Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, đối với việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người mắc COVID-19, Bộ Y tế thống nhất chủ trương tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng, tiêm liều cơ bản cùng loại vắc-xin cho trẻ.
Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương tổng hợp cơ sở khoa học và bằng chứng, đề xuất về thời điểm triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 phù hợp với người từ 5 đến dưới 12 tuổi và người trên 12 tuổi, gửi Cục Y tế dự phòng trước ngày 31/3/2022 để báo cáo lãnh đạo bộ.
Đợt tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ sử dụng 2 loại vắc-xin là vắc-xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech và vắc-xin Spikevax của Moderna.
Theo đó, vắc-xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech có nắp lọ vắc-xin màu cam để phân biệt với vắc-xin cho người lớn.
Vắc-xin Pfizer được chỉ định cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và chống chỉ định với người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin. Liều lượng tiêm cho trẻ là 0,2ml, tiêm bắp. Trẻ sẽ được tiêm 2 mũi và cách nhau 4 tuần.
Còn vắc-xin Moderna được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi. Chống chỉ định với trường hợp quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin.
Cũng giống vắc-xin Pfizer, vắc-xin Moderna được tiêm cho trẻ với liều lượng là 0,2ml, tiêm bắp. Trẻ sẽ được tiêm 2 mũi và cách nhau 4 tuần.
Đặc biệt lưu ý, chỉ sử dụng một loại vắc-xin phòng COVID-19 để tiêm đủ 2 mũi cho cùng 1 đối tượng trẻ. Cả 2 loại vắc-xin này đều có thể gặp các tác dụng phụ phổ biến tương tự như đối với người lớn sau khi tiêm vắc xin như đau đầu, ớn lạnh, sốt,... và rất hiếm gặp các phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn. Dự kiến có hơn 898.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sinh sống, học tập trên địa bàn cần tiêm chủng.
Trong đó, có hơn 880.000 trẻ đi học và hơn 12.800 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học.
Theo lộ trình, TP.HCM dự kiến bắt đầu tổ chức tiêm ngay sau khi được Bộ Y tế cung ứng vắc-xin, phấn đấu hoàn thành trước tháng 9/2022.
An AnBạn đang xem bài viết Trẻ đã bị mắc COVID-19 sau bao lâu có thể tiêm vắc-xin? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].