Quy định xúc phạm, đánh học sinh bị phạt 30 triệu, đình chỉ 6 tháng: Giáo viên nói gì?

Dự thảo quy định về người có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học có thể bị phạt 10 - 30 triệu đồng và phải xin lỗi công khai vấp phải phản ứng trong cộng đồng giáo viên.

Xem thêm

Đó là chia sẻ của cô giáo L.T.U.N. đang giảng dạy môn ngữ văn tại một trường THCS tại Hà Nội.

“Tôi đã từng dạy cho các em học sinh lớp 6, vì còn nhỏ nên hầu như các em rất ngoan. Tuy nhiên, trong lớp đó có một học sinh cá biệt.

Ngày nào em cũng nghịch ngợm trong lớp, tìm đủ các trò để quấy nhiễu thầy cô, bạn học.

Giải pháp của tôi lúc đầu là cho em ngồi một mình ở bàn cuối cùng để không ảnh hưởng đến việc học của các học sinh khác trong lớp.

Tôi đã gọi điện cho phụ huynh của em, báo lên Ban giám hiệu nhưng mọi trò vui đùa của em đều không dừng lại.

Trong một lớp học thường có những học sinh cá biệt trêu chọc, quấy phá thầy cô, bạn học. Ảnh minh họa

Không chỉ trêu chọc các bạn, em còn bắt nạt một em học sinh khác. Bắt bạn phải cùng mình trốn tiết, làm mọi việc theo sai khiến, thậm chí còn bắt bạn quỳ xuống để bước qua đầu, đi tiểu vào đầu bạn.

Khi biết được sự việc tôi đã rất bực, đã mắng và phạt em đứng để viết bài. Em không những không viết mà còn nói “bố mẹ em còn chẳng dám mắng, phạt em, cô không có quyền mắng, phạt em”.

Nói xong câu đó em tự động ra khỏi lớp mà không xin ý kiến của tôi. Lúc đó, tôi đã báo lại với Ban giám hiệu sự việc và có nói rằng “nếu trong khoảng thời gian tôi lên lớp mà em học sinh đó xảy ra chuyện gì tôi sẽ không chịu trách nhiệm vì em đã tự ý bỏ tiết của tôi”.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ để thấy được rằng, với một số học sinh cá biệt, giáo viên chúng tôi khi tức giận mắng, phạt các em là điều khó có thể tránh khỏi.

Nhưng khi các em kể lại với bố mẹ mình thì không thấy em nhắc đến việc trêu chọc, bắt nạt bạn, chỉ đơn giản là “con đùa với bạn mà cô mắng con, phạt con trước cả lớp làm con xấu hổ”.

Chỉ cần bố mẹ tin lời con trẻ như vậy, đổ lỗi cho giáo viên là tôi sẽ mắc lỗi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học.

Và với số tiền phạt gấp rất nhiều lần lương của tôi (lương giáo viên hợp đồng của tôi chỉ được hơn 1 triệu đồng) thì tôi sẽ lựa chọn im lặng. Em học sinh đó sẽ mãi là học sinh cá biệt…” – cô giáo ngữ văn L.T.U.N. tâm sự.

Không ít học sinh ngồi trong lớp làm việc riêng, ảnh hưởng đến thầy cô, bạn học. Ảnh minh họa

Khi thông tin chửi học sinh giáo viên có thể bị phạt 30 triệu đồng được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng cũng tỏ ra bất bình: “Nhiều thành phần học sinh bố thiên hạ, không tôn trọng thầy cô, quậy phá trong lớp chả nhẽ không được quát. Để những đứa như thế lộng hành chắc lớp thành cái chợ mất” – tài khoản T.H. chia sẻ.

Một facebooker có tên B.T.T.H. cũng tày tỏ: “Xử lý ngọn lại không xử lý gốc. Lương giáo viên không được trả xứng đáng với công sức bỏ ra, sáng chiều dạy tới tối lại soạn giáo án dẫn tới áp lực và dễ ức chế.

Chỉ biết cấm không được phạt học sinh trong khi không có đào tạo chuyên sâu về kỹ năng xử lý các tình huống ức chế do học sinh gây ra.

Hệ lụy là học sinh hiện đại càng tiến hóa ma mãnh, sự uy nghiêm của giáo viên đi xuống, phụ huynh lẫn học sinh đều có tư tưởng chống đối giáo viên. Tất nhiên những trường hợp bạo hành là ko thể chấp nhận,nhưng con nít phạt một chút là nên”.

Thầy T.Q.O. đang dạy tại một trường THPT ở Hà Nội cũng bày tỏ: “Trước đây các cụ ta có câu “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Giờ quỷ, ma đều không có, nhất học trò, giáo viên chúng tôi cũng bó tay với các em học sinh yếu kém về đạo đức…”.

Nói về việc ban hành Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, một vị luật sư ở Hà Nội (xin được giấu tên) chia sẻ, xét về trình tự, thủ tục ban hành thì dự thảo không vênh so với Luật Xử phạt vi phạm hành chính hiện hành.

Khi đã có Luật thì việc ra các Nghị định dướng dẫn là rất bình thường. Hay như việc ban hành Nghị định mới để thay thế Nghị định cũ cũng là điều nên làm.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xem xét xem Nghị định đó đã phù hợp với tình hình thực tế hay chưa. Việc thay đổi có giúp Luật được thực thi nghiêm chỉnh, có thực hiện được mục đích răn đe, phòng ngừa, giúp xây dựng xã hội tiến bộ hơn, văn minh hơn.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, bắt đầu được lấy ý kiến từ ngày 28/9. Văn bản này sau khi được hoàn thiện, Thủ tướng ký quyết định thông qua sẽ thay thế Nghị định số 138 năm 2013.

Trong dự thảo có điều khoản quy định về: Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học, cụ thể:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan