Là những 'chiến sỹ' tuyến đầu chiến đấu, khống chế đại dịch COVID-19, bước sang năm mới Nhâm Dần, mỗi y bác sĩ có những ước mong khác nhau nhưng có một điểm chung là ai cũng nuôi hy vọng vào một năm mới tươi sáng, bình an.
Năm mới Nhâm Dần đã điểm. Khép lại năm cũ với bao cảm xúc bồi hồi, mỗi y bác sĩ lại dành riêng cho mình khoảng lặng, suy tư về những gì đã diễn ra trong năm 2021 đầy biến động với sự hoành hành của dịch COVID-19.
Hơn 2 triệu người nhiễm bệnh, hàng nghìn người ra đi và đội ngũ y bác sĩ là lực lượng tuyến đầu cùng Chính phủ và toàn dân chiến đấu triền miên để khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Có những đau thương ám ảnh người chiến sỹ áo trắng, có những mệt mỏi sợ hãi và có cả những hân hoan, vui sướng trên mặt trận chống COVID-19 ở khắp các tỉnh, thành.
Đón Tết đến Xuân về, mỗi người chiến sỹ áo trắng lại có những niềm hi vọng, những ước muốn giản dị mà thực tế để mong sao 365 ngày tiếp theo sẽ tươi sáng hơn, bình an hơn năm cũ đã qua.
Ths.BS Đỗ Quốc Phong - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực nội khoa và chống độc BV E: "Mong dịch COVID-19 sẽ dần lui, chúng ta sống chung hòa bình như với 1 bệnh cúm thông thường"
Trong năm 2021, bác sĩ Phong đã có hơn 3 tháng chi viện tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch và mới đây anh là Trưởng đoàn cán bộ bệnh viện E lên đường vào Tây Ninh hỗ trợ ngành y tế nơi đây khống chế dịch COVID-19 lúc đó đang hoành hành.
Trải qua những tháng ngày "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", nỗ lực hết sức cùng đồng đội chiến đấu với tử thần để giành sự sống cho các bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, mong muốn lớn nhất của bác sĩ Phong là "Mong năm mới Nhâm Dần lấy vía ông Cọp, dịch COVID-19 sẽ dần lui, chúng ta sống chung hòa bình với COVID-19 như với 1 bệnh cúm thông thường".
Đồng thời, bác sĩ Phong cũng chia sẻ, khi vào Tây Ninh chống dịch, anh nhận thấy y tế Tây Ninh vẫn còn nhiều thiếu thốn, khó khăn ảnh hưởng tới việc khám, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nói riêng và các người bệnh nói chung. Do đó, bác sĩ Phong mong muốn Chính phủ và Bộ Y tế có sự quan tâm hơn nữa tới y tế các tỉnh, thành, y tế cơ sở về trang thiết bị, thuốc men để điều trị bệnh nhân được tốt hơn.
Bác sĩ Phong cũng mong muốn các nhân viên y tế nói chung và nhân viên chống dịch COVID-19 của các tỉnh, thành được đảm bảo đúng chế độ chính sách, được động viên, ghi nhận để thêm động lực chiến đấu và chiến thắng dịch COVID-19.
Năm 2021 là năm đầy biến động và bất an, cả nước phải đối mặt với sự lây lan của dịch bệnh. Tôi bước chân ra khỏi nhà từ ngày 10 tết năm ngoái, bắt đầu với đợt dịch đầu tiên ở Hải Dương, tiếp đó là Hà Nam, TP.HCM, An Giang...
Dù phải trải qua nhiều giai đoạn và chứng kiến nhiều sự đau thương, điều còn đọng lại với tôi đó là sự tử tế. Những con người từ những nơi xa lạ đã không hẹn mà gặp, cùng chung tay làm việc để góp phần kiểm soát dịch bệnh.
Những ăn từ thiện đỏ lửa với mong muốn các nhân viên y tế có thêm sức khoẻ để làm việc, người bệnh được chăm sóc tốt hơn. Những chuyến xe chở đồ bảo hộ, khẩu trang tấp nập ủng hộ cho các bệnh viện. Dù có nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhưng chúng tôi cảm nhận được sự chia sẻ của những con người tử tế.
Với tôi, điều mong muốn trong năm tới không còn ròng rã những ngày đi chống dịch nữa, mọi người được trở về với cuộc sống thường ngày. Và tất cả mọi người được sống trong bình yên.
Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 còn được gọi với cái tên đặc biệt "Bác sĩ 91". Chia sẻ với PV những ngày đầu tiên của năm mới Nhâm Dần, ông xúc động: "Qua hơn 2 năm chống dịch, trải qua quá nhiều đau thương, mất mát, chúng tôi không thể hình dung được vì sao có thể vượt qua được thời khắc khó khăn đó, cũng không dám mơ mình có được không khí ngày Tết vui như hôm nay. Nhìn thấy nụ cười của anh em, người bệnh giảm, số ca tử vong đếm trên đầu ngón tay, chúng tôi thật sự rất vui.
Vui vì những đóng góp nhỏ bé của mình để mọi người có được cái Tết bình an. Dù có niềm vui đó nhưng vẫn đan xen với bùi ngùi, xót xa đối với những bệnh nhân không qua khỏi".
