Nữ nhiếp ảnh gia Bảo Ngọc đánh dấu những cột mốc quan trọng trong cuộc đời bằng các dự án xoay quanh phụ nữ và trẻ em. Đây là hai đối tượng đem lại nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho người mẹ trẻ tuổi 30.
Trong một studio trên phố Hào Nam, nữ nhiếp ảnh gia Bảo Ngọc và cộng sự của mình đang chuẩn bị những khâu cuối cùng cho buổi chụp hình.
Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng khi khách hàng của chị xuất hiện, là một bà mẹ trẻ và hai con nhỏ. Chị chào đón các nhân vật của mình và làm công việc như thường khi, hỏi han họ và bắt đầu sắp xếp những bộ quần áo đi với nhau sao cho có sự gắn kết giữa ba mẹ con.
Những bản nhạc mừng Giáng Sinh đan cài trong không gian ấm cúng sắc đỏ và xanh, giúp cho hai bạn nhỏ đùa nghịch một cách tự nhiên nhất.
Tại sao lại là ‘Interlude 30’?
- Vào ngày sinh nhật tuổi 30 của tôi cuối tháng 4 vừa rồi, một người bạn thắc mắc sao tuổi 30 mà tôi lại không kỉ niệm gì đặc biệt, phải làm cái gì để đánh dấu mốc tuổi này chứ?
Nếu ở tuổi 25, bữa tiệc sinh nhật cần phải có chủ đề, trang trí cầu kỳ, khách mời mặc dresscode thì tuổi 30, sinh nhật không còn là những điều đó nữa. Luôn là người sôi nổi thích ‘bày trò’, tôi vẫn muốn đánh dấu độ tuổi này bằng một điều gì đó.
Ngay đêm đó, ý tưởng làm dự án Dành cho tuổi 30 với cái tên ‘Interlude 30’ ra đời. Tôi chỉ nghĩ đơn thuần, đây là dự án đánh dấu tuổi 30 của bản thân tôi và cho các chị em đang tuổi 30, như là một cách cùng nhau kỉ niệm một sinh nhật đặc biệt trong đời.
Chị có thể giới thiệu qua về dự án này?
- ‘Interlude 30’ - Dành cho tuổi 30 không phải là dự án lăng xê, tôn vinh cá nhân tiêu biểu. Đây là dự án mà ở đó tôi đưa ra cái nhìn khác của tôi về một vấn đề, nhìn góc tối trong một bức tranh sáng và ngược lại.
‘Interlude 30’ là tập hợp những gương mặt phụ nữ cùng lứa tuổi 30 với những cung bậc cảm xúc, những trải nghiệm của sống của chính họ.
Với chị, sự sáng, tối của phụ nữ tuổi 30 là gì?
- Trong dự án cho tuổi 30, tôi muốn có cái nhìn khác đi từ mọi người về phụ nữ độ tuổi này. Đôi khi người phụ nữ tuổi 30 giỏi giang, giàu có, được xã hội trọng dụng nhưng chưa lấy chồng, sinh con trong mắt gia đình, xã hội vẫn là một ‘quả bom nổ chậm’.
Hoặc khi phụ nữ có gia đình lui vào hậu trường, hy sinh sự nghiệp thì cũng vẫn có thể bị coi là đối tượng ‘ăn bám’.
Đôi khi tôi cảm thấy, 30 tuổi, phải sống sao cho vừa? Dấu mốc 30 dường như lâu nay đã trở thành dấu mốc của những mục tiêu, nếu trót chưa làm được, sẽ bị coi là hết cơ hội.
Tôi nghĩ rằng sức mạnh nội tại trong người phụ nữ muốn làm nhiều điều hơn. Tại sao lại chỉ vì câu nói của thế hệ trước mà chùn bước bản thân và mất đi cảm hứng cũng như năng lực phấn đấu của mình.
Như vậy, cứ không phải phụ nữ tuổi 30 có chồng, có con là thành đạt?
- Đỉnh cao của mỗi người là khác nhau, quan niệm về sự thành đạt trong mỗi người phụ nữ cũng khác nhau.
Tôi muốn là người ghi chép cả những đỉnh cao, thành công bị trì hoãn, những nốt thăng, trầm trong bản nhạc cuộc đời của phụ nữ tuổi 30.
Với một số phụ nữ, sự thành đạt với họ đơn giản là có một đàn con ngoan, hoặc với một số phụ nữ khác, họ lại muốn có sự nghiệp riêng thay vì ở nhà, bị gia đình chồng ‘quản lý’.
Thành đạt ở tuổi 30 của phụ nữ có khi là lúc tìm được chính mình để thấu hiểu và nâng niu cảm xúc của mình.
Nhân vật nào để lại ấn tượng cho chị trong dự án này?
- Mỗi nhân vật của dự án đều để lại cho tôi những ấn tượng và nhiều cung bậc cảm xúc. May mắn thay tôi đã tìm được những góc đối lập và ẩn giấu trong các nhân vật của mình để có những chân dung gần gũi và chân thật.
Đó là một hoa hậu Ngô Phương Lan với nốt trầm và cuộc rũ bỏ để làm bản thân mới mẻ hơn, một doanh nhân Đào Chi Anh với góc làm mẹ bình yên, một Lê Cát Trọng Lý với những kế hoạch cho những kẻ mộng mơ, một Minh Trang hạnh phúc trong sự ồn ào của đàn con... cùng rất nhiều những nhân vật thú vị có những quan điểm riêng, những tuyên ngôn cá tính.
Phải kể đến những nhân vật ở giai đoạn sau, những câu chuyện tôi thực sự rung cảm, cũng là lần đầu tôi được sống trong những cảm xúc ấy, đó là những câu chuyện về phụ nữ bị ung thư, chuyển giới...
Chị kỳ vọng gì ở dự án mới nhất này của mình?
- Xuất phát từ một người làm báo, là một người thích gặp gỡ, lắng nghe và ghi nhận câu chuyện, tôi luôn muốn mình đóng vai trò là người kể câu chuyện, là người kết nối phụ nữ với nhau và truyền đi cảm hứng tích cực cho phụ nữ tuổi 30.
Đó là cuốn nhật ký về phụ nữ tuổi 30. Nó không chỉ có giá trị trong thời điểm hiện tại, khi 5 - 10 năm nữa nhìn lại, đó sẽ là cuốn nhật ký về một thế hệ tuổi 30 sống trong niên đại này.
Tôi luôn muốn mình sẽ truyền tải một cách chân thực nhất và không phán xét. Mỗi câu chuyện về nhân vật, chúng tôi gặp gỡ nhiều lần để hiểu về nhau để khóc, cười cùng nhau.
Những cảm xúc thấm lại trong tôi thực sự là điều tôi hiếm khi tìm thấy trong nhịp sống thường ngày. Tôi trân trọng và cảm mến tất cả các nhân vật của mình.
Ở hai dự án trước là ‘Ngày thứ 8’ và ‘Pure & Sweet’, chị là người trực tiếp ghi nhận các nhân vật bằng hình ảnh và câu chữ. Vậy ở dự án này, chị xuất hiện với vai trò gì?
- Không chỉ trong hai dự án trước là ‘Ngày thứ 8’ (tôn vinh những đam mê của phụ nữ) và ‘Pure & Sweet’ (cổ vũ nuôi con bằng sữa mẹ) mà với dự án mà ở ‘Interlude 30’, tôi đều xuất hiện với vai trò người kể chuyện, dẫn dắt và kết nối.
Tôi không muốn cái tôi của tôi hiện lên quá rõ ràng trong mỗi dự án đó, có chăng là chia sẻ góc nhìn và cảm xúc thông qua những hình ảnh, bài viết.
