Tôi thích ví von phố cổ Hội An như một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, hiền lành, nhẹ nhàng, thùy mị. Cô gái ấy tuy không quá mỹ miều về nhan sắc nhưng lại đủ sức mê hoặc du khách bởi nét duyên thầm lặng của mình.
Cách đây nhiều năm, để trau dồi vốn liếng ngoại ngữ và thỏa mãn sở thích đi du lịch, tôi xin làm hướng dẫn viên cho một công ty du lịch. Trong nhiều năm làm hướng dẫn viên, có nhiều chuyện vui có buồn có nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất vẫn là những câu chuyện liên quan đến phố cổ Hội An. Và đến hôm nay, sẽ là thiếu sót nếu tôi không một lần viết về “Nàng”.
Tôi thích ví von phố cổ Hội An như một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, hiền lành, nhẹ nhàng, thùy mị. Cô gái ấy tuy không quá mỹ miều về nhan sắc nhưng lại đủ sức mê hoặc du khách bởi nét duyên thầm lặng của mình.
Và tôi gọi tên em là “Nàng”!
Dù trải qua bao thăm trầm của lịch sử, của thời gian, Hội An vẫn biết cách dung hòa với cuộc sống hiện đại một cách tinh tế, tự nhiên mà không đánh mất đi nét duyên xưa. Tôi gọi đó là “chất” hay là “bản lĩnh Hội An”.
Tôi thường tự hào nói với các đoàn du khách mà mình hướng dẫn rằng, dù thi thoảng họ cũng gặp phải những chuyện chưa hài lòng ở đây, nhưng về sâu xa Hội An vẫn là điểm sáng du lịch đầy bản sắc. Chẳng phải ngẫu nhiên thời chúa Nguyễn nơi đây đã được tổ chức cai quản như một đặc khu với các thương gia Nhật Bản, người Hoa. Chẳng phải ngẫu nhiên mà thời Pháp thuộc, Hội An là trung tâm văn hóa của Quảng Nam. Chẳng phải ngẫu hứng mà Hội An được chọn là nơi đón tiếp hàng trăm thương gia đến từ phương Tây. Và cũng chẳng phải tự nhiên mà cả triệu người Nhật lại chọn Hội An là điểm đến đầu tiên tại Việt Nam.
Bất cứ du khách nào đến đây đều thích thú ngắm nghía những mái nhà cổ rêu phong với hơn 1000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc… Những ngôi nhà nho nhỏ, không kiêu sa, không sang trọng, không lộng lẫy, vời vợi mà thương, mà gần, mà yêu đến thế!
Những món ăn truyền thống nơi đây như Cao Lầu, Mỳ Quảng, Cơm Gà... không phải món nào bạn cũng thích nhưng chắc chắn sẽ thấy thú vị khi được trải nghiệm dư vị chua chua, cay cay, mặn mặn đặc trưng. Tiếng cười nói râm ran trong lúc thử món ăn luôn làm không khí thêm phần vui vẻ. Thi thoảng có nhăn mặt chút xíu do vị lạ nhưng là sự thích thú, chứ không phải là khó chịu.
Đến chiều tối, sắc màu đèn lồng giúp Hội An thêm phần lung linh hơn. Ở nhiều nơi trên thế giới cũng có phố trang trí đèn lồng, nhưng cái khác ở chỗ đèn lồng Hội An rất… khiêm tốn. Không khổng lồ đầy khoe khoang như đèn lồng ở Trung Quốc, không rực một màu đỏ quạch như phố xưa ở Nhật, đèn lồng Hội An khiêm tốn ở cả kích thước, màu sắc và vị trí đặt. Những chiếc đèn nho nhỏ, xinh xinh, màu sắc dung hòa giữa màu vàng, đỏ nhạt và xanh nhẹ dăng dăng nơi bậc cửa, lối ngõ, bờ tường, mái ngói xám sương. Một khung cảnh lung linh, dung dị, gần gũi, níu chân bất cứ ai ngang qua.
Chùa Cầu thì ấn tượng khỏi nói. Đại diện cho biểu tượng phố cổ Hội An chính là ngôi miếu thờ Huyền Thiên Đại Đế, nằm trên cây cầu bắc ngang qua con lạch nhỏ hướng ra Sông Hoài. Mái chùa với khóm ngói âm dương rủ kín, 3 chữ Hán (Lai Viễn Kiều) chạm nổi ở cửa chính huyền bí đến mê hoặc. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến trúc Việt, Hoa, Nhật và cả phương Tây làm tôi thường phải mỏi chân chờ các đoàn du khách đứng ngắm nghía, tấm tắc, chụp choẹt mãi, bàn tán mãi chẳng chịu đi tiếp. Dám chắc sẽ không có ai đến Hội An mà muốn bỏ lỡ địa điểm này!
Bức tường “quyền lực”, “thần thánh” trên đường Hoàng Văn Thụ được nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia rỉ tai nhau về sự cuốn hút trầm mặc. Vẻ rêu phong năm tháng, vẻ cổ kính trường tồn từng đốn tim các họa sỹ nổi tiếng nhất Việt Nam. Người ta đến đây để chiêm nghiệm, để nhìn ngắm, để đắm mình vào trí tưởng tượng mà tâm hồn họa sỹ vốn rất phong phú, càng thêm bay bổng. Không ít đoàn nghệ sỹ quốc tế khi đến đây cứ chạm vào tường, xoay xoay máy ảnh, chỉnh đốn máy quay là đủ hiểu có “sức nặng” ra sao rồi.
Sự cũ kỹ có phần đổ nát, những loang lổ, những phong rêu, tầng tầng, lớp lớp, sâu sâu, thăm thẳm, yêu kiều, thêm chút ánh sáng mê hoặc vào những đêm rằm sẽ tạo nên một phông nền xuyên biên giới cho tâm hồn nghệ sỹ. Phải chăng đó chính là cái duyên nơi đây?
Sông Hoài tô điểm thêm vẻ đẹp bình yên của phố cổ. Tuyến đường dọc bên bờ sông luôn thu hút lượng khách dạo chơi. Lãng mạn, thơ mộng đến nao lòng là hình ảnh hoa đăng trên nền trời êm ả. Khoảnh khắc ngồi trên thuyền ngắm cảnh sông nước, nghe người chèo thuyền kể câu chuyện cũ, mọi buồn chán sẽ theo đó mà âm thầm rời xa. Nét hấp dẫn của Sông Hoài còn nằm ở chuỗi nhà dọc hai bên tấp nập. Những hàng quán, những mẹt hàng xinh xinh, những nụ cười khúc khích, những kẻ bán người mua… thì bấy nhiêu thôi cũng làm gì còn chỗ cho sự buồn chán.
Để giữ cho Hội An sạch sẽ như hiện nay không phải là điều đơn giản. Cực nhất là những đợt lũ lụt, rác từ đầu nguồn và từ trên bờ ồ ạt tràn xuống sông, tràn cả lên cầu khiến việc thu gom khó khăn hơn nhiều.Tổ công tác thu gom rác ven sông nhiều khi phải oằn mình dọn dẹp.
Nơi làm cho người ta nhớ nhiều về nơi đây, còn là các con hẻm giữa ngôi nhà, giữa lối đi. Độ sâu hun hút, độ hẹp gang tay, mà lại mênh mang hoài niệm, róc rách đến miên man. Hẻm chứa đựng bao chuyện đời, chuyện người.
Hẻm là nhân chứng lắng nghe tiếng thở than, tiếng cười, tiếng khóc, tiếng vọng mỗi khi đêm về. Hẻm là một phần hồn không thể thiếu nơi đây. Có nhiều người bạn sau khi tiễn biệt, họ viết thư cho tôi, nói cảm nhận về Hẻm – là nơi gieo nỗi nhớ, niềm thương còn lưu lại với những bức hình đáng yêu. Hẻm mang nét bình yên, ăn ý với nhịp sống chậm cho những ai thích hoài cổ. Hẻm còn là nơi mưu sinh của nhiều phận đời bôn ba. Đâu đó hình ảnh của những con người có hình hài nhỏ bé, còm cõi, xương xương với mẹt chuối, rổ tò he, tiếng rao nhỏ nhẹ mà nao nao nhớ.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những giàn hoa, giỏ hoa xinh xắn trong khu phố cổ. Giản dị đến thương hoài, thương mãi khóm hoa giấy, tóc tiên… xõa lá, hoa rủ trên hiên nhà. Có ngôi nhà ngập tràn hoa như tấm thảm thiên nhiên làm bừng sáng phong rêu. Hoa khắp nơi như một sự nhắc nhở người ta rằng, dẫu ở bất kỳ thời đại nào, hoa vẫn xứng đáng là nữ hoàng trang trí, làm sống động không gian trầm mặc, không gian xưa cũ nhưng không hề bị lãng quên.
Thế nhưng trên tất cả, điều mà tôi nhớ nhất, đó là tình người Hội An. Con người nơi đây rất đỗi nhân văn. Có lần, tôi đưa đoàn du khách Nhật thăm quan tại đây. Mọi người đang say sưa ngắm nhìn thì bất chợt cơn mưa như trút đổ ập xuống. Đoàn không kịp chạy ra xe, cũng chẳng kịp chạy vào nơi trú nào ở đó. Nhanh như cắt, có mấy cô gái ở cửa hàng gần đó thấy thế vội mang mấy chiếc ô to đến đưa cho đoàn, đoạn nói: “Trời mưa to lắm. Chúng em đưa mọi người ra xe. Mấy chị lớn tuổi gặp mưa sẽ dễ ốm lắm”. Thế là cả đoàn mừng rỡ, đi nhờ ô của các cô gái ra xe an toàn. Các cô gái đó tươi cười chào họ, còn chúc cho chuyến đi tốt đẹp.
Một lần khác, có đoàn Bỉ trong lúc đang cười nói thì bị say nắng, toát mồ hôi đầm đìa, có dấu hiệu nguy hiểm. Cả đoàn sợ quá chưa biết xử trí ra sao thì một ông già đứng bên đường hấp hả chạy về lấy ngay lọ dầu, cốc nước giải nhiệt, viên hồi sức và mời vào nhà nghỉ ngơi. Ông cụ bảo cứ tự nhiên, khi nào đỡ thì hãy đi.
Vài lần nữa, có cô gái trong đoàn chưa kịp chuẩn bị cho ngày “đèn đỏ” đang thất thần hỏi tìm chỗ nào gần nhất bán thứ mình cần, thì có ngay một chị trung niên nhà đối diện đoàn đang đứng đoán được ý đã nhanh nhẹn rút một bọc trong túi ra đưa tặng luôn, còn cho dùng nhờ nhà vệ sinh nữa. Những điều nhỏ nhoi ấy làm tôi và cả du khách không bao giờ quên. Đâu cần gì phải to tát mà làm nhung nhớ mãi …
Hôm nay, tôi không còn là hướng dẫn viên du lịch nữa mà đang có chuyến công tác đưa mấy bạn đối tác nước ngoài đến Đà Nẵng, ghé qua Hội An chơi. Hạnh phúc khôn lường khi biết họ đã từng ở đây cách đây 10 năm. Họ nhận xét “nơi này vẫn hấp dẫn tôi như hồi đến lần đầu”.
Họ nói, dù Hội An đang phát triển mạnh về du lịch, nhưng không như những nơi du lịch đang mất dần đi các cảnh quan thiên nhiên, Hội An vẫn còn nhiều cảnh thanh bình với ruộng lúa, sông ngòi, núi non, bãi biển. “Cuộc sống ở phố cổ Hội An cực kỳ dễ thương. Ngồi dưới bóng cây nhâm nhi chút đồ uống lạnh, mắt hờ hững ra dòng sông nhưng không thể hờ hững với tâm hồn đang hưởng thụ từng khoảnh khắc. Thật có phước khi được quay lại”. Họ cứ xuýt xoa ngắm những ô cửa, mãi ngói, nhành hoa. Đứng đó, nhìn, ngắm, chẳng cần nói gì, chẳng cần hỏi gì, chẳng cần cầu kỳ, chỉ cảm nhận, thẩm thấu, truyền vào cõi lòng sâu lắng.
Nói về phố cổ Hội An, tôi dường như bất lực bởi sự hạn hẹp từ vựng để mô tả về “Nàng”. Chỉ biết rằng “Nàng” quá đỗi thân thương. Mỗi lần đến đây tôi như được tiếp thêm năng lượng để yêu đời, yêu người, yêu cống hiến cho đời chút năng lực hèn mọn trong tôi!
Đến Hội An, người ta phải khiêm nhường lắng nghe, từ tốn cảm nhận mới thấy được cái hồn, cái đẹp. Nhưng mà, cái đẹp bao giờ cũng mong manh, dễ bị tổn thương. Chỉ cần một chút can thiệp thô bạo là có thể làm cho đau. Những bê tông, những hoành tráng… đều trở nên thảm hại. Tôi cũng như bạn bè trong nước và quốc tế, sẽ đau lòng biết bao nếu làm "Nàng” phải nức nở vì bị đối xử thô bạo?
Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.
Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.
Email: noitoisong2018@gmail.com
Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899
Fanpage: https://www.facebook.com/NoiToiSongPage/
Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.