“Tôi mong ước một năm mới an lành và yên ổn hơn. Việt Nam sẽ khống chế được cơn dịch bệnh. Tôi tin đó là điều mong ước của mọi người. Đất nước sẽ phát triển về kinh tế để đời sống người dân được cải thiện sau cơn đại dịch”.
Dịp Tết của 2 năm trở lại đây sẽ là cái Tết đáng nhớ với đội ngũ y bác sĩ nói riêng và mọi người dân nói chung khi tình hình dịch COVID-19 trên cả nước vẫn đang diễn ra phức tạp. Tôi tin rằng hàng triệu người dân cả nước đón Xuân về cùng chung niềm mong ước một ngày gần nhất, dịch COVID-19 sẽ không còn nữa.
Còn với riêng tôi, khi tiếng pháo hoa báo hiệu năm mới Nhâm Dần đã tới, tôi hi vọng tất cả người bệnh đang điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhanh chóng khỏi bệnh, sớm được trở về đoàn viên bên gia đình. Mỗi một bệnh nhân khỏe lên, mỗi một bệnh nhân khỏi bệnh chính là món quà đầu năm lớn nhất đối với mỗi người bác sĩ nói chung và với tôi nói riêng.
Năm mới, tôi cũng gửi lời chúc An khang, Thịnh vượng đến với mọi người, mọi nhà. Chúc riêng gia đình nhỏ bé của tôi đón Xuân Nhâm Dần hạnh phúc và bình an.
Bác sĩ Ngô Thị Bích Hạnh, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội: "Tôi mong những đám cưới sẽ không còn phải tổ chức online"
Năm qua, đã có quá nhiều những thay đổi bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mọi thứ đều trở nên khó khăn hơn, kể cả việc một người con xa quê muốn về thăm bố mẹ cũng rất khó, thậm chí có nhiều khi không thể.
Tôi chứng kiến những điều chưa từng thấy, đó là những đám cưới rất đặc biệt, đám cưới qua online, qua màn hình máy tính, điện thoại. Cô dâu đi chống dịch ở Sài Gòn, còn chú rể thì ở đầu cầu Hà Nội. Họ chính thức trở thành vợ chồng qua... online vì họ đã hi sinh hạnh phúc riêng tư cho sự bình an của nhân dân trước dịch bệnh nguy hiểm COVID-19.
Năm 2022, tôi mong cuộc sống người dân trở lại bình thường, để mọi người gần gũi nhau hơn, tiếp xúc với nhau không còn phải giữ khoảng cách như bây giờ.
Những đám cưới sẽ không còn phải qua trực tuyến. Và chúng tôi, những người đang công tác trong ngành y tế không còn phải gồng mình chống dịch, không còn phải hy sinh gia đình, hạnh phúc của riêng mình, có thời gian nghỉ ngơi để cống hiến hơn nữa cho ngành y tế.
Chuẩn bị bước sang năm mới 2022, cũng như tất cả cán bộ, nhân viên của bệnh viện và những người làm trong lĩnh vực y tế, tôi mong muốn dịch bệnh được đẩy lùi, mọi người, mọi nhà được quay trở lại cuộc sống sinh hoạt, học tập và làm việc bình thường, bởi trải qua 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, chúng ta mới hiểu và càng thêm trân quý một cuộc sống "bình thường".
Bác sĩ Hiền cũng mong muốn, để sớm trở về được cuộc sống bình thường, mỗi người dân, mỗi bệnh nhân hãy cùng chung tay, cùng nỗ lực chấp hành nghiêm túc các khuyên cáo của ngành Y tế trong việc thực hiện biện pháp phòng dịch COVID-19.
BSCKI Lê Quang Phương, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Hữu Nghị: Dịch qua mau để các y bác sĩ được sum họp cùng gia đình những ngày lễ Tết
Có mặt tại nhiều mặt trận để chống dịch như ở Bắc Giang, sau đó là vào Tiền Giang, ra Hà Nội… với BSCKI Lê Quang Phương đó sẽ là những ngày tháng làm việc không thể quên trong cuộc đời làm nghề y. Có chút lo lắng của những ngày đầu tiên, sự ám ảnh với những bệnh nhân ra đi cô quạnh và cũng có cả niềm vui sướng khi bệnh nhân vượt qua nguy kịch, an toàn xuất viện trở về.
Những vất vả vẫn còn bởi dịch COVID-19 chưa kết thúc, nhưng với bác sĩ Phương, cố gắng 1 chút sẽ cứu được 1 người, vất vả nhiều chút sẽ cứu được nhiều người nên anh luôn vượt qua những mệt nhọc để giành giật sự sống cho các bệnh nhân, góp phần đẩy lùi dịch COVID-19.
Năm mới 2022, tôi mong dịch COVID-19 sớm ổn định để cuộc sống trở lại bình thường, mọi người được gặp gỡ, đoàn tụ với nhau mà không còn phải e ngại dịch bệnh. Các y bác sĩ sẽ bớt căng thẳng, mệt mỏi, được sum họp với gia đình, nhất là trong những dịp lễ tết.