Để con lớn lên hạnh phúc và đủ đầy, ngoài việc chu cấp vật chất, cha mẹ cũng cần nuôi dưỡng tâm hồn và tính cách của con.
Làm cha mẹ là một hành trình khó khăn mà đôi khi bạn không biết phải làm gì hoặc mình làm như vậy là đúng hay sai.
Dù mỗi đứa trẻ lại đòi hỏi bố mẹ phải có cách chăm sóc và dạy dỗ khác nhau nhưng các chuyên gia đã đúc kết những điều có thể tạo nên một sự khác biệt lớn trong cuộc đời con bạn.
Để con tự làm những việc phù hợp khả năng
Có thể bạn rất giỏi khích lệ con bằng những lời động viên nhưng với nhiều bậc cha mẹ, để con tự thử sức không phải điều dễ dàng.
Tuy nhiên, sự thật là những đứa trẻ tự lập thường thích khám phá những điều mới mẻ, chấp nhận rủi ro và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn những đứa trẻ khác.
Các em cũng được trang bị để đối mặt với thử thách chứ không đầu hàng khi thấy khó khăn.
Nếu bạn thấy con mình mãi vẫn không lắp được toa tàu hoặc làm bài tập, đừng can thiệp ngay lập tức.
Thay vào đó, hãy chỉ cho con cách để tự tìm giải pháp. Ví dụ, khi con bạn bực bội vì đồ chơi không chạy, hãy hỏi con xem có chuyện gì và nó có thể sửa như thế nào. Nếu thấy con đang ‘bí’, hãy gợi ý cho con rồi để nó tự tìm cách.
Mặc dù đôi khi khen ngợi con là một việc nên làm, bạn có thể giúp con tự tin hơn bằng cách bảo con giải thích những gì nó đã làm được.
Ví dụ, thay vì trầm trồ khen: ‘Tòa tháp con xếp đẹp quá!’, bạn có thể hỏi con: “Con xếp thế nào mà cái tháp cao thế này lại không đổ?”
Ngoài ra, hãy cho con bạn biết rằng “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng nếu con kiên trì, con sẽ tìm ra con đường đến thành công.
Chia sẻ quan điểm sống với con
Hãy cùng bàn bạc với chồng mình những đức tính mà cả hai đều mong muốn ở con. Bạn có thể bắt đầu từ những tính cách như tốt bụng, khoan dung, có trách nhiệm, trung thực và kiên định. Mấu chốt là đừng chỉ nói về những điều này mà hãy thực hiện chúng.
Ví dụ, khi bạn xem phim hoặc đọc truyện cùng nhau, hãy chỉ cho con thấy nhân vật này có những đức tính tốt nào và giải thích cho con hiểu.
Ngay cả khi con bạn quá nhỏ để hiểu những khái niệm như là vị kỉ, bạn có thể đưa ra những lời giải thích đơn giản: “Con thật tốt bụng vì đã nhường đồ ăn cho anh chị. Điều đó cho thấy con biết quan tâm đến người khác chứ không chỉ nghĩ cho bản thân.”
Bạn cũng cần phải làm gương cho con. Nếu bạn muốn con trung thực, đừng để con phát hiện bạn nói dối. Hãy tự hỏi bản thân rằng, con bạn sẽ học được gì nhìn vào bạn.
Cẩn trọng lời nói
Ngay cả những bậc phụ huynh kiên nhẫn nhất đôi khi cũng nổi giận. Nhưng nếu bạn chuẩn bị quát mắng con, hãy ghi nhớ: Nói chuyện với con với thái độ tôn trọng như khi bạn nói chuyện với bạn bè hoặc đồng nghiệp.
Nếu bạn làm vậy, con sẽ nghe lời hơn và luôn cảm thấy thoải mái khi hỏi xin sự giúp đỡ hoặc lời khuyên của bạn.
Cách bạn nói chuyện với con cho bạn biết con sẽ nói chuyện với bạn như thế nào.
