Thang máy trở thành cạm bẫy: Bảo vệ phụ nữ, trẻ em cách nào?

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ sàm sỡ, dâm ô phụ nữ, trẻ em ở các nơi vắng vẻ như thang máy khiến dư luận xã hội bất an, phẫn nộ. Cần làm gì để hạn chế cạm bẫy từ thang máy?

Vấn đề trên đã được đưa ra thảo luận trong chương trình tọa đàm “Thang máy chung cư: tiện ích hay cạm bẫy” do Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình- phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức chiều 4/4 tại Hà Nội.

Thang máy: Cạm bẫy với trò dâm ô 

Nhận định tại hội thảo, thang máy từ vai trò là một phương tiện đi di chuyển tiện ích của cư dân giờ nó  lại trở thành một  “cạm bẫy” vô hình.

Trước giờ đã xảy ra nhiều vụ việc dâm ô gây mất an  toàn cho phụ nữ và trẻ em nhưng không rộ lên như giai đoạn hiện nay.

Những sự việc trên bị “phanh phui” ở những thang máy có gắn camera ghi lại, còn rất nhiều nơi không có camera thì nguy cơ xảy ra các vụ việc trên còn cao hơn nhiều.

Bên cạnh pháp luật còn có nhiều lỗ hổng thì các biện pháp việc bảo vệ an toàn cho trẻ em gái và phụ nữ vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Thảo luận về các biện pháp đảm bảo an toàn khi đi thang máy, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho rằng: Đã đến lúc cần phải xem xét lại tiêu chuẩn chung cư đáng sống trong đó đã có tiêu chuẩn an toàn cho phụ nữ trẻ em chưa. Chẳng hạn như cần phải có là những cảnh báo an toàn trong thang máy, số điện thoại hoặc cách gọi hỗ trợ khi cần thiết…

Ngoài việc cần bổ sung các quy định pháp luật, cần phải xem lại trách nhiệm của các chủ đầu tư, của ban quản lý chung cư.

"Theo tôi, trong thang máy, ban quản lý và chủ đầu tư tòa nhà cần phải có các cảnh báo như ở đây có camera, mọi hình ảnh đều được truyền lên hệ thống bảo vệ, số điện thoại đường dây nóng… để những người có hành vi sai trái không dám manh động", bà Vân Anh đề xuất. 

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA

Tổ chức CSAGA trong tuần tới sẽ thiết kế những poster nhỏ trong đó có in những cảnh báo, hướng dẫn cách bảo vệ trẻ em, phụ nữ khỏi bị xâm hại; sẽ thiết kế để dán cho phù hợp trong các thang máy. Sau đó cho những poster lên mạng xã hội để tất cả các chung cư, các cư dân muốn sử dụng có thể tự in ra và áp dụng tại tòa nhà. 

Đồng thời chương trình kêu gọi ý tưởng "Nếu tôi là quản lý chung cư" sẽ được tổ chức để đưa ra những biện pháp đảm bảo an toàn cho những người sống trong chung cư đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái. 

Rất nhiều nạn nhân chọn cách im lặng vì xấu hổ

Bà Trần Bích Loan, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: “Vụ việc bé gái bị sàm sỡ trong thang máy không chỉ báo động nguy cơ xảy ra với các bé, mà là với phụ nữ nói chung. Bởi những kẻ thú tính có thể làm điều đó với những bất kỳ ai đứng gần miễn là để thỏa mãn. 

"Hành vi đó cũng không chỉ xảy ra trong thang máy, mà còn cả những nơi công cộng không có camera, nhưng rất nhiều trường hợp sợ hãi, xấu hổ và chọn cách im lặng, không lên tiếng”, bà Loan nhấn mạnh. 

Qua sự việc này cần phải rút ra bài học kinh nghiệm với các bé gái, thậm chí cả bé trai về cách tự vệ khi đi thang máy.

Chị Phạm Thái Lê, giáo viên trường Marie Curie chia sẻ kinh nghiệm cá nhân: "Tôi luôn dặn con mình không nên mặc hở khi đi ra ngoài, trong thang máy phải luôn đứng trong tư thế quan sát xung quanh, nếu người bên cạnh có động thái gì lạ phải hết sức cảnh giác.

"Ở trường tôi cũng luôn đưa nội dung dạy trẻ cách phòng vệ, chống xâm hại vào trong các tiết học của mình, nhiều em học sinh tỏ ra quan tâm và còn đề xuất có một chuyên đề dạy riêng về giáo dục giới tính”. 

Các chuyên gia, luật sư cùng quan điểm cho rằng trong thời gian tới cần phải siết chặt luật hơn nữa, xử lý nghiêm minh để những vụ việc tương tự không xảy ra, và kỳ án 200 nghìn sẽ không lặp lại nữa!

Trần Thị Nhàn/giadinhmoi.vn

Tin liên quan