Với Interlude 30, tôi là người ký hoạ nhân vật mình gặp, ghi chép lại những cảm xúc của mình về họ và những trải nghiệm tuổi 30 họ có được.
Hai dự án ‘Ngày thứ 8’ và ‘Pure & Sweet’ có ý nghĩa như thế nào với chị?
- Khi mới sinh con, tôi cũng như nhiều bà mẹ khác, cùng phải trải qua giai đoạn khó khăn nhưng cũng vô cùng hạnh phúc này.
Trong những tháng đầu nuôi con, tôi mới thấu cảm giác cả ngày chỉ xoay quanh cậu con nhỏ của mình, gần như không có thời gian làm việc gì khác.
Xã hội luôn gắn bà mẹ sau sinh với hình ảnh đầu bù tóc rối, lôi thôi, xấu xí và nặng nề.
Từ muôn vàn câu chuyện tôi được nghe và đọc về những người phụ nữ sau sinh, tôi muốn làm một điều gì đó để khích lệ tinh thần những người mẹ trẻ.
Với dự án ‘Ngày thứ 8’, tôi muốn nhắn nhủ tới tất cả những người phụ nữ quanh mình biết yêu thương trước tiên là chính bản thân mình.
Những người phụ nữ hãy biết cách dành thời gian dành cho những đam mê, sở thích riêng ngoài 7 ngày trong tuần với vai trò người vợ, người mẹ…
Chị đã bắt đầu với ‘Ngày thứ 8’,‘Pure & Sweet’ và ‘Interlude 30’ như thế nào?
- Để gửi thông điệp đầu tiên về dự án, tôi hì hụi tự dựng chân máy, góc chụp và tự chụp bức hình con trai đang đón nhận dòng sữa mát lành của mình và đăng tải lên trang cá nhân. Ngay sau đó, tôi nhận được sự đồng cảm từ các mẹ. Đó cũng là lúc ‘Pure & Sweet’ ra đời.
Tôi thực hiện dự án ‘Ngày thứ 8’ trước khi kết hôn cũng là để tự nhắc nhở bản thân hãy luôn giữ lửa đam mê dù đang độc thân hay đã kết hôn.
Còn ‘Interlude 30’ đến với tôi rất tình cờ, là dự án đánh dấu tuổi 30 của bản thân.
Chị nhận ra điều gì trong quá trình thực hiện mỗi dự án?
- Ba dự án đều có ý nghĩa chung là truyền cảm hứng tới chính các nhân vật xuất hiện trong đó và lan toả điều đó đến nhiều phụ nữ khác.
Với dự án ‘Pure & Sweet’, nếu các mẹ bầu và mẹ có con nhỏ nhận được sự quan tâm của các ông chồng và người thân thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Chẳng hạn bố ru con ngủ, để mẹ có chút thời gian dành cho bản thân, chỉ khoảng 30- 1 tiếng với người khác không đáng gì nhưng với bà mẹ thì đó là quỹ thời gian lớn.
‘Ngày thứ 8’ và ‘Interlude 30’, tôi được lắng nghe nhiều câu chuyện của chị em về cuộc sống của họ. Những câu chuyện đó cũng giúp tôi rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân mình.
Thực hiện tất cả các dự án một cách độc lập, những thuận lợi và khó khăn gặp phải khi thực hiện?
- Tôi là một người cầu toàn, với mỗi dự án sẽ trằn trọc nhiều đêm để lên nội dung, tiến trình thực hiện và làm thế nào để triển khai… Do vậy, mỗi dự án 'ngốn' nhiều thời gian.
Với dự án Dành cho tuổi 30, tôi và nhân vật của mình đã phải bàn bạc với nhau rất nhiều, bài viết này thì hình ảnh sẽ như thế nào? Mỗi nhân vật, tôi đều muốn lắng nghe, nhìn nhận câu chuyện của họ một cách khách quan và nhân văn nhất để rồi tìm ra câu chuyện, góc chia sẻ phù hợp.
Tôi muốn trực tiếp phỏng vấn, tổ chức chụp hình, viết bài nên khối lượng công việc khá đồ sộ. Trong quá trình thực hiện dự án, tôi trải qua nhiều cung bậc, có những lúc bi quan, mất tinh thần, cô đơn… nhưng hơn hết vẫn là những niềm vui.
Ngoài thực hiện ở Hà Nội, tôi lặn lội đi theo nhân vật lên Sapa hay vào Tp. HCM hai lần. Để có một buổi kết nối gặp gỡ, chụp hình với những nhân vật, trước đó chúng tôi đã phải bàn bạc với nhau kỹ càng, chụp ở đâu, mặc cái gì, tông màu gì, make up như thế nào…
May mắn, trong quá trình thực hiện, tôi truyền cảm hứng được cho nhiều người phụ nữ khác. Chuyên viên trang điểm, designer, stylist.. họ đều hiểu và thích thông điệp tôi đưa ra nên đã hỗ trợ dự án rất nhiều.
Trong dự án ‘Interlude 30’, tôi may mắn được tạp chí Đẹp đồng hành nên dự án có sức lan toả hơn.
Những lúc bế tắc, khó khăn, chị đã làm gì để vực tinh thần mình dậy, tiếp tục làm dự án này?
- Nhiều lúc áp lực quá, tôi tự hỏi mình có đang làm điều gì quá sức hay không? Nhưng có lẽ, các dự án này đến như một mối duyên, được trao gửi thì tôi sẽ nỗ lực để thực hiện nó, như một sứ mệnh cho mình vậy.
Dự án cho tôi có cơ hội gặp gỡ nhân vật, đó là những cơ hội đáng quý và tôi rất trân trọng. Dự án là cơ hội để bản thân tôi được làm công việc mình yêu thích với tất cả sự nhiệt huyết. Và khi nhận phản hồi tích cực thì đó là một điều hạnh phúc.
Tôi không tham vọng gì lớn lao mà chỉ muốn làm mọi thứ nhẹ nhàng. Mỗi người mà tôi tiếp xúc, tôi muốn đưa câu chuyện, mạch cảm xúc của họ để giúp họ ghi lại cảm xúc, kỉ niệm hiện tại. Đó là triết lý trong mọi việc tôi làm, kể cả nhân vật trong studio hay nhân vật báo chí mà tôi phỏng vấn.
Điều chị nhận được nhiều nhất qua mỗi dự án?
- Có lẽ là sự nhìn nhận của những người xung quanh về vấn đề tôi đặt ra đã thay đổi.
Dự án ‘Interlude 30’ vẫn đang được triển khai nhưng tôi nhận được khá nhiều inbox tích cực, sự đồng cảm của nhiều chị em. Họ nói rằng, những bài viết đó và những hình ảnh đó đã tạo động lực và sự khích lệ họ rất nhiều.
Nhiều người phụ nữ đã có sự thay đổi cho bản thân, biết chăm chút cho bản thân nhiều hơn. Nhiều chị em kỷ niệm tuổi 30 của mình một cách tưng bừng hơn thay vì để nó trôi qua trong lặng lẽ.
Chị có nói các kỹ năng của chị ngày càng được nâng cao trong quá trình thực hiện dự án. Đó là những gì?
- Với vai trò nào thì cũng có những khó khăn, thử thách nhưng tôi luôn tìm thấy sự hứng thú. Đó là giai đoạn để mình có cơ hội học hỏi và bù đắp những điều mình chưa có, chưa làm được. Tất cả đơn thuần là cơ hội để trải nghiệm và học hỏi.
Có thể trong từng giai đoạn cuộc đời đều có những áp lực, những mối bận tâm khác nhau nhưng sau này nhìn lại cả hành trình của mình thì thấy nó là tập hợp những khoảnh khắc, những dấu mốc thật ý nghĩa.
Trước khi kết hôn, chị có cảm hứng làm dự án ‘Ngày thứ 8’, lúc có con, ‘Pure & Sweet’ ra đời còn khi bước vào tuổi 30, chị thực hiện ‘Interlude 30’. Có vẻ như phụ nữ và trẻ con là những người mang đến cảm hứng bất tận của chị?
- Từ trước đến nay, các mẹ, các bé và phụ nữ vẫn cho tôi nhiều cảm hứng sáng tác nhất.
Khi tôi lắng nghe, dư âm các câu chuyện dội lại khiến mọi thứ đều trở nên gần gũi. Có thể lúc nghe đàn ông tâm sự thì tôi sẽ có cảm nhận khác nhưng khi bất kì người phụ nữ nào thủ thỉ câu chuyện của họ, tôi cảm nhận đó như là câu chuyện của mình, tôi có sự đồng cảm với họ.
Người ta thường nói đời đàn bà khi bước sang tuổi 30 mới thực sự bắt đầu. Chị nghĩ như thế nào về ‘thanh xuân’ của đàn bà 30?
- Với tôi, thanh xuân kéo dài lắm. Trong quá trình làm việc, gặp gỡ nhiều chị em phụ nữ ở rất nhiều độ tuổi, nhất là những người đàn bà tuổi trung niên.
Tôi nhận ra, thanh xuân kéo dài tới khi nào phụ nữ còn những đam mê và biết sống hạnh phúc, bởi trẻ tuổi không bằng trẻ lòng.
Nhiều người tâm sự sau 30 tuổi thì đó mới là độ tuổi chín chắn. Có thể khi còn trẻ nhiều cơ hội đến nhưng mình không biết trân trọng.
Nhưng khi từ 30 tuổi, suy nghĩ ‘Nếu bây giờ không làm thì không biết đến bao giờ mình mới có thể làm được. Thôi phen này ta quyết tâm làm’. Tự dưng đó là động lực để người phụ nữ dấn thân.
Có thể những người tôi gặp thì 30 tuổi cuộc sống mới thật sự bắt đầu một cách chín và thật nhất.
Như vậy, quan điểm về Phụ nữ tuổi 30 của chị cũng khác đi?
- Theo quan điểm hương Đông, phụ nữ 30 là ở đỉnh dốc. Nhưng tôi thấy suy nghĩ đó không còn chính xác nữa vì dòng chảy của cuộc sống bây giờ khác nhiều.
Nhiều người tâm sự với tôi, thời thanh xuân của họ là những thất bại triền miên, có thể là chọn nhầm trường, lấy nhầm chồng, ngồi nhầm công sở.
Nhưng khi đến tuổi 30 thì họ lại tìm được chính mình, tìm được khía cạnh nhỏ trong cuộc sống. Họ nhận ra những điều quan trọng trong cuộc đời mình và tìm cách để giữ gìn chúng.
Còn tuổi 30 của chị như thế nào?
- Với một người phụ nữ, tuổi 30 không còn là lứa tuổi có những mong muốn hoang đường nữa mà ở độ tuổi này, họ chín chắn và họ hiểu họ muốn gì, họ quyết tâm làm những điều đó, biết sẽ nhận được sự ủng hộ như thế nào, từ ai để thực hiện mong muốn đó một cách trọn vẹn.
Tôi cảm thấy may mắn và biết ơn khi nhận ra được con đường mình muốn đi và nhận được sự ủng hộ của mọi người. Tôi nhận ra, lấy được người chồng ủng hộ mình, tìm ra được đam mê thì tự dưng mọi thứ sẽ đến.
Có thể đi hết cuộc đời này, chưa chắc tôi đã nhìn nhận đầy đủ được về dấu mốc tuổi 30 nhưng hiện tại, tôi thấy tuổi 30 của mình ý nghĩa.
Chị có điều gì tiếc nuối trong quãng thời gian những năm tuổi 20 của mình không?
