Khóc không ra tiếng, đi khám bé 1 tuổi phát hiện viêm thanh quản

Viêm thanh quản cấp là bệnh lý đường hô hấp gây viêm tại niêm mạc màng nhầy quanh thanh quản. Bệnh có nhiều mức độ, từ nhẹ-vừa-nặng. Ở mức độ nặng trẻ khó thở dữ dội, có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

1. Khàn tiếng, mất tiếng: Dấu hiệu đặc trưng cảnh báo viêm thanh quản

Nhận thấy con có triệu chứng ho, khàn tiếng từ sáng, tuy nhiên, cũng như nhiều phụ huynh khác, chị N.T.H - mẹ bé N.M.A (12 tháng tuổi, Hà Nội), muốn theo dõi thêm xem tình trạng của con có cải thiện hay không. Đến 12 giờ đêm cùng ngày, triệu chứng của bé tăng dần, bé ho từng cơn không dứt kèm theo nôn sau ăn và khóc không ra tiếng. Lúc này, chị H. mới hốt hoảng, cho con tới Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI.

Bé N.M.A phải tới Thu Cúc TCI cấp cứu trong đêm. (Ảnh TCI)

Bé N.M.A phải tới Thu Cúc TCI cấp cứu trong đêm. (Ảnh TCI)

Tại TCI, bằng kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, thông qua khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng, bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Mai Hoa - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI nhận định khàn tiếng, khóc không ra tiếng là triệu chứng điển hình của viêm thanh quản cấp. Vì vậy bé được chỉ định làm xét nghiệm máu, nội soi tai mũi họng và được chẩn đoán xác định viêm thanh quản cấp. Bác sĩ chỉ định bé nhập viện điều trị ngay.

Bác sĩ Mai Hoa chia sẻ: “Nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp ở trẻ chủ yếu là virus (chiếm 75%), thường gặp là virus á cúm và virus cúm A, hiếm gặp là Adenovirus… Hoạt động gắng sức ở dây thanh âm như hét, nói to, nói nhiều, hít phải khói thuốc lá, phản ứng dị ứng với bụi hoặc phấn hoa… cũng có thể là nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp.”

Biểu hiện viêm thanh quản cấp ở trẻ thay đổi phụ thuộc mức độ và nguyên nhân gây bệnh:

- Với trẻ lớn: Triệu chứng nghèo nàn, thường bị đau họng, khàn tiếng hoặc mất tiếng.

- Với trẻ nhỏ: Triệu chứng thường nặng nề hơn; trẻ có thể sốt, chảy mũi, đau họng, sưng hạch cổ dưới hàm, buồn nôn, nôn, khó nuốt, khàn tiếng hoặc mất tiếng, thở rít, có dấu hiệu suy hô hấp.

2. Bé M.A sau 4 ngày điều trị viêm thanh quản tại Khoa Nhi, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, bé M.A được chăm sóc đặc biệt theo nguyên tắc chống suy hô hấp, chống viêm, giảm phù nề và kháng sinh khi có bội nhiễm. Theo đó, bé được chỉ định khí dung và dùng thuốc đường tiêm. Bác sĩ kiểm tra sức khỏe và theo dõi bé liên tục mỗi ngày.

3 ngày đầu tiên, bé được khí dung và dùng thuốc đường tiêm. (Ảnh TCI)

3 ngày đầu tiên, bé được khí dung và dùng thuốc đường tiêm. (Ảnh TCI)

Được chăm sóc đặc biệt, các dấu hiệu viêm thanh quản cấp của bé M.A cải thiện nhanh chóng. Điều trị ngày thứ 4, các triệu chứng của bé đã giảm; bé ho ít, hết khàn tiếng, vui vẻ, ăn uống tốt hơn và được xuất viện.

Theo bác sĩ Hoa, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của viêm thanh quản cấp mà xử trí khác nhau. Nói chung, điều trị thường là kết hợp nghỉ ngơi hạn chế nói nhiều, tránh kích thích quấy khóc, bù đủ nước với thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh, nếu cần. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng, cần dùng corticosteroid đường toàn thân và khí dung cùng Adrenaline.

3. Viêm thanh quản có thể gây tắc nghẽn đường thở nếu không điều trị sớm

Viêm thanh quản cấp ở trẻ em thường diễn biến khá nguy hiểm, do đường thở của trẻ có kích thước nhỏ, chỉ bằng 1/3 người lớn, các tổ chức liên kết ở vùng quanh thanh quản lại khá lỏng lẻo, nên khi bị viêm thường có hiện tượng phù nề dữ dội, làm hẹp đường thở, gây khó thở nặng dẫn đến suy hô hấp và nguy cơ tử vong. Thêm vào đó, quá trình phù nề từ hạ thanh môn có thể lan nhanh xuống khí–phế quản, đồng thời niêm mạc đường hô hấp dưới xuất tiết nhiều dịch nhầy đặc, làm lòng khí–phế quản tắc, cũng gây ra chứng khó thở.

Được chăm sóc đặc biệt, sau ngày thứ 4 điều trị, bé M.A được xuất viện. (Ảnh TCI)

Được chăm sóc đặc biệt, sau ngày thứ 4 điều trị, bé M.A được xuất viện. (Ảnh TCI)

Viêm thanh quản cấp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị triệt để nếu được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để dự phòng bệnh, quan trọng nhất là phụ huynh cần tiêm vắc-xin cúm và bạch hầu đầy đủ cho trẻ. Tránh để trẻ la hét, nói nhiều. Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, rau củ, trái cây, thực phẩm chứa nhiều vitamin A, E, C... sẽ giúp chất nhầy dây thanh âm hoạt động tốt. Khi trẻ bị viêm thanh quản, người lớn nên tránh không hút thuốc trước mặt trẻ, để trẻ không hít phải khói thuốc, vì khói thuốc sẽ làm khô và kích thích dây thanh âm.…

Ngoài dự phòng, bố mẹ cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để “đối phó” với viêm thanh quản. Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Mai Hoa khuyến cáo: “Khi thấy các triệu chứng viêm thanh quản cấp đã được đề cập phía trên (khàn tiếng, mất tiếng, đau họng, nói khó; ho khan; kích thích họng, thường về ban đêm; sốt kèm theo hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ khớp), phụ huynh nên cho trẻ đi khám ngay, để sớm điều trị, bảo vệ trẻ trước các biến chứng của bệnh.”.

Yen Anh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính