhân tố quan trọng nhất – nhưng bị coi nhẹ nhất – cho sự thành công của bất kỳ công việc nào. Nếu bạn không thấy vui vẻ, thì chắc hẳn đó là lúc bạn nên từ bỏ và thử việc khác.’

2. Hạn chế rủi ro

 

‘Nhìn sơ qua, tôi nghĩ có vẻ các doanh nhân đều phải chịu rủi ro cao’, tỷ phú chia sẻ với tác giả Diamandis trong cuốn Bold.

‘Nhưng, một trong những cụm từ quan trọng nhất trong đời tôi là ‘hạn chế rủi ro’.

Bài học mà cha ông (luật sư Edward James Branson) dạy cho ông khi ông mới 15 tuổi đó là, phải hạn chế rủi ro thiệt hại trước khi tiến hành một dự án kinh doanh mới.

Cha ông đồng ý cho ông nghỉ học để mở tạp chí với điều kiện ông phải kiếm được 4000 bảng tiền quảng cáo để dùng cho chi phí in bìa và chi phí giấy.

Đây cũng là chiến thuật được ông áp dụng vào năm 1984 khi bắt đầu kinh doanh hàng không với hãng Virgin Atlantic.

Để thuyết phục các đối tác kinh doanh ở Virgin Record đồng ý chi vốn, ông phải thương thảo với hãng Boeing để có thể trả lại chiếc máy bay 747 sau 1 năm nếu Virgin không tiến hành kinh doanh như kế hoạch.

Chiến thuật này giúp Branson luôn lanh lợi trong kinh doanh.

Trong 50 năm qua, tỷ phú Branson đã trải qua không ít thất bại, như Virgin Cola và Virgin Clothing.

Tuy nhiên, ông nghĩ ra ý tưởng rất nhanh, và ngăn chặn thất bại còn nhanh hơn.

Cho đến nay Branson đã mở khoảng 500 công ty mà trong đó, 200 công ty đã bị đóng cửa vì không hiệu quả.

3. Lấy khách hàng làm trung tâm

 

‘Nếu bạn không lấy khách hàng làm trung tâm, cho dù bạn tạo ra được sản phẩm tuyệt vời thì bạn cũng không thể tồn tại được.’ Branson cho biết. ‘Phải cẩn thận trong từng chi tiết.’

Trong cuốn ‘The Virgin Way’ ông viết, tuy không thể với tay đến mọi công ty dưới quyền, thi thoảng ông sẽ giả làm khách hàng để thử dịch vụ của Virgin.

Có lần ông đã giả giọng để gọi vào đường dây chăm sóc khách hàng của công ty mình và đòi nối điện thoại với Richard Branson. Sau đó ông đã được nối máy với trợ lý của mình và bị phát hiện.

Câu chuyện hài hước nhưng cũng là bài học cho các nhà lãnh đạo, bất kể bạn điều hành một doanh nghiệp khởi nghiệp hay một tập đoàn khổng lồ thì đều phải giữ liên lạc với khách hàng.

Ông cho biết, trước đây ông thường xuyên gọi điện cho khách thuê phòng tại khách sạn Virgin America để hỏi về cảm nhận của họ và ghi lại những cảm nhận của chính mình với tư cách khách hàng.

Chẳng hạn như ông nhận thấy mình và các khách ở Virgin America không muốn dùng khăn ấm vào những ngày nóng bức ở Las Vegas.

Ông sẽ lưu ý những chi tiết nhỏ như thế, và điều chỉnh chính sách để chuyển sang khăn lạnh cho khách khi trời nắng nóng.

4. Bậc thầy trong ủy quyền

 

Branson vẫn có thể lướt sóng khi đã ngoài 60, nhưng ông không phải siêu nhân.

Ông chỉ suy nghĩ cách thức mới để mở rộng thương hiệu Virgin, và những người bên cạnh sẽ giúp ông hiện thực hóa những ý tưởng đó.

‘Lời khuyên hữu ích nhất mà tôi có thể dành cho các nhà lãnh đạo đó là, hãy tìm người giỏi hơn bạn để họ làm việc thay bạn.

Sau đó, hãy cho bản thân thảnh thơi để nghĩ về những chuyện to lớn hơn. Nhờ vào có thời gian rảnh cho chính mình, tôi mới có thể có nhiều ý tưởng để lái Virgin trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.’

Thu Trang/giadinhmoi.vn