Cố gắng đặt địa vị mình vào con. Nếu con bạn hoảng hốt vì không tìm thấy con thú bông yêu thích, bạn có thể khó chịu vì con phản ứng thái quá.
Tuy nhiên, thay vì nói với con: “Yên nào, chắc ở đâu đó quanh đây thôi”, bạn hãy cho con thấy bạn hiểu cảm giác của nó.
Ví dụ, hãy nhẹ nhàng nói với con: “Mẹ biết con rất buồn vì đang muốn chơi với bạn Gấu mà bạn ấy lại đi trốn mất. Để xem mình có thể tìm bạn ấy không nhé”.
Nuôi dưỡng mối quan hệ vợ chồng
Những cặp vợ chồng hạnh phúc sẽ cho con cái cảm giác an toàn. Dù nhiều đứa trẻ có thể nhăn mặt khi thấy vợ chồng bạn hôn nhau, những cử chỉ yêu thương của vợ chồng có thể giúp chúng gây dựng những mối quan hệ lành mạnh sau này.
Hãy dành thời gian riêng cho hai vợ chồng, thậm chí chỉ cần 15 phút mỗi ngày sau khi lũ trẻ đang ngủ là đủ.
Tuy nhiên, tốt hơn cả là bạn có thể dành thời gian hẹn hò ít nhất hai tuần một lần. Điều này không chỉ giúp cho mối quan hệ vợ chồng thêm khăng khít mà còn cho con thấy hai người rất yêu nhau.
Kiểm soát căng thẳng
Con bạn học hỏi từ bạn cách đối mặt với khó khăn và thất vọng. Vì thế, nếu bạn kiểm soát được căng thẳng hoặc cơn tức giận một cách hiệu quả thì đứa trẻ cũng sẽ học tập theo. Ngoài ra, theo cách này, bạn sẽ gây dựng được môi trường gia đình ổn định và an toàn.
Hãy bắt đầu bằng việc làm việc có kế hoạch hơn. Thu xếp thời gian để cùng con tham gia các hoạt động ở trường và tiết kiệm tiền để đưa cả nhà đi du lịch sẽ giúp bạn cảm thấy mình nắm thế chủ động hơn.
Hãy tìm cách để giảm bớt những căng thẳng không đáng có. Điều này có thể rất đơn giản, ví dụ như dọn dẹp tủ bếp để không phải mất công tìm đồ hoặc bỏ đi những tấm thảm khiến bạn hay trượt chân.
Nếu bạn mệt mỏi vì công việc hoặc việc chăm sóc con cái, hãy thử thư giãn bằng cách tập yoga, thiền hoặc thở sâu, tâm sự với một người bạn hoặc một chuyên gia.
Bạn cũng cần nhớ rằng, cuộc sống không diễn ra như mình dự kiến. Đừng thất vọng hoặc buồn bã nếu con cái bạn không làm theo những gì bạn mong muốn. Bạn chỉ có thể dạy dỗ và hướng dẫn con chứ không thể kiểm soát chúng.
Thể hiện tình cảm với con
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ cảm thấy được cha mẹ yêu thương thường có cảm giác an toàn và tự tin hơn những em khác.
Theo một nghiên cứu của Đại học Wisconsin-Madison, khi trẻ được bố mẹ vỗ về yêu thương, cơ thể các em sẽ sản sinh ra oxytocin, một loại “hooc-môn tình yêu” giúp đẩy lùi các cảm xúc tiêu cực và căng thẳng.
Hãy thể hiện tình cảm với con bạn hàng ngày bằng việc nói “Mẹ/Bố yêu con” khi đưa con đi học hoặc trước khi con ngủ.
Ngoài ra, bạn có thể dùng hành động để con cảm nhận được, ví dụ như cuộn tròn trong chăn cùng con khi đọc truyện, viết giấy nhắn cho con hoặc hôn vào má bé.