Sau khi mắc COVID-19, trẻ có diễn tiến nặng và rơi vào nguy kịch vì viêm cơ tim cấp.
BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, BV Nhi đồng TP.HCM thông tin, mới đây bệnh viện tiếp nhận liên tiếp 2 trường hợp bệnh nhi bị viêm cơ tim cấp sau khi mắc COVID-19.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi L.N.H. (12 tuổi ở huyện Bình Chánh), nhập viện vì thở mệt. Trước khi vào viện bé sốt 2 ngày. Ngày thứ nhất trẻ sốt không rõ nhiệt độ, không ói, không ho, tiêu tiểu bình thường, khám bác sĩ tư không rõ điều trị.
Đến ngày thứ 2 trẻ sốt kèm nôn 2-3 lần sau ăn. Trẻ than mệt nhiều nên được người nhà đưa vào BV Nhi đồng Thành phố trong tình trạng, lừ đừ, da nổi ban tím, huyết áp tụt 70/50mmHg, nhịp tim 180 lần/ph, tiếng tim mờ, phổi phế âm đều, bụng mềm, xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 dương tính, Real Time RT PCR dương tính CT 14, siêu âm tim ghi nhận tràn dịch màng tim lớp dịch dày 15-20mm, chức năng co bóp cơ tim kém EF dao động 30-35%, men tim tăng cao (CK-MB, troponin I tăng cao).
Trẻ được chẩn đoán sốc tim – tràn dịch màng ngoài tim – viêm cơ tim – COVID-19 cấp tính. Ngay sau đó, bệnh nhi được xử trí đặt nội khí quản thở máy, an thần, vận mạch adrenalin, dubutamin, noradrenalin, kháng virus, kháng viêm, kháng sinh, đặt dẫn lưu màng ngoài tim, tình trạng diễn tiến nặng, sốc không cải thiện, sức co bóp cơ tim tiếp tục giảm EF còn 25-30% nên được tiến hành thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể phương thức VA ECMO, điều chỉnh rối loạn điện giải, toan kiềm.
Sau 6 ngày chạy ECMO tình trạng trẻ cải thiện dần, giảm và ngưng được thuốc vận mạch, cai được ECMO, máy thở, thở khí trời, tỉnh táo, được chuyển khoa tim mạch tiếp tục điều trị. Đây là trường hợp trẻ mắc COVID-19 cấp tính nặng biến chứng viêm cơ tim màng ngoài tim.
Trường hợp thứ 2 là bé gái N.T.K.B (7 tuổi, ở Tây Ninh), được chuyển từ bệnh viện địa phương với chẩn đoán viêm cơ tim cấp ngày 3 – Block nhĩ thất độ III.
Ngày thứ nhất trẻ sốt nhẹ, ho vài tiếng, ói 2 lần ra thức ăn và dịch trong, không tiêu lỏng, ăn uống kém. Đến ngày thứ 2 trẻ không sốt, nôn hơn 10 lần ra thức ăn và dịch trong, khám bác sĩ tư chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, điều trị không rõ.
Ngày thứ 3 trẻ xuất hiện tình trạng lừ đừ, môi tái, nhập bệnh viện địa phương lơ mơ, co gồng tay chân nhiều lần, cơn thoáng qua, trợn mắt tím môi khoảng 30 giây, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo, được xử trí đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc vận mạch adrenalin, sau đó chuyển bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Được biết, trẻ mắc COVID-19 trước đó trên 2 tuần. Tại khoa Cấp cứu, trẻ xuất hiện tình trạng tím tái, phải thở máy, tim lờ đờ 45l/ph, monitor nhịp thất. Xử trí: vận mạch Adrenalin, đặt máy tạo nhịp.
Tình trạng tiếp tục diễn tiến nặng, sốc không cải thiện, sức co bóp cơ tim giảm EF còn 27-29%, xét nghiệm máu phản ứng viêm tăng cao, men tim tăng cao, men gan tăng cao, test nhanh và Real Time RT PCR âm tính trong khi kháng thể kháng SARS-CoV-2 dương tính nên được tiến hành thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể phương thức VA ECMO, điều trị tích cực kháng viêm, kháng đông, điều chỉnh điện giải toan kiềm.
Hiện đang là ngày thứ 3 chạy ECMO, tình trạng huyết động của trẻ có cải thiện, giảm được vận mạch, còn đang tiếp tục điều trị tại khoa hồi sức tích cực. Đây là một trong các biểu hiện của hội chứng viêm đa hệ thống có biểu hiện tổn thương tim nặng.
Theo bác sĩ Tiến, viêm cơ tim ở trẻ có thể xảy ra trong giai đoạn mắc COVID-19 cấp tính cũng như giai đoạn hậu COVID-19 với hội chứng viêm đa hệ thống, tổn thương tim nặng.
Hầu hết trẻ mắc COVID-19 đều có biểu hiện nhẹ, sức khỏe nhanh chóng bình phục. Tuy nhiên, nhóm trẻ có bệnh lý nền, trẻ bị béo phì là nhóm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng cần được theo dõi, điều trị.
Bác sĩ cảnh báo cộng đồng không nên chủ quan với COVID-19, đặc biệt là trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Nhóm trẻ chưa được tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 khi nhiễm bệnh vẫn còn nhiều biến cố khó lường. Trường hợp trẻ mắc COVID-19 có các dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.