Sai lầm khi luyện ngủ theo phương pháp easy và bài học dành cho mẹ 9X

Đừng theo trào lưu khi chưa hiểu kỹ! Đó là kinh nghiệm xương máu của mẹ Ly - một bà mẹ đến từ Hà Nội khi luyện ngủ theo phương pháp easy, phương pháp đang được các mẹ truyền tai nhau trên mạng internet.

Xem thêm

Luyện ngủ Easy - Có dễ như mẹ tưởng

Luyện ngủ Easy là cách nhiều mẹ đang truyền tai nhau, đó là luyện cho đứa trẻ tự ngủ mà không cần đến cha mẹ ở bên cạnh.

Một phương pháp bản năng này đang được các mẹ truyền tai nhau với độ chia sẻ đạt mức “khủng” trên các diễn đàn mẹ và bé. Nhưng có nhiều bà mẹ học theo “không đến nơi đến chốn” khiến con đối mặt với những nguy hại về sức khỏe.

Mẹ Ly ở Hà Nội là một trường hợp như vậy. Vốn là một bà mẹ trẻ yêu thích việc lướt web và tin tưởng vào khoa học hiện đại, cô đã tiếp cận rất sớm với EASY ngay khi con lọt lòng và ấp ủ phương pháp này với hi vọng con ngoan - mẹ nhàn.

“Các mẹ trên diễn đàn khen phương pháp này quá trời luôn, em cũng hồi hộp muốn áp dụng cho con lắm, vì thấy các mẹ kêu chăm con mà con không ngủ ngon khổ lắm. Con ngoài tháng là em áp dụng luôn”, Ly chia sẻ

Luyện ngủ EASY - Đơn giản mà không đơn giản (Ảnh minh họa)

Ly bắt đầu với việc cho con tự ngủ mỗi tối. Cô dùng cách để con tự ngủ, mẹ dời đi và mặc cho con khóc. Những ngày đầu do khóc quá mệt nên bé cũng ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

“Em thấy các mẹ nói là những ngày đầu sẽ như vậy và nghĩ là con mình chắc cũng như những bạn khác thôi nên không lo lắng mấy” , cô bộc bạch và chia sẻ thêm, ngoài việc cho con tự ngủ như vậy, cô còn đánh thức con dậy vào thời điểm mà mình muốn, khi con vừa ngủ say.

Nói thì tưởng chừng đơn giản, theo cuốn Nuôi con không phải cuộc chiến, một ngày của bé sẽ là những chuỗi lặp đi lặp lại của nhiều chu kỳ EASY.

Bé ngủ dậy sẽ được ăn (E-eat), sau đó mẹ cho bé chơi vận động (A-activity), mẹ đặt bé xuống cho bé ngủ (S-sleep) và mẹ có thời gian thư giãn (Y-your time). Khi bé ngủ dậy, bé lại được tiếp tục đi vào chu kỳ EASY mới: ăn, chơi, ngủ và thời gian dành cho mẹ.

Cứ như vậy lặp đi lặp lại cho đến khi bé đi vào giấc ngủ đêm, kết thúc một ngày của mẹ và bé. Nhưng hiện nay có hai sai lầm rất tai hại mẹ áp dụng rất tiêu cực là chưa tìm hiểu độ tương thích đã mau chóng áp dụng cho con mình

Lợi chưa thấy mà còn suýt làm hại con

Ly không ngờ rằng những gì mình nghe và những gì mình thấy lại khác xa nhau đến vậy. “Nếu biết có ảnh hưởng đến con như vậy, em đã không vội vã áp dụng. Đáng nhẽ em nên tìm hiểu kỹ hơn”. Đó là chia sẻ của Ly sau khi em bé nhà cô bị ngất đi vì quá mệt do khóc đêm.

Số là hôm đó, Ly cũng cho con ngủ một mình như thường ngày mà không ru ngủ hay tạo không gian ngủ cho con. Nếu như bình thường con sẽ ngủ khi quá mệt, nhưng hôm đó linh tính mách bảo, Ly vào kiểm tra thì thấy con tím tái, khó thở. Quá sợ hãi, cô ngay lập tức gọi chồng đưa con vào viện.

Hóa ra do khóc quá nhiều ngày nên sức khỏe của bé giảm sút đi nhiều, ngày hôm đó chỉ như giọt nước tràn ly, mọi thứ đã quá sức chịu đựng của con.

"Nhìn con nằm trong bệnh viện, tôi hối hận vì sự hiểu biết nông cạn của mình" (Ảnh minh họa)

Nghĩ lại những chuỗi ngày đó, Ly rơm rớm: “Nhìn cảnh con nằm viện mà thấy xót xa và ân hận vô cùng. Em không nghĩ chỉ vì một chút nhàn thân mà em suýt làm hại con”.

Rồi đến chuyện gọi con dậy bất kể con đang ngủ say, việc không luyện đến nơi đến chốn khiến cho con càng khó ngủ, quấy khóc hơn. Đó là vì khi chưa đủ giấc đã phải dậy, con cáu gắt, sớm buồn ngủ trở lại và khóc đòi ngủ.

Việc này cứ tiếp diễn làm đồng hồ sinh học của con bị xáo trộn, khiến con chậm lớn. Nghiêm trọng hơn, việc cáu gắt kéo dài còn ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách của con sau này.

Đừng theo trào lưu khi chưa hiểu kỹ!!! Đó là kinh nghiệm xương máu của Ly lúc này. Muốn áp dụng một phương pháp nào, mẹ cần chú ý phải tìm hiểu kỹ xem độ tương thích của con đến đâu. Và áp dụng phải từ từ từng bước một. Đó không chỉ là bài học đầu đời cho con, mà còn là hành trình bắt đầu của cả mẹ.

Lan Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan