Chính thức đặt chân đến Bali thì xin chúc mừng bạn đã bước vào cỗ máy chém (có thể là lớn nhất) của Indonesia. Vậy nên hãy tham khảo thêm những thông tin này trước khi lên đường du lịch Bali bạn nhé!
Sự thật là, Bali đẹp. Review của hầu hết các bạn đã du lịch Bali thường chỉ liệt kê đi đâu, ăn gì, những điểm đến cơ bản, nên ở bài này, tôi sẽ không liệt kê nữa (việc này google map cũng giúp bạn được) mà cung cấp những trải nghiệm khác ở Bali cho các bạn sắp đi.
Chính thức đặt chân đến Bali thì xin chúc mừng bạn, bạn và các cộng sự đã bước vào cỗ máy chém (có thể là lớn nhất) của Indonesia với 80% dân số Bali làm du lịch (số liệu của Wikipedia), nơi chiếm hơn 40% lượng du khách đến Indonesia (theo dữ liệu của Nomura), đóng góp 172 nghìn tỷ rupiah (tương đương 17 tỷ USD) cho GDP của Indonesia năm 2017 và năm 2019 đặt mục tiêu đón 20 triệu khách du lịch nước ngoài (theo Straits Times).
Tip 1: Đổi tiền thế nào cho đỡ thiệt khi mỗi nơi niêm yết một kiểu? Tôi khuyên các bạn là đi đến đâu đổi đến đó, đổi ít một, tỉ giá cao thì đổi, quầy ngân hàng thì đổi, thậm chí thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế cũng rất ổn.
Nếu đổi từ VNĐ sang USD rồi đổi tiếp sang IDR, tỉ giá chia ra vào khoảng 1 IDR = 1,73 VNĐ, còn thanh toán thẻ tỉ giá chia ra vào khoảng I IDR = 1,68 VNĐ.
Nhiều bạn đi du lịch Bali về chia sẻ kinh nghiệm rằng đổi tiền ở các quầy ở sân bay an toàn hơn dù tỉ giá thấp hơn, phòng tránh tiền giả, phòng tránh mánh khóe lậm tiền...
Tôi tin vào điều đó nên đã đổi hết tiền ngay khi tới sân bay. Tôi vẫn hối hận về điều này. Tại sao? Tại vì tỉ giá ở sân bay là tỉ giá thấp nhất, thấp không thể thấp hơn cả cái đảo Bali này. 1 USD = 13.500 IDR.
Chỉ cần lang thang quanh trung tâm KUTA, bạn có thể thấy các quầy đổi ngoại tệ, văn phòng giao dịch bank đổi tiền với tỉ giá USD từ 13.900 - 14.350 IDR. Tỉ giá khá chênh vênh. Vậy nên, các bạn hãy cân nhắc gợi ý trên.
Tip 2: Giá taxi được khoảng 8.600 IDR - 15.000 IDR mỗi km tùy vào giờ giấc.
Thông thường, các bạn sẽ đến Bali vào tối muộn hoặc đêm bởi đặt vé đi Bali từ Hà Nội hay Sài Gòn đều sẽ cần transit đâu đó KUL hay SING. Dù bạn đặt khách sạn ở đâu, KUTA hay UBUD thì hãy kiểm tra giá grab trước khi bắt đầu công cuộc mặc cả đầu tiên.
Tôi đến sân bay quốc tế Ngurah Rai vào rạng sáng, từ sân bay về khách sạn ở KUTA độ hơn 2km. Chúng tôi ra đến cửa là được các quầy taxi (taksi - trong tiếng Indo) chạy ra chào đón nhiệt tình.
Trên tay họ cầm những bảng giá chia rất rõ ràng, về khu KUTA là 350.000 - 450.000 IDR, hay UBUD khoảng 550.000 - 750.000 IDR, trong khi đó tôi kiểm tra grab giá 40.000 IDR cho 2km và bắt đầu mặc cả xuống 50.000 IDR. Mặc cả chán chê thấy tôi không nhượng bộ, họ thái độ luôn và ném cho lại một câu: “In your dream!”.
Tôi tiếp tục kéo hành lí ra ngoài, lái taxi “dù” - tạm gọi thế - là xe cá nhân, tiếp tục chạy ra vây quanh và chào giá, 200k IDR rồi 150k IDR rồi 100k IDR rồi có anh cũng ngã giá 50k IDR.
Về việc thuê xe theo ngày cho đoàn, từ lúc ở nhà, tôi đã liên hệ với một vài lái xe ở Bali để khảo giá, thời gian di chuyển 8-10 tiếng/ngày. Người thì báo giá 50$/ngày, người thì báo 750k IDR/ngày, cuối cùng một anh giá 500k IDR/ngày đã bao gồm các loại phí bến bãi và mức này là hợp lí. Nhiều đại lí du lịch cũng cung cấp dịch vụ xe ở mức giá này.
