Theo Nghị định 137 vừa ban hành có quy định cho phép người dân được sử dụng pháo hoa trong dịp Tết, ngày cưới, sinh nhật… Tuy nhiên, những loại pháo nào được người dân sử dụng là hợp pháp.
Dùng pháo hoa nào?
Ngày 27/11, Nghị định 137/2020/CP-NĐ về quản lý, sử dụng pháo hoa vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 11/01/2021.
Một trong những nội dung mà người dân rất quan tâm đó là Theo Khoản 1, Điều 17 Nghị định 137, quy định người dân đủ được phép sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, tết, ngày cưới, sinh nhật...
Như vậy Tết Tân sử 2021, người dân chính thức được bắn pháo hoa.
Tuy nhiên, người dân cần phân biệt rõ pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh nhầm lẫn, dẫn tới vi phạm quy định.
Điều 3 Nghị định 137 đã giải thích 2 loại pháo này, để người dân biết, tránh nhầm lẫn:
Pháo hoa nổ là loại pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. (Đây là loại pháo phổ biến thường thấy trên bầu trời vào các sự kiện lớn).
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công, công nghiệp. Khi có tác động của xung kích sẽ tạo ra hiệu ứng trong không gian, không gây tiếng nổ.
Người dân chỉ được mua pháo hoa chứ không được mua pháo hoa nổ để sử dụng. Khi mua pháo, người dân căn cứ vào sự khác biệt lớn nhất giữa 2 loại pháo là tiếng nổ, tiếng rít để mua cho đúng.
Mua pháo hoa ở đâu?
Theo Khoản 2 Điều 17 của Nghị định 137, cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được mua của tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ quốc phòng. Các tổ chức, doanh nghiệp này phải được Cấp chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy.
Hiện nay tại Việt Nam, công ty 1 thành viên Hóa chất 21 (Hay còn gọi lài Z121) là đơn vị duy nhất được cung ứng, sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ. Do đó người dân chỉ được mua của cơ sở này.