Những ước mơ không lãng mạn ở xóm trọ 15.000 đồng

Bên hành lang bệnh viện, sự nghèo khó ở những vùng quê khiến họ bỡ ngỡ, hoang mang, đôi khi phải đầu hàng trước những con số viện phí phải chi trả. Họ không ước ao những điều lãng mạn, bay bổng mà chỉ mon

 

Vai đeo balo, tay cầm túi cơm, anh Duy Quyết (quê Hải Phòng) dắt đứa con đội chiếc mũ hồng che cái đầu trọc lốc, đi về phía có mấy biển hiệu ghi: Nhà trọ anh Hiệp, buồng chung, 15.000 đồng/người/ngày đêm. Xóm trọ ông Hiệp “khùng” này đã trở thành chỗ nghỉ của nhiều gia đình có con đi viện.

Góp gạo thổi cơm chung 

“Đây là măng Phú Thọ, bí Bắc Giang, bên kia là dưa muối Nghệ An… mấy hôm trước còn có cua Thanh Hoá nữa”, ai cũng cười lớn sau khi anh Ngọc Khánh (quê Phú Thọ) giới thiệu bữa ăn đậm chất quê hương tới toàn thể mọi người.

Căn phòng trọ chung rộng khoảng 20m2 với 2 tầng, tầng 1 dành cho chị em phụ nữ và người có con nhỏ, tầng 2 thường là những người đàn ông khoẻ mạnh ở. Rộng chừng đó nhưng căn phòng lúc nào cũng có khoảng hơn 10 người cả lớn cả nhỏ sinh hoạt cùng nhau.

Tầng 2 phòng trọ chung được chia ngăn nhỏ cho sự nghỉ ngơi. 

Tuy bé nhưng căn phòng được chia khu rành mạch: nấu ăn, vệ sinh, ngủ. Các vật dụng trong phòng được sắp xếp ngăn nắp với 3 giá để dép nhiều tầng, giá để đồ được treo lên cao.

Bữa cơm được dọn ra cũng là lúc gối, chăn, màn được xếp gọn gàng ở 1 góc chỗ ngủ.  

Một lúc sau, 2 bố con anh Quyết mở cửa bước vào phòng chung. Điều hoà trong phòng ở mức 27 độ C giúp anh và bé Nhi nhanh chóng ráo mồ hôi.

Khu vực nấu nướng và nhà vệ sinh của phòng trọ chung được ngăn cách rõ ràng. 

Thở phào khi tìm đúng địa chỉ nhà trọ ông Hiệp “khùng”, anh Quyết vừa quay sang lau mặt cho con vừa tếu táo, bảo 2 bố con ăn cơm ở quán xong vào nhà trọ mà bé Nhi nhà anh cứ nằng nặc đòi “con ăn cơm ở nhà ông Hiệp cơ", thế là anh bảo họ gói vào hộp mang về.

Ngồi quây quần trên những tấm phản ghép lại thành một chỗ ngủ dài, ai nấy đều vui vẻ trò chuyện với nhau trong bữa cơm. Họ kể về hoàn cảnh gia đình, căn bệnh của từng đứa con và hàng loạt những vấn đề chung được đưa ra thảo luận.

Tạm quên đi lắng lo chạy chữa bệnh cho con, những người đàn ông vẫn cụng ly và tấm tắc khen rượu ở Phú Thọ ngon thật. Hoà cùng đó là âm thanh phát ra từ chiếc tivi nhỏ phía đối diện.

 "Cháu nó cứ đòi phải về nhà ông Hiệp mới chịu ăn"

“Gia tài của anh chẳng có gì ngoài đứa con gái, chút tiền mặt ít ỏi, cái xe lăn và cái hòm tôn”, anh Ngọc Khánh chỉ từng đồ dùng vừa góp vui câu chuyện trong bữa cơm. 29 tháng cùng con chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo là bấy nhiêu ngày anh ăn, ở tại đây.

Ròng rã bấy nhiêu thời gian mà anh vẫn vui vẻ trò chuyện cùng mọi người xung quanh. “Em tuổi trăng sáng soi đêm rằm”, giọng nói của một người cha nói về đứa con 15 tuổi của mình như muốn gánh thay tất cả những đớn đau của cô con gái có tên Bạch Dương đang phải chạy thận.

Chị Thất (quê Nghệ An) có con trai bị giãn não, nằm viện 16 tháng, chia sẻ, ở đây mọi người thường góp đồ mang từ quê lên ăn chung. Nếu hết thức ăn, bữa nay người này đi chợ thì bữa sau đến lượt người kia. Cứ lần lượt như vậy, 5 nhà chẳng nhà nào ganh tỵ hay so đo với nhà nào.

Bữa ăn ấm áp tình người của những người đến ở phòng trọ tập thể 15.000 đồng. 

Vừa xúc cơm cho Nhi, anh Quyết tâm sự, đây là lần thứ 2 Nhi tới bệnh viện Nhi Trung ương, lần đầu là cuối năm 2016, sau đó, bác sĩ chỉ định chuyển sang bệnh viện 108 rồi quay lại đây. 3 tháng nằm viện 108, Nhi cứ nhớ ông Hiệp dẫn đi chơi ở Cung thiếu Nhi, cháu muốn được nô đùa với ông.

Lần trước, vợ và con anh nghỉ ở phòng riêng chỗ trọ ông Hiệp, nhưng Nhi phải nằm viện lâu quá nên lần quay lại này, anh chọn phòng chung là nơi dừng chân.

Bữa cơm của những người xa lạ tụ họp tại nhà trọ 15.000 đồng như thêm ấm áp nhờ sự sẻ chia cởi mở từ những người chung cảnh ngộ.

Niềm hy vọng của người lớn gieo lên mỗi đứa nhỏ

Một trong những người bố ân cần với con ở xóm trọ. 

“Đáng nhẽ năm nay con lên lớp 5 mà phải nghỉ học. Con nhớ các bạn lắm, nhớ trường nhớ lớp lắm”, bé Nhi phụng phịu khiến anh Quyết phải vội quay đi rồi vỗ về con nhanh khoẻ để về đi học cùng các bạn.

Bên ngoài, người thì loanh quanh trong bếp chung, nấu cơm trưa, người thì ngồi nói chuyện rôm rả hoặc lặng lẽ làm việc riêng ở sân sinh hoạt chung. Họ quen thân nhau đến mức, câu chuyện của người này, người kia nằm lòng và ngược lại.

Mỗi đứa nhỏ bị căn bệnh và mức độ khác nhau nhưng những người bố, người mẹ, người bà lên chăm con, chăm cháu nằm viện đều có chung một mẫu số: mong muốn chúng khoẻ mạnh, lớn lên như những đứa trẻ bình thường thay vì phải sống một tuổi thơ bên bác sĩ, thuốc thang, những mũi tiêm, những lần xạ trị…

Chỗ để tủ lạnh chung được bố trí gần khu bếp tập thể. 

Niềm hân hoan của anh Thế Thanh (quê Thanh Hoá) lên chức bố ở tuổi 47 tuổi chưa được bao lâu thì phát hiện con trai duy nhất bị tim bẩm sinh, vợ anh không còn khả năng sinh sản do đã cắt bỏ tử cung.

Ánh mắt anh luôn nhìn xa xăm khi thông báo với mọi người trong xóm, con anh mổ 1 lần rồi mà chưa khỏi, sau 2 tháng nằm ở bệnh viện Nhi TW, bác sĩ chỉ định cho về bệnh viện tỉnh theo dõi tiếp.

Không chỉ người lớn đi chăm con, cháu nằm viện mà ngay cả những đứa em thơ cũng phải theo bố mẹ vì ở nhà không có ai chăm nom.

Đứa thứ 3 bị bệnh tim bẩm sinh, vợ chồng anh Bùi Văn Diên (dân tộc Mường, Hoà Bình) phải mang thằng con 5 tuổi đi cùng. Ôm đứa nhỏ ngồi trên đùi, anh tâm sự, nhà anh ở trên đồi, gần suối nên nếu để thằng bé ở nhà thì không an tâm, thằng kia nằm viện, thằng này mà bị nước cuốn trôi thì không biết làm thế nào. Trước có 1 lần em suýt bị chết đuối rồi nên anh sợ sự việc sẽ xảy ra tiếp.

 Người đàn ông vội vàng chuẩn bị cho bữa cơm trưa. 

Người vợ đang mang thai cũng phải tất tả ngược xuôi chăm đứa thứ 3, thằng 15 tuổi phải đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Ông Hiệp tìm hiểu kỹ quy trình đăng ký chương trình “Trái tim cho em”, chuẩn bị sẵn hồ sơ và hướng dẫn người ở trọ đăng kí để các con có cơ hội sớm được phẫu thuật tim bẩm sinh. 

Có lần, vợ chồng anh Diên đã bỏ cuộc, xin bác sĩ cho con về quê vì trong người không còn đồng nào cả. Ông Hiệp thấy vậy liền tận tình giúp đỡ, tiếp thêm sức mạnh để 2 vợ chồng cùng con chiến đấu với bệnh tật. “2 vợ chồng cố gắng ở đây, kiên nhẫn đợi các nhà hảo tâm tài trợ chứ bây giờ mà bỏ về là thua cuộc”, ông Hiệp hết lời khuyên răn vợ chồng anh.

Nhớ lại quyết định ở lại tiếp tục chạy chữa cho con, anh Diên không thôi biết ơn ông Hiệp.

Tầng 2 của phòng trọ tập thể 15.000 đồng.  

Nhân bản lòng tin

Cô Phạm Cúc (quê Hà Giang) biết tới xóm trọ ông Hiệp qua báo đài. Lúc đầu, cô không tin, nghĩ chẳng có nơi trọ nào mà lại rẻ, không có chủ nhà trọ nào mà nhiệt tình, tận tâm với khách trọ như vậy. Cho tới khi cô đưa cháu 5 tuổi bị tim bẩm sinh đi viện thì mới ngớ người chuyện khó tin này là có thật.

Với nhiều người, số tiền 15.000 đồng chưa đủ để mua 1 bát phở bữa sáng, nhưng với những người ở xóm trọ ông Hiệp “khùng” thì nó mua cho họ cả 1 ngày, đêm ở trọ trong căn phòng có đầy đủ điều hoà, tivi, wifi… giữa Thủ dô đắt đỏ.

Đang ngồi chơi nói chuyện cùng những người thuê trọ, nghe thấy chị Thanh Hoa (quê Sơn La) nói, thằng bé nhà chị bị hăm nên không đóng được bỉm, quần thay liên tục, chị muốn mượn tủ sấy quần áo, cô Hà – quản lý khu trọ như nhớ ra điều gì, đứng dậy leo lên bậc thang sắt cạnh đó.

Cầu thang dẫn lên sân phơi thoáng trên cao. 

Xóm trọ của ông Hiệp "khùng":

Địa chỉ: Cuối ngõ 879 đường Đê La Thành, Ba Đình, Hà Nội

Tổng số phòng trọ: 42 phòng

Có 2 lựa chọn:

- Phòng tập thể: 15.000 đồng/người/ngày đêm

- Phòng riêng: 80.000 đồng/người/ngày đêm

Mỗi phòng trọ đều có điều hoà, quạt, ti vi, wifi... Bình nước, tủ lạnh dùng cả xóm trọ.

“Mấy hôm nay trời sầm sì, mưa nắng thất thường, trưa nào tôi cũng lên lật quần áo cho nhanh khô, tranh thủ lúc nắng to”, cô Hà vừa nói vừa thoăn thoắt cầm gậy đi từng dây phơi. Cô kể, nếu bất chợt trời mưa mà người trọ không có ai ở nhà thì cô lên gom quần áo cất giúp.

Cuộc sống trong xóm trọ này giúp anh Văn Lâm (quê Văn Giang) biết thêm nhiều điều về xã hội. Từ những câu chuyện mọi người kể với nhau trong xóm trọ, anh thấy thấm thía nhiều điều trong cuộc sống. Anh tin, quanh mình còn có rất nhiều người tốt, đáng để học tập.

Anh Lâm bộc bạch, nhìn đứa con của mình bị hở hàm ếch, anh nhìn sang những đứa bé khác, chúng còn bị những căn bệnh nặng hơn mà bố mẹ chúng vẫn trọn vẹn niềm tin, sự kiên trì để chiến đấu đến cùng thì hà cớ gì anh lại bỏ cuộc?

Nhiều người thường thấy một người đàn ông chạc tuổi 70 đi dọc hành lang bệnh viện Nhi TW "rao bán" lòng tin về khu trọ 15.000 đồng của mình để nhận lại niềm vui khi được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ông Hiệp còn in tất cả các bài báo viết về mình, treo ở khu sinh hoạt chung, ai cũng có thể đọc để biết ông không phải kẻ lừa đảo. 

Không gian trên nóc phòng trọ được tận dụng là nơi phơi quần áo. 

Mỗi lần nhìn thấy tờ giấy ghi dán ngoài cửa từng phòng, nghĩ về con số 15.000 đồng/đêm trọ, đã là một sự động viên to lớn với những người lao động khó khăn. Nhà trọ ông Hiệp “khùng” trở thành nơi nhớ biết bao người nhà bệnh nhân lui tới hay truyền tai nhau.

Dãy nhà trọ của ông Hiệp có tổng cộng 4 khu, với sức chứa khoảng hơn 120 người một lúc. Ngoài điều hòa, ông còn trang bị cho tất cả các phòng ti vi, wifi, truyền hình cáp, nồi cơm điện, quạt, giường ngủ, chăn, gối... Ngoài ra, còn có tủ lạnh, bình nước nóng, lạnh chung, ai muốn dùng cũng được.

Ban đầu, dãy nhà trọ chỉ là căn nhỏ gần 30m2 của gia đình ông. Sau này, một số hàng xóm xung quanh có nhà không ở nên ông đã thuê lại với giá rẻ để mở rộng mô hình nhà trọ, thực hiện mong muốn giúp đỡ được càng nhiều những hoàn cảnh khó khăn càng tốt.

Có lẽ, sinh ra ở nông thôn nên ông Hiệp đã cảm nhận và thấu hiểu được cái khó khăn, nhọc nhằn của những người lao động thôn quê.

Năm 2008, khu trọ được mở rộng ra, hiện xóm trọ có 42 buồng, có 2 buồng của ông. Còn lại 40 buồng đi thuê với giá 30 triệu/tháng.

Ngoài phòng ở tập thể, khu nhà trọ còn có những phòng ở riêng với giá từ 50.000 đồng tới 70.000 đồng dành cho những người có điều kiện hơn và gia đình đông người. Tất cả đều được sử dụng tiện ích bình đẳng như nhau.

Ngoài phòng trọ chung, xóm trọ còn có những phòng riêng cho hộ gia đình ở. 

Nơi đó, có những người phải nhịn ăn nhịn tiêu sống ngày qua ngày trong xóm trọ để dồn tiền chạy chữa cho con, cho cháu. Sự nghèo khó ở những vùng quê khiến họ bỡ ngỡ, hoang mang, đôi khi phải đầu hàng trước những con số viện phí phải chi trả.

Nhưng chính nhà trọ ông Hiệp "khùng" như tiếp thêm sức mạnh giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống, thêm hy vọng vào tương lai.

Có lẽ, họ chưa bao giờ nghĩ tới, giữa Thủ đô đắt đỏ này có 1 nơi trọ đầy đủ đồ dùng phục vụ những sinh hoạt cơ bản, mùa hè bật điều hoà thoải mái… lại chỉ có 15.000 đồng/ đêm luôn rộng lòng với họ.

Chào đón và tạm biệt chúng tôi đều là hình ảnh người nhà bệnh nhân ngồi nói cười vui vẻ, trao đổi thân mật ở sân sinh hoạt chung. Nỗi niềm của những người nhà bệnh nhân nhỏ tuổi đang điều trị ở bệnh viện Nhi Trung ương vẫn tiếp diễn trong con ngõ sâu hun hút đó, giống như những dòng xe cộ ngược xuôi chở những đứa bé tay chằng chịt vết băng vẫn liên tục nối đuôi ngoài kia.  

Những người này, dù có những số phận khác nhau, ở các miền quê khác nhau nhưng đều chung một ước ao không chút lãng mạn, không bay bổng mà chỉ mong một cuộc sống bình yên, không phải đeo đuổi bên hành lang bệnh viện mỗi ngày... 

Kiều Dương - Tú Anh /giadinhmoi.vn