Khi hỏi thăm nhau: 'Bạn giờ sống ở đâu?', mọi người thường mặc định trong đầu đó là căn hộ riêng, chung cư... Ít ai để ý rằng, có một loại hình nhà ở khác rất đặc trưng mà dường như chỉ lực lượng vũ trang mới có và nó đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn, đó là nhà ở công vụ...!
Khu nhà "trong mơ"!
Do đặc thù công tác, tôi được đến thăm khá nhiều các khu nhà ở công vụ dành cho quân nhân của các cơ quan, đơn vị.
Tùy từng điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị, các khu nhà công vụ có diện tích, thiết kế, lượng người ở khác nhau.
Nhà ở công vụ dành cho quân nhân hiện nay có đặc thù khác với những căn hộ tập thể được cấp hẳn cho các quân nhân đủ tiêu chuẩn, hoặc những căn hộ được xây để cho gia đình quân nhân mượn, sử dụng khi công tác.
Đây là khu nhà ở được xây dựng trên phần đất của đơn vị, sau đó cho các quân nhân thuê để ở, khi nghỉ hưu sẽ phải trả lại.
Nhà ở công vụ vừa được đưa vào sử dụng của Bộ Tổng Tham mưu tại Trâu Quỳ (Gia Lâm- Hà Nội).
Hầu hết các dự án nhà ở công vụ hiện nay đều được xây dựng bằng nguồn vốn quốc phòng. Tùy vào điều kiện cụ thể của đơn vị mà quy mô các dự án cũng khác nhau.
Nhiều đơn vị xây nhà 2 tầng, có các đơn nguyên tách biệt. Nhà ở công vụ khối cơ quan thường xây cao tầng, dạng như khu chung cư hiện đại.
Tất cả các khu nhà ở công vụ mà tôi từng đến thăm đều được xây dựng biệt lập, có tường bao quanh, cổng đi riêng.
Trong khu nhà ở đó, cơ quan, đơn vị chủ đầu tư đều tổ chức ra ban quản lý hoặc tổ thường trực, để quản lý, duy trì vận hành, xử lý tất cả các vấn đề phát sinh liên quan đến khu dân cư.
Nhiều khu nhà ở, các hộ cũng cử ra tổ tự quản, phối hợp với ban quản lý để duy trì nền nếp sinh hoạt, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho khu nhà.
Mặc dù các dự án nhà ở công vụ liên tục được triển khai, song vẫn chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của quân nhân tại ngũ.
Để bảo đảm khách quan, các cơ quan, đơn vị đều tổ chức quy trình xét duyệt chặt chẽ, theo thứ tự ưu tiên: đối tượng chính sách, thâm niên công tác, quân hàm, cả hai vợ chồng đều là quân nhân, thành tích công tác...
Tiêu chí xét duyệt, cách tính điểm, giá thuê được thực hiện theo Thông tư 68/2017/TT-BQP của Bộ Quốc phòng.
Bình quân, giá thuê phòng khoảng 10.000đ/m2, tiền điện, nước được tính trực tiếp với đơn vị cung cấp theo giá dịch vụ.
Chính vì giá thuê rẻ, điều kiện ăn ở, sinh hoạt lại khang trang, sạch sẽ, văn minh, thời gian ổn định, lâu dài, an ninh bảo đảm, môi trường sống thân thiện, gần gũi, do đều là gia đình quân nhân, nên đối với các hộ, nhất là đối tượng trẻ, kinh tế còn khó khăn, đang nuôi con nhỏ, nhà ở công vụ chính là "khu nhà trong mơ" của họ.
Niềm vui trong những ngôi nhà
Đến thăm mô hình nhà ở công vụ của Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật), chúng tôi khá ngạc nhiên khi bắt gặp những dãy nhà khang trang, bố trí khoa học, hợp lý, phía trước có khoảng sân rộng để chơi thể thao; trước hành lang có bồn hoa, cây cảnh.
Phía sau từng hộ, đơn vị còn "tặng thêm" khoảng đất rộng chừng 10m2 để trồng rau xanh. Thiếu tá Bùi Duy Bằng, Trưởng ban quản lý khu nhà cho biết: Bình quân, tiền thuê nhà mỗi tháng của các hộ dao động khoảng 400.000-500.000đ.
Cộng cả tiền điện, nước, các loại phí khác, mỗi gia đình một tháng chi phí khoảng 900.000-1.000.000đ, chỉ bằng một nửa so với thuê bên ngoài, trong khi điều kiện đi lại, sinh hoạt, an ninh, trật tự bảo đảm tốt hơn.
Lãnh đạo Trường Trung cấp kỹ thuật Quân khí đến thăm gia đình quân nhân sinh sống tại Nhà ở công vụ của Trường.
Bước vào khu nhà ở công vụ của Xưởng X260 (Cục Quân khí), từ xa, chúng tôi đã được nghe những tiếng cười nói râm ran của trẻ thơ.
Trước đây, Xưởng chỉ có dãy nhà cấp 4 đã trên 30 năm sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng, được giao cho 14 hộ gia đình sử dụng.
Năm 2015, cấp trên đầu tư cho Xưởng xây dựng khu nhà ở công vụ với 20 căn hộ, gồm 2 đơn nguyên nối với nhau, trong đó có 12 căn hộ loại 52m2 và 8 căn hộ loại 57m2.
Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Tuệ, hiện đang là tổ trưởng sản xuất, Phân xưởng May trang cụ, phấn khởi mời chúng tôi vào nhà.
Vợ anh, chị Bùi Thị Sáu là lao động hợp đồng, cùng tổ sản xuất với chồng. Căn phòng còn thơm mùi sơn mới được anh chị đầu tư thêm hàng chục triệu đồng mua sắm đồ đạc, vật dụng cần thiết cho sinh hoạt gia đình, như: bàn, ghế, tủ bếp, kệ ti vi, rèm cửa cao cấp...
Chị Sáu kể: "Trước đây phải thuê ở ngoài, mua sắm đồ dùng đều phải tính toán kỹ lưỡng, sinh hoạt cá nhân cũng nhiều bất cập, nay được thuê nhà ở công vụ, vợ chồng tôi yên tâm lắm".
Không chỉ vợ chồng anh Tuệ, chị Sáu, mà các hộ sinh sống ở đây đều rất phấn khởi, coi khu nhà ở công vụ như là gia đình mình.
Mọi người luôn nhắc nhở, động viên nhau chấp hành nghiêm các nội quy của khu nhà, tự giác giữ gìn trật tự, vệ sinh, trang trí thêm cho cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Để bảo đảm an ninh, vừa qua, các hộ đã góp tiền để lắp camera theo dõi toàn bộ không gian bên ngoài khu nhà.
Anh Tuệ chia sẻ: "Khu chúng tôi dù chỉ có 20 hộ nhưng cũng thành lập Ban quản trị, bầu ra trưởng ban phụ trách chung, và 4 ủy viên phụ trách vệ sinh, an ninh, điện nước, phòng cháy chữa cháy.
Các hộ có người nhà lên chơi đều phải đăng ký với Ban quản trị để ghi sổ theo dõi. Anh em ở đây rất đoàn kết, từ khi về đây ở, cả khu chưa xảy ra mâu thuẫn nội bộ hoặc mất trật tự bị phê bình, nhắc nhở".
Chăm sóc vườn rau sạch được "tặng kèm" trong khu nhà ở công vụ
Ở thôn An Đào, thị trấn Trâu Quỳ, giữa những vườm ươm cây giống mơn mởn xanh tươi người ta vừa thấy mọc lên khu nhà 11 tầng kiên cố, vững chãi.
Đó là khu nhà ở công vụ của Bộ Tổng Tham mưu, được xây trên phần đất của Lữ đoàn 84 (Cục Tác chiến Điện tử). Khu nhà có diện tích 4.020m2, gồm 11 tầng (1 tầng để xe), mỗi tầng có 17 căn hộ, trong đó 2 căn hộ có diện tích 70m2, còn lại là các căn hộ diện tích 52m2.
Cả 2 loại phòng đều được thiết kế 2 phòng ngủ, 1 phòng bếp, 1 phòng khách, 1 phòng vệ sinh khép kín, nội thất tương đối đầy đủ. Các gia đình chuyển đến chỉ cần mua sắm thêm một số vật dụng khác như tủ quần áo, giường, ti vi, tủ lạnh... là có thể sinh hoạt bình thường.
Theo quy định của Ban quản lý, chỉ tứ thân phụ mẫu, vợ (chồng) và các con được ở cùng; tuyệt đối không cho mượn hoặc cho thuê phòng. Các hộ không sử dụng bếp ga để đun, nấu, khi đi vắng lâu ngày phải cắt cầu dao điện, báo cho Ban quản lý nắm được. Ngoài tiền thuê phòng, các hộ đóng thêm tiền gửi xe với mức: ô tô: 300.000đ/tháng/xe, xe máy: 60.000đ/tháng/xe; xe đạp: 30.000đ/tháng/xe.
Thiếu tá chuyên nghiệp Lê Văn Duẩn, Trợ lý Doanh trại (Phòng Hậu cần Lữ đoàn 84), nhân viên Ban Quản lý, đồng thời cũng là hộ sinh sống tại đây cho biết:
"Trước đây, anh phải thuê nhà cách đơn vị gần 2km, với giá gần 2 triệu đồng/tháng; cộng cả tiền điện, nước, mỗi tháng hết khoảng 3 triệu đồng.
Ở đây vừa rẻ, khang trang, sạch sẽ, điều kiện an ninh trật tự lại tốt hơn so với bên ngoài. Các gia đình đều là quân nhân nên mọi người gần gũi, dễ dàng chia sẻ, giúp đỡ nhau hơn. Khi đi công tác, về muộn, mọi người có thể gọi điện nhờ hàng xóm đón con giúp, rất thuận tiện”.
Đang trò chuyện với anh Duẩn, bà Vũ Thị Hồng, 55 tuổi, vợ mẹ Trung úy chuyên nghiệp Lại Công Đức (Cục Đối ngoại) vào góp chuyện. Bà phấn khởi kể: "Tôi quê ở Tiền Hải (Thái Bình), lên ở cùng con cháu đã lâu.
Trước đây, cả nhà phải thuê trọ tại Tư Đình, cách đây gần 10km. Khu nhà trọ chật chội, lại gần trang trại chăn nuôi nên môi trường bị ô nhiễm nặng, khiến sức khỏe của các cháu bị ảnh hưởng.
Khi chuyển sang đây, tôi rất mừng. Được ở trong khu nhà mới khang trang, kiên cố, sạch sẽ, có đầy đủ đồ đạc, thiết bị, cả nhà ai cũng phấn khởi.
Sắp tới, trường mầm non ở đây được mở ra, hai cháu được gửi luôn tại tòa nhà này, rất thuận tiện cho cả gia đình. Trước đây, tôi có mơ cũng không dám nghĩ con mình sẽ được ở trong ngôi nhà thế này”!
Nhà ở công vụ, loại hình nhà ở dường như chỉ những quân nhân tại ngũ mới hiểu và gắn bó mật thiết với nó.
Dù ít người biết đến, nhưng nó vẫn đang ngày mọc lên nhiều hơn và là nơi an cư của hàng chục nghìn quân nhân tại ngũ. Nơi ấy, chứa đầy niềm vui, lạc quan, ấm áp tình đồng chí, đồng đội.
Và còn điều đặc biệt hơn, đó là, những người lính khi được ở trong những ngôi nhà ấy, dù vẫn phải mất tiền thuê, nhưng họ đều phấn khởi, thêm yêu mến đơn vị, yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó!
Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.
Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.
Email: noitoisong2018@gmail.com
Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899
Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.