Tip 3: Mọi thứ ở Bali được báo giá trên trời và bạn nên sẵn sàng nảy số trong đầu, chia giá trị đó cho ít nhất 4 lần rồi trả giá, trả giá và trả giá.
Việc đi chợ, mua sắm mới khiến chúng tôi ung thủ. Chiếc khăn lanh mua để quấn thay sarong được báo giá 80k IDR, mặc cả 30k IDR bán liền, đi chỗ khác thấy người ta chào giá 25k IDR. Quýt, salak, chôm chôm... 20k IDR/kg, mặc cả 10k IDR bán liền, nhưng cân điêu chỉ còn 5 lạng.
Chiếc vòng gỗ khắc cây đường kính độ 15cm được báo giá 350k IDR, trả 150k IDR bán liền, chỗ khác mặc cả bán giá 50k IDR. Chiếc móc khóa dream catcher được báo giá 40k IDR/chiếc trả 10k IDR bán liền, mà vẫn còn bị người bán cười như những con lừa. Mở bia dương vật túi 5 chiếc được hét giá 200k IDR, mặc cả 60k IDR bán liền… và điều đó diễn ra ở khắp mọi nơi.
Chúng tôi vào cửa hàng thời trang có thương hiệu, sản phẩm có niêm yết giá đàng hoàng, giá cũng mềm mại. Chúng tôi mua 2 chiếc váy tổng giá 690k IDR, định trả nguyên giá thì các cô bán hàng cười hớn hở cho discount gọi là "closing price", chỉ còn 640k IDR, được thể chúng tôi thử mặc cả thêm thì được gật đầu cái rụp 600k IDR. Và vô số những sự thật đau ví khác!
Vẫn biết, nhiều nước châu Á vẫn có chuyện nói thách như vậy, nhưng việc nói thách ở Bali có lẽ đã ở một tầm cao mới.
Tip 4: Không cần đặt tour, du lịch Bali dễ đi lắm, và vì giá tour cũng chỉ có Chúa mới biết được đâu là sự thật. Một số tour đặc thù như lặn, snorkeling… thì mới cần đặt thôi nhé!
Đoàn chúng tôi tham khảo tour trekking núi lửa Batur ngắm bình minh và có tham khảo một vài đại lí, giá 2,6 triệu IDR cho đoàn 4 người và lẻ là 1,32 triệu IDR/người bao gồm: Đưa đón khách sạn, hướng dẫn viên, nước, đồ ăn nhẹ trên đỉnh, buffet sáng.
Tuy nhiên, anh lái xe chúng tôi thuê cũng sẵn sàng cung cấp dịch vụ như vậy với giá 350k IDR/người, nghĩa là 1,4 triệu IDR cho đoàn 4 người (không bao gồm buffet sáng).
Khi đi trekking xong, chúng tôi có ngồi nói chuyện với một số bạn guide địa phương thì có thông tin là: các bạn làm tình nguyện viên, ăn lương chính phủ để dẫn khách lên núi, dọn dẹp rác và làm các hoạt động bảo vệ khu vực này.
Chính phủ thu tiền từ tiền vé vào cổng. Chúng tôi nhớ mình đã trả 41k IDR/người qua cổng, có vé xé đàng hoàng. Vậy là khách hoàn toàn có thể tự trekking cung đường phổ thông này mà không cần mua tour và cũng có thể tự thuê hướng dẫn tại trạm.
Note 5: Trekking ngắm bình minh núi lửa Batur các bạn tự đi được nhé, có thể cân nhắc sử dụng tour. Đường trekking phổ thông và đông, người người trek, đoàn đoàn trek, đèn pin sáng cả con đường, mạnh dạn bám theo là được.
Trên đường trekking, bạn sẽ thấy nhiều bạn trẻ địa phương cực kì nhiệt tình, giúp bạn, động viên bạn, nâng đỡ bạn khi cần. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó.
Lên đến đỉnh, các bạn trẻ sẽ mời bạn mua nước, nếu bạn không có ý định mua, họ sẽ lấy lí do là họ đã quan tâm bạn suốt cả quãng đường nên hãy ủng hộ họ. Vì nể nang, bạn sẽ mua, với giá 40k IDR/chai (giá trị thực 3 - 8k IDR/chai). Không chỉ thế, trên trạm dừng sẽ lại có vài người ngỏ ý giúp bạn chụp ảnh, và câu chuyện như trên lặp lại.
Tip 6: Bạn cũng không cần đặt tour đi Nusa Penida đâu nhé, mọi thứ đều có thể tự làm, vì đặt tour cũng không giúp bạn có thêm gì khác. Giá tour trọn gói Nusa Penida 1 ngày tầm 1 triệu IDR/người còn 2 ngày thì khoảng 2,5 triệu IDR/người đấy.
Công cuộc phòng tránh bị chém tiếp tục nào. Chúng tôi ngồi trên grab đi ra bến tàu đã được bác tài hỏi han tận tình, giới thiệu tất tật mọi loại dịch vụ rồi. Chúng tôi xuống xe là có người kéo vali ra tận nơi mua vé. Quầy vé nhan nhản. Người ta sẽ rút tờ flyer đưa cho bạn xem bảng giá niêm yết: giá 400k IDR/chiều và 600k IDR khứ hồi, nhưng họ sẽ mở đầu bằng câu discount cho bạn chỉ còn 500k IDR khứ hồi/người. Đừng ngại, mạnh dạn mặc cả lên, tôi nghe bạn nào đó đi 350k IDR khứ hồi thành ra, lúc đặt giá xong, người ta gật đầu cái rụp, nhanh như một cơn gió, còn tôi thì ngẩn tò te.
Có thể ví tàu cao tốc ở đây đi 45 phút ra đảo cũng y chang từ cảng Cái Rồng ra đến Cô Tô vậy, giá cả có lẽ chỉ nằm ở khoảng 250k - 300k IDR khứ hồi/người là hợp lí.
Xuống cảng Nusa Penida thì bạn tiếp tục mặc cả xe ô tô đi tham quan cả ngày hoặc thuê xe máy. À ở đây họ không tính cả ngày đâu nhé, tính theo số điểm tham quan. Ngay khi xuống cảng chúng tôi được chào giá 750k IDR/ngày đi 4 điểm cơ bản.
Do đã khảo giá ở nhà, chúng tôi về homestay đặt xe, giá 550k IDR cho 5 điểm: Peguyangan Waterfall, Kelingking, Angel’s Bilabong, Broken Beach và Crystal Bay. Còn nếu chỉ đi 4 điểm phổ biến trừ Peguyangan thì giá là 500k IDR. Cũng hay, đường xa, không giới hạn thời gian, bạn được tự do tự sướng, đi hết các điểm mới về.
Chúng tôi mua tour snorkeling 4 điểm trên đảo Penida trong 3 tiếng, được báo giá 200k IDR và được discount còn 175k IDR/người, ngay tại homestay.
Tip 7: Du lịch Bali không cần mua sim cũng được, dùng bản đồ offline và roaming để gọi lái xe, khách sạn hoặc đề phòng trong các trường hợp khẩn cấp mà không bị gián đoạn liên lạc ở nhà. Tôi đi 9 ngày chỉ mất 100k VNĐ tiền cước quốc tế roaming, còn lại dừng chân ở đâu thì sử dụng mạng ở đó, lái xe thậm chí cung cấp hotspot luôn.
Nếu bạn khỏe, hãy thuê xe máy đi khám phá, trải nghiệm đó tuyệt hơn nhiều so với ngồi ô tô vì khả năng tắc đường cao hơn, mất nhiều thời gian chờ hơn.
Nhưng chú ý, hết sức chú ý, xe máy để đâu cũng mất tiền dù bạn chẳng nhìn thấy cái biển thu phí nào, đặc biệt ở KUTA, còn UBUD thì tôi chưa có trải nghiệm.
Bạn nhớ hỏi người bán hàng/chủ hàng để biết chắc bạn để xe được ở khu vực nào của họ, nếu không, lúc bạn lấy xe, sẽ đột nhiên xuất hiện một người đến thu tiền, 2.000 IDR/xe, mà bạn không hiểu tại sao không vé, không biển báo rồi bị thu tiền nữa.
Chúng tôi để xe ngay trước cửa hàng Frenchie mua đôi tông, độ 5 phút, vừa ra đã bị thu tiền phí 1.000 IDR/xe, hỏi vé đâu, thì người ta đưa cho cái vé giấy gần nát tươm.
Tương tự ở một quán ăn ven đường, ăn xong lấy xe, một người ta khác ra đòi thu 2.000 IDR/xe, vặn vẹo một lúc thì bị người ta cáu, gõ dùi cui vào đầu luôn. Hỏi anh lái xe mới biết, khách để xe chỗ nào cũng bị thu phí hết, chẳng cần phải có biển.
Như số liệu ban đầu mình trích dẫn, 80% dân Bali làm du lịch nên không có gì lạ khi bước chân đến đâu bạn cũng sẽ được người ta mời chào các loại dịch vụ, nói chuyện loanh quanh một lúc sẽ có nhiều gợi ý cho bạn.
Thực ra việc này nhiều đến mức có thể sẽ khiến bạn có chút buồn bởi tưởng được quan tâm hỏi han các thứ thì họ sẽ lái câu chuyện sang hướng khác, sau khi đó bạn lại phải xã giao từ chối khéo léo, sau đó nữa là hết chuyện để nói.