Người mắc biến chủng Omicron có tái nhiễm COVID-19?

Nhiều người dân đang có suy nghĩ nếu đã mắc COVID-19, nhất là mắc biến chủng Omicron thì khả năng tái nhiễm sẽ thấp. Điều này có đúng không?

Trả lời vấn đề này, ThS.BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19, BV Thanh Nhàn cho biết: “Hiện một số người dân đang có xu hướng cố tình nhiễm COVID-19 để không bị nhiễm nữa nhưng đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Thực tế thăm khám chúng tôi nhận thấy, trong khoảng 1 tháng đến 15 ngày sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân có thể tái nhiễm COVID-19”.

Tình trạng tái nhiễm COVID-19 có 2 trường hợp, có thể bệnh nhân trước đó nhiễm chủng Delta sau đó được tiêm vắc-xin sinh ra tâm lý chủ quan, không tuân thủ 5K phòng bệnh và sau đó người này lại tiếp tục tái nhiễm COVID-19 với biến chủng Omicron.

Trường hợp thứ 2, người dân đã nhiễm chủng Omicron nhưng vẫn tái nhiễm Omicron nhưng với phụ type khác nhau. Omicron gồm 3 nhánh BA.1, BA.2, BA.3, tỷ lệ tái nhiễm của người dân ở thời điểm này với chủng Omicron là rất cao.

Bệnh nhân có thể tái nhiễm COVID-19 với biến chủng từng mắc. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Hường, tất cả các đối tượng, từ trẻ đến già, nếu có tiếp xúc nguồn lây đều có thể tái nhiễm. Những đối tượng có nguy cơ tái nhiễm cao là người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền và trẻ chưa được tiêm vắc-xin.

Đặc biệt, “tôi thấy người bệnh bị tái nhiễm lần 2 thường là bị nặng hơn lần đầu mắc bệnh. Tái nhiễm thời gian càng ngắn thì dù kháng thể của mình rất cao nhưng người bệnh vẫn rất mệt mỏi và các triệu chứng nặng hơn so với lần trước” – bác sĩ Hường nói.

Do đó, dù đã mắc COVID-19 người dân sau khi khỏi bệnh không nên chủ quan, vẫn cần tuân thủ 5K, tự theo dõi sức khỏe bản thân theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19. Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi… cần thực hiện test nhanh để kiểm tra về khả năng tái nhiễm.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan