Những tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2

Hà Nội đang tập trung thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Những tác dụng phụ nào có thể gặp phải khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến nay thành phố đã tiêm được tổng 24 đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19, tiêm được gần 7,9 triệu mũi tiêm, đạt tiến độ 95% và ghi nhận 167.206 trường hợp phản ứng thông thường, 182 trường hợp tai biến nặng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là cần thiết để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi nhiễm virus SARS-CoV- 2, đồng thời giảm nguy cơ gặp biến chứng nặng nếu mắc COVID-19 và góp phần tạo miễn dịch cộng đồng.

Nhưng sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, tùy cơ địa từng người và loại vắc xin, mà người được tiêm có thể gặp phải các tác dụng phụ như đau, mẩn đỏ, sưng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, sốt, ớn lạnh, buồn nôn… Thông thường, các tác dụng phụ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 chỉ là tạm thời và sẽ hết sau một vài ngày.

Sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể gặp phải các tác dụng phụ như đau, mẩn đỏ, sưng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau cơ. Ảnh minh họa

Tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca

- Phản ứng phụ thường gặp nhất là tình trạng đau tại vị trí tiêm, sưng tấy đỏ ở vị trí tiêm, đau cả cánh tay bên tiêm và rất khó khăn khi cử động cánh tay này.

- Một số tác dụng phụ toàn thân có thể xảy ra như cơ thể thường xuyên thấy mệt mỏi, khó chịu, đau các khớp, đau cơ, buồn nôn hoặc nôn, có cảm giác ớn lạnh, đau nhức đầu,…

- Sốt: Sau khi tiêm vaccine, nhiều trường hợp cũng có thể bị sốt trên 38,5 độ C.

- Biến chứng huyết khối, giảm tiểu cầu rất hiếm gặp sau tiêm vaccine. Thời gian có thể xảy ra biến chứng là sau tiêm. Một số triệu chứng như đau đầu, đau bụng, đau ngực, có vết bầm tím trên da.

Tác dụng phụ sau tiêm vắc xin Pfize

- Người được tiêm có thể gặp phản ứng như đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại chỗ tiêm. Đây là những phản ứng rất phổ biến, thường có cường độ nhẹ/vừa và khỏi trong vòng một vài ngày sau khi tiêm. Ngoài ra, người tiêm cũng có thể buồn nôn, mẩn đỏ chỗ tiêm... 

- Những phản ứng không phổ biến như: Nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa chỗ tiêm. Hiếm gặp phản ứng liệt mặt ngoại biên cấp tính với người sau tiêm vaccine này.

Tác dụng phụ sau tiêm vắc xin Moderna

Người sau tiêm cũng có thể mệt mỏi, đau đầu, đau cơ hoặc khớp, ớn lạnh, buồn nôn và nôn, sưng dưới cánh tay, sốt. Ngoài ra, cũng có thể có những triệu chứng tại chỗ sau khi tiêm vắc xin Moderna gồm:

- Ngứa tại vị trí tiêm

- Vị trí tiêm đỏ/hoặc đổi màu vùng da quanh chỗ tiêm với các kích thước khác nhau.

- Sưng tấy.

- Đau

- Da vùng tiêm cảm thấy nóng ấm khi chạm vào.

- Xuất hiện các cục u cứng dưới da tại vị trí tiêm.

Các tác dụng không mong muốn thường hay xuất hiện hơn sau mũi tiêm thứ 2. Theo đó, các phản ứng phụ này thường có mức độ từ nhẹ đến trung bình và các triệu chứng thường cải thiện sau khoảng 2 - 3 ngày sau tiêm vắc xin.

Lưu ý về loại vắc xin tiêm phòng COVID-19 mũi thứ 2

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế về hướng dẫn tiêm 2 liều vắc xin phòng COVID-19, những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó.

Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế thì có thể phối hợp hai loại vắc xin khác nhau trong 2 lần tiêm và cần lưu ý như sau:

- Mũi 1 AstraZeneca + Mũi 2 Pfizer/BioNTech

- Mũi 1 AstraZeneca + Mũi 2 không được phép sử dụng Moderna hoặc các vắc xin khác.

- Mũi 1 Sinopharm + Mũi 2 Sinopharm

- Mũi 1 Pfizer + Mũi 2 Pfizer

- Mũi 1 Moderna + Mũi 2 Moderna.

Như vậy, nếu mũi 1 đã tiêm vắc xin Sinopharm, Pfizer, Moderna thì mũi 2 chỉ được phép tiêm cùng loại. Nếu mũi 1 đã tiêm AstraZeneca thì mũi 2 chỉ được tiêm cùng loại hoặc tiêm Pfizer/BioNTech, không được tiêm các loại khác.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan