Bởi nhiều ngày nay, BS Hiếu đã không nghỉ ngơi. Chỉ vừa hôm qua, sau chuỗi ngày dài giúp Bình Dương vượt qua đỉnh dịch, khống chế được tỷ lệ tử vong ở mức tối thiểu, ông đã về Hà Nội để tiếp nhận nhiệm vụ Giám đốc BV Dã chiến quy mô 500 giường, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch – được coi là “tuyến cuối” của các bệnh nhân COVID-19 - vừa khai trương tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đây là BV mà anh chia sẻ rằng “thực sự không muốn đón bệnh nhân, không muốn lấp đầy các giường bệnh”.
Sáng nay, giữa ngổn ngang công việc ở BV dã chiến, ông lại chạy lên Bộ Y tế, vẫn trong đôi dép tổ ong và và đồng phục hồi sức, để tham dự một sự kiện quan trọng khác và có ý nghĩa với các bệnh nhân của ông, đó là tiếp nhận cho BV mới 10 chiếc máy thở chức năng cao trong tổng số 34 chiếc máy mà Tập đoàn TH, BAC A BANK và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt trao tặng cho ngành Y tế sáng 1/9.
“Chúng ta phải phân biệt có hai loại máy thở. Một là máy thở không xâm lấn, chỉ phục vụ điều trị cho các bệnh nhân giai đoạn chưa nguy kịch. Hiện loại máy thở này đã được rất nhiều nhà hảo tâm trao tặng.
Còn các máy thở hôm nay chúng tôi nhận từ Tập đoàn TH là máy thở chức năng cao hay có thể gọi là máy thở xâm lấn – khi sử dụng sẽ phải mở khí quản bệnh nhân. Máy thở này dành cho BV tầng 3 - nơi điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Hiện nay chúng ta đang rất thiếu các phương tiện hiện đại như thế này để điều trị người bệnh”, BS Hiếu lý giải.
34 máy thở Elisa 300 mà 3 đơn vị trao tặng các BV là loại máy thở hồi sức cao cấp của hãng Lowenstein Medical (Đức), có nhiều chế độ thở đáp ứng yêu cầu hỗ trợ điều trị các bệnh nhân COVID-19, có thể điều trị cả cho trẻ em. Loại máy thở này có thiết kế nhỏ gọn, sử dụng công nghệ tuabin thế hệ mới, cho phép hoạt động độc lập, phù hợp với các BV dã chiến không có sẵn hệ thống khí trung tâm.
Vị Phó Giáo sư – Tiến sỹ bình dị kể, trong giai đoạn đầu tiên của dịch, đặc biệt tại TP.HCM, tỷ lệ tử vong sau khi phải dùng máy thở chức năng cao/xâm lấn là rất cao. “Trên thế giới cũng vậy thôi, trước đây tỷ lệ tử vong của bệnh nhân sau khi phải dùng máy thở xâm lấn tại Mỹ, có thể cũng từ 50-70%”.
Nhưng hiện nay với sự hiểu biết hơn về virus này, cộng với các trang thiết bị và các loại thuốc mới, thuốc tốt được đưa vào sử dụng, thì tỷ lệ tử vong đã giảm. Ở Bình Dương, BS Hiếu và các đồng nghiệp tại BV Đại học Y đã giữ được tỷ lệ tử vong ở mức thấp, khoảng 0,7-0,8%.
Bác sĩ Hiếu nhận định: “Chúng ta có thể tiếp cận được con số giảm này với điều kiện là chúng ta tiếp tục có được nhiều trang thiết bị để điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. Và đó là lý do tại sao những thiết bị hiện đại, đặc biệt là máy thở chức năng cao lại quan trọng như vậy”.
Cũng cùng quan điểm với bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Những chiếc máy thở chức năng cao là niềm hi vọng với bệnh nhân vì chúng ta có thêm thiết bị để cứu sống được bệnh nhân. Chúng tôi và các y bác sĩ mong muốn cứu sống được càng nhiều bệnh nhân càng tốt”.
Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế vẫn đang huy động tổng lực để mua sắm và kêu gọi tất cả các tổ chức, cá nhân, kiều bào ta ở nước ngoài, Chính phủ các nước hỗ trợ máy thở và các trang thiết bị hiện đại.
12 Trung tâm hồi sức tích cực đã được thành lập trong thời gian qua Theo chiến lược của Bộ Y tế. Hiện tại, ngoài BV Dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội của BV Đại học Y với 500 giường vừa hoạt động.
2 BV đầu ngành là Bạch Mai và Việt Đức cũng đang tổ chức các BV dã chiến ở Hà Nội, đồng thời cử lực lượng tăng cường xây dựng, vận hành các Trung tâm hồi sức tích cực tại các BV dã chiến phía Nam (trong đó có BV dã chiến số 13 - quận Bình Chánh và BV dã chiến số 16 - quận 7, TPHCM)…
Giáo sư Nguyễn Lân Hiếu ngoài phụ trách Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID ở Hoàng Mai – Hà Nội còn phụ trách Trung tâm hồi sức ở Bình Dương.
“Thay mặt cho các Trung tâm tiếp nhận những máy thở này, chúng tôi rất cảm ơn chị Thái Hương. Số máy thở hôm nay sẽ về ngay các bệnh viện dã chiến để phục vụ bệnh nhân”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Sự kiện trao nhận, dù được tổ chức rất trang trọng, cũng chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 17 phút, vì ai cũng muốn nhanh chóng để đưa số máy thở đến với các bệnh nhân, tăng thêm niềm hy vọng sống cho người dân trong dịch bệnh và cũng không ai muốn lãng phí thêm phút nào nữa của các bác sĩ đang quên cả sức khỏe của mình để lo cho những bệnh nhân COVID-19.
“Mai anh lại đi Bình Dương”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nói với một người bạn. Vẫn đôi dép tổ ong dùng trong BV và bộ quần áo hồi sức, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu bước nhanh ra xe để về bệnh viên, để lại đằng sau ánh mắt dõi theo của tất cả mọi người– những ánh mắt mang theo 2 chữ KÍNH TRỌNG.