Mua nhà khi có 200 triệu, mua xe với 50 triệu, mỗi tháng tôi gửi ngân hàng 10 triệu đồng

Hai vợ chồng lấy nhau được hơn năm, trong tay có chưa đầy 200 triệu đồng, tôi giục chồng đi mua nhà. Sau mua nhà 1 năm, trong tay chỉ có chưa đầy 50 triệu đồng, chồng lại giục tôi mua xe.

Hành trình mua nhà từ 200 triệu đồng

Thời điểm mua nhà, vợ chồng tôi mỗi tháng kiếm được khoảng 20 triệu đồng. Số tiền đó ở Thủ đô không phải nhiều, nhất là cảnh thuê trọ. Tuy nhiên, vì ý thức muốn định cư quá mãnh liệt, cùng với việc tiếc rẻ 2,5 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà, nên tôi quyết định phải mua nhà bằng được.

Vợ chồng tôi lấy nhau năm 2017, từ ngày lấy nhau, chúng tôi đề ra nguyên tắc sẽ làm sổ tiết kiệm tại ngân hàng và mỗi tháng, dù chật vật như thế nào, cũng phải để vào đó 10 triệu đồng.

Nhờ nguyên tắc đó, sau một năm, chúng tôi cũng để ra được hơn trăm triệu đồng. Cộng với bán vài chỉ vàng hồi môn, gom góp tất cả, chúng tôi có trong tay 200 triệu đồng và bắt đầu hành trình mua nhà.

Tôi áng chừng nguồn tài chính có thể mua nhà vào khoảng 1,5 tỷ đồng quay đầu, bắt buộc vay nợ nhưng ưu tiên vay người thân để không mất lãi.

Ngày đầu tiên gia đình nhận nhà tại phân khu Aqua KĐT Ecopark

Sau này, khi đi nghiên cứu thực tế những dự án hợp gu, vợ chồng tôi chọn được căn 58 m2 tại KĐT Ecopark với mức giá sang tay chỉ gần 1,3 tỷ đồng.

Vì ít tiền, tôi không đề cao quá nhiều mấy giá trị hình tượng như view đẹp, tầng cao, thay vào đó, ngôi nhà tôi chọn, lúc trên bản vẽ là căn nhà hướng Tây Bắc, view nội khu, tầng thấp! Vậy nhưng quyết định trên cũng giúp tôi tiết kiệm được ít nhất 100 – 300 triệu đồng so với các căn view đẹp có cùng diện tích.

Quay về chuyện tài chính, vì mua nhà khi dự án đang xây dựng nên vợ chồng tôi sẽ được “xé lẻ” đợt thu làm 3 giai đoạn. Khi ký hợp đồng vào tháng 12/2018, chúng tôi cần thanh toán cho chủ cũ 70% giá trị nhà họ đã đóng, số tiền rơi vào khoảng hơn 800 triệu đồng.

Và 30% còn lại sẽ thanh toán cho chủ đầu tư khi gần nhận nhà, trong đó, 20% tiếp theo rơi vào tháng 3/2019 và 20% còn lại sẽ thanh toán trước khi nhận nhà, tức khoảng tháng 4-5/2019.

Căn nhà hiện tại đã trở nên gọn gàng, tiện ích hơn rất nhiều

Để chuẩn bị số tiền cho giai đoạn 1, chúng tôi về quê xoay nợ. May mắn, bố mẹ chồng ủng hộ nên hỗ trợ chúng tôi 400 triệu đồng, riêng mẹ đẻ cho vợ chồng vay 200 triệu đồng dài hạn. Như vậy, tài chính coi như đã đủ cho giai đoạn đầu.

Ở giai đoạn 2, vợ chồng tôi vừa tiết kiệm, vừa xoay nợ để dồn thêm 400 triệu đồng. Lúc đi vay mọi người, để dễ vay, dễ trả, chúng tôi không vay một cục lớn. Thay vào đó, chúng tôi vay từng món nhỏ từ 20 – 50 triệu đồng.

Sau mua nhà, chồng tôi may mắn được tăng lương, tôi cũng chuyển việc, thu nhập có thể nói cao hơn 1,5 lần so với giai đoạn trước và mỗi tháng ép bản thân nâng mức tiết kiệm lên mức tối thiểu là 20 triệu đồng.

Khoảng một năm đầu nhận nhà, căn nhà chỉ có vài đồ thiết yếu, chúng tôi không sắm sửa vì coi như chưa cần thiết. Thay vào đó, chúng tôi trả dần những món nợ. Vì trước kia vay từng món nhỏ, nên chỉ 1 – 2 tháng, tôi đã trả xong một người. Riêng đến Tết, nhờ có thưởng, chúng tôi gần như “tất toán” được nhiều món hơn.

Cứ như vậy, vừa quay vòng đi làm vừa trả nợ, tuyệt nhiên không nghĩ về tiền nong để tránh đau đầu và cãi nhau, sau khoảng 2 năm nhận nhà, tức đến năm 2020, quay đi quay lại, sổ nợ của tôi chỉ còn 200 triệu vay mẹ đẻ.

Chỉ khi nhẩm lại, vợ chồng tôi mới bất ngờ, vì với 2 năm ép mình vào guồng nợ nần, chúng tôi đã mua được một căn nhà, dù cũng chật vật. Nếu không mua nhà, chẳng bao giờ chúng tôi có thể làm ra được số tiền lớn như vậy chỉ trong vòng 2 năm.

Chồng tôi giục mua xe khi hai đứa có “nhõn” 50 triệu đồng phòng thân

Có 50 triệu đồng vẫn rước xe 620 triệu đồng trong 1 nốt nhạc 

Khi nợ gần như van vãn, đến tháng 6/2020, chồng tôi nổi hứng mua xe. Kỳ thực, chuyện xe cộ cũng không phải đua đòi, vì nhà tôi mua cách chỗ làm của 2 vợ chồng khá xa, cộng với việc, vì để con nhỏ ở nhà với ông bà nội tại Bắc Giang, nên chúng tôi về quê đều, tần suất 1 – 2 tuần/lần.

Vì thế, để đảm bảo an toàn cho quá trình đi lại, cộng với đã từng có kinh nghiệm nợ, nên tôi đồng ý cùng chồng tham gia tiếp một hành trình trả nợ nữa!

Dẫu vậy, lần này, vì rút ra một phần kinh nghiệm của lần mua nhà trước, chúng tôi quyết định trả góp 1/3 giá trị xe còn lại. Chồng tôi lựa chọn xe Accent, giá trị lúc đó khoảng 620 triệu đồng.

Lúc quyết mua, hai đứa có “nhõn” 50 triệu đồng phòng thân. Không rõ chồng tôi “đánh tiếng” như thế nào, mà đồng nghiệp và người thân cho mượn thêm khoảng 300 triệu đồng theo nguyên tắc vay nhỏ, trả gọn. Và còn khoảng 230 triệu đồng còn lại là phần trả góp vay ngân hàng, mỗi tháng cần trả khoảng 7 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.

Tính đến nay, nhờ kinh nghiệm và nguyên tắc nắm giữ, chúng tôi tiếp tục trả dần món nợ xe, hiện tại, món nợ xe đã rút gọn xuống còn khoảng 1/2. Và dù COVID-19 có ảnh hưởng, nhưng mọi thứ “trộm vía” vẫn nằm trong quỹ đạo vợ chồng tính toán. Chưa kể, chúng tôi đã sắm sửa gọn ghẽ cho căn nhà đầy đủ, đẹp đẽ, vẫn mua sắm, vẫn du lịch và chăm sóc con cái vẹn toàn.

Chúng tôi vẫn đi du lịch để con được trải nghiệm nhiều hơn

Những bài học đắt giá mà tôi đúc kết được

Tưởng chừng mua nhà, mua xe đều là những quyết định vội vã, nhưng không hẳn, chúng tôi đều phải lên kế hoạch rất chi tiết, có khi là cả năm trời.

Chúng tôi sẽ luôn hỏi, nó có cần không, giá trị sử dụng cao không và mình có trả được nợ hay không? Nếu cả 3 câu hỏi trên đều có, chúng tôi mới quyết định mua.

Ngoài ra, chúng ta nên lựa chọn thứ mình thích và hợp, đừng chạy theo tiêu chuẩn xã hội. Giống chuyện căn nhà, dù view nội khu, tầng thấp, không phải căn hộ lý tưởng của thời đại mới nhưng tôi cho là nó cần, có giá trị đối với chúng tôi thời điểm đó.

Và đến khi vào sống tôi mới hiểu, view hay vị trí tầng không ảnh hưởng tới chất lượng sống trong gia đình. Thay vào đó, căn nhà có vẻ “hơi thấp chuẩn” của tôi lại rất tuyệt vời, vì có view nội khu nên mưa không hắt, nắng không chói, nhà hướng Tây nhưng lại luôn mát mẻ.

Và vì thấp tầng nên tiện tầm mắt, chúng tôi nhìn được cây xanh, hưởng trọn không khí vui chơi của trẻ nô đùa bên dưới.

Chúng tôi thấy chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn, gia đình hạnh phúc hơn nhờ "bí kíp tiêu dùng thông minh"

Chuyện thứ 3 tôi học được, chính là việc đừng bao giờ “đay nghiến” về các khoản nợ. Có thể nói, dù nợ nần chồng chất, nhưng vợ chồng tôi luôn vui vẻ. Và có lẽ như vậy, nên những quyết định của chúng tôi càng trở nên đúng đắn hơn, vì xét cho cùng, vật chất phải làm tốt hơn đời sống cho con người.

Nếu nó làm chúng ta vất vả hơn thì đừng mua