Dân gian cho rằng tầm gửi cây gạo có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hòa huyết áp và đặc biệt tốt cho người bệnh thận.
Trong các loại tầm gửi, thì tầm gửi gạo (tên khoa học là Taxillus chinensis) được sử dụng làm dược liệu từ lâu. Dân gian cho rằng loại thảo dược này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hòa huyết áp và đặc biệt tốt cho người bệnh thận.
Trong tài liệu “Từ điển cây thuốc Việt Nam” của Võ Văn Chi, tầm gửi gạo có vị đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, khử phong thấp, an thai; thường dùng trị phong thấp, tê bại, lưng gối mỏi đau, gân xương nhức mỏi, thai động không yên, đau bụng, huyết áp cao.
Theo kinh nghiệm của những người dân thì tầm gửi cây gạo tốt nhất là tầm gửi trên cây gạo tía, còn loại gạo trắng thì không tốt bằng; nếu là loại tươi thì cành phải giòn, lá xanh, bóng còn loại khô có mùi thơm, được nắng, sau khi phơi khô nhưng thân và lá vẫn có màu xanh. Tầm gửi khô được bảo quản trong các lớp nilông buộc kín, ngoài cùng bọc bao tải, được treo lên cao hoặc để ở những nơi khô ráo như gác bếp, tủ chè…
Tầm gửi gạo hỗ trợ điều trị các bệnh sau:
1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị sỏi bàng quang và sỏi thận:
Chuẩn bị: Kim tiền thảo, cây mã đề, rễ cỏ tranh và thổ phục linh, mỗi thứ 10g và tầm gửi gạo 15g.
Thực hiện: Sắc uống và dùng hết trong ngày. Nên sắc lấy khoảng 1.5 – 2 lít nước nhằm giúp thận đào thải độc tố và lượng canxi dư thừa. Kiên trì thực hiện bài thuốc trong 2 tháng sẽ nhận thấy kích thước sỏi giảm đáng kể.
2. Bài thuốc giúp bồi bổ sức khỏe, mát gan và giải độc
Chuẩn bị: 20 – 30g dược liệu khô.
Thực hiện: Đem sắc uống và dùng hết trong ngày. Khi dùng, nên sắc lại dược liệu để lấy hết dược tính của cây và dùng khi nước còn ấm.
3. Bài thuốc ngâm rượu với cây tầm gửi gạo
Chuẩn bị: 1kg dược liệu khô và 5 lít rượu 45 độ.
Thực hiện: Đem ngâm trong ít nhất 3 tháng, mỗi lần dùng 1 chén nhỏ.
Lưu ý: Không nên uống quá nhiều rượu tầm gửi. Sử dụng liều lượng lớn có thể gây say xỉn và làm giảm chức năng gan.