- Mỗi dấu mốc trong cuộc đời đều đẹp, nếu hỏi tôi tiếc nuối điều gì trong tuổi trẻ của tôi thì câu trả lời là không. Vì tôi là người luôn sống hết mình và quyết liệt theo đuổi điều mình muốn.
Ở tuổi 30 hiện tại, tôi chỉ băn khoăn làm sao để dành được nhiều thời gian cho con hơn. Tuy nhiên, điều này cũng khó khăn vì công việc đang lấy của tôi quá nhiều thời gian.
Nhìn thấy các bà mẹ có toàn thời gian chăm sóc, trải nghiệm cùng con nhiều khi tôi thấy rất ‘thèm’.
Theo đuổi nhiếp ảnh là một điều khó khăn, nhất là với người phụ nữ. Với chị thì như thế nào?
- Từ khi sinh viên, tôi tham gia khá nhiều hoạt động nhưng chỉ dừng lại ở những buổi hội thảo, những buổi nói chuyện của các anh chị đi trước. Lúc đó tôi thấy mình quá nhỏ và và thiếu tự tin. Một trong những điều đó là tôi chưa đủ tiền mua máy ảnh, chưa có kinh nghiệm, yếu đuối.
Cho dù đây là một con đường khó khăn nhưng tôi luôn muốn đi đường dài với nhiếp ảnh.
Tự tin nhưng vẫn quyết liệt theo đuổi nghề nhiếp ảnh, chị có sự quyết tâm đó từ đâu?
- Tôi nghĩ, trong cuộc đời luôn có cơ duyên. Khi tôi đã thích cái gì rồi thì tôi sẽ nỗ lực để làm việc đó. Tôi cứ nghĩ từng bước một mình sẽ làm được thôi.
Do nhu cầu sử dụng hình ảnh cho bài viết của mình, không phải xin ảnh của ai và chủ động bài vở nên tôi quyết chụp ảnh bằng được. Đó cũng là một cách thể hiện cái tôi, thể hiện cảm xúc của mình trước sự kiện và con người đó. Tôi thích nhiếp ảnh từ lúc nào không biết.
Lúc đầu, tôi chỉ sử dụng máy ảnh du lịch để chụp ảnh báo chí. Tôi tự hỏi không biết ảnh có dùng được không? Ảnh lên có đẹp không? Nhưng cứ nhủ cố gắng chụp tốt nhất có thể.
Đã khi nào chị bị chê ảnh chưa, kể cả quãng thời gian chụp bằng máy ảnh du lịch?
- May mắn những người được tôi thực hiển ảnh cho thì 97% đều hài lòng. Nên nhiều khi tôi tự hỏi quen nghe khen rồi không biết một ngày bị chê thì mình có mất cảm hứng không?
Nhưng quá trình gắn bó với nhiếp ảnh đã dạy tôi nhiều bài học hay, tôi hiểu hơn về nhu cầu và gout thẩm mỹ của người khác để nếu khi làm ra sản phẩm chưa đúng ý thì sẽ sửa và khắc phục đến khi nhận được sự hài lòng.
Những người nhiếp ảnh luôn có cái tôi của mình rất lớn, đôi khi họ sẽ rơi vào trường hợp quan điểm cái đẹp giữa mình và nhân vật khác nhau. Những lúc đó, chị đã dung hoà thế nào?
- Với những người nhiếp ảnh thì chất nghệ sĩ luôn tồn lại trong con người họ. Trước đây tôi cũng đã từng nghĩ có khi mình sẽ từ chối nếu ý tưởng yêu cầu thực hiện khác quan điểm của mình. Nhưng càng ngày càng cọ xát, tôi biết cách điều chỉnh để vừa làm thoả mãn cảm xúc của bản thân mình lại vừa mang lại sản phẩm ưng ý.
Quay trở lại với vai trò mẹ Mầm, chị dành thời gian như thế nào cho con?
- Tôi nghĩ, việc dành thời gian cho con cái là điều cần thiết với bất kỳ ông bố bà mẹ nào. Hiện tại, tôi không có nhiều thời gian dành cho con. Nhưng cố gắng dành cho con nhiều nhất có thể. Tôi quan điểm, thời gian cho con nếu không được nhiều thì phải chất lượng.
Chất lượng như thế nào?
- Con có thể cùng tôi đi tác nghiệp để hai mẹ con có thể nhìn thấy nhau, con cũng biết được công việc tôi làm. Tôi cũng tranh thủ đưa con đi theo trong những đợt đi chụp xa nếu được.
Tôi dành thời gian cùng con đọc sách, cùng chơi, cùng vẽ, nói chuyện với nhau mỗi ngày. Tôi sẽ bị dằn vặt nếu vì sự bận rộn của bố mẹ mà còn phải làm bạn với các thiết bị điện tử.
Mỗi ngày của tôi bắt đầu từ việc đưa con đi học, kết thúc bằng những sự chăm sóc cá nhân, đọc truyện cho con trước khi đi ngủ. Đợt sinh nhật con vừa rồi, tôi đưa con đi chơi 5 ngày và để con tự trải nghiệm mọi điều xung quanh.
Tiếp xúc với nhiều bà mẹ và em nhỏ, sự nhìn nhận và cách dạy dỗ con cái của chị thay đổi như thế nào?
- Tôi luôn coi đó là những cơ hội học hỏi. Mỗi phương pháp, quan điểm giáo dục đều có những ưu, nhược, quan trọng là mình chọn lựa cách thức phù hợp với mình và với con.
Tôi tâm niệm muốn dạy con trở thành người độc lập, tự lập và biết chịu trách nhiệm với bản thân, còn lại sẽ phát triển thiên hướng tốt con có và ủng hộ lựa chọn của con.
Bố mẹ nên là người đồng hành tích cực và hơn hết là khiến con hiểu được tình yêu của mình dành cho con.
Đôi khi tâm lý người mẹ không tránh khỏi sự so sánh ‘con nhà người ta’ nhưng tôi luôn dặn lòng điểm tốt, xấu của con đều sẽ được ghi nhận để phát triển hoặc khắc phục, không phải trở thành bản sao hay đạt tới sự hoàn hảo nào đó.
Mỗi sự việc diễn ra, tôi đều cố gắng đặt nhiều câu hỏi và đưa ra gợi ý cho con nhiều nhất có thể. Sau mỗi sự việc đó thì cần phải khái quát thành một bài học đơn giản để con hiểu được.
Bé Mầm chắc hẳn là người xuất hiện nhiều nhất trong cuốn nhật ký chụp hình của chị?
- Trước đây khi còn trong bụng thì có, chứ bây giờ cầm máy lên chụp là Mầm bảo: ‘Mẹ đừng chụp ảnh, con không chụp ảnh đâu, mẹ đi chụp các bạn khác đi’.
Tụi nhóc tuổi lên 3 có những cơn khủng khoảng và những ‘đặc tính’ rất thử thách bản lĩnh và sự kiên nhẫn của bố mẹ.
Mong muốn lớn nhất của chị trong những năm tuổi 30 là gì?
- Những năm tuổi 30, tôi muốn gây dựng studio của mình phát triển hơn và theo đuổi các dự án một cách trọn vẹn.
Tôi hy vọng, trong tương lai tôi sẽ có một êkip chung chí hướng để thực hiện các dự án có ý nghĩa cho cộng đồng một cách chuyên nghiệp hơn nữa.
Thử thách tuổi 30 của tôi là luyện rèn bản lĩnh để nuôi dạy con, con cần sự quan tâm và đồng hành của mẹ trong hành trình khám phá thế giới.
Học cách cân bằng cảm xúc, công việc của bản thân cũng là một bài học khó, tôi nghĩ đều cần sự nhẫn nại và chiến thuật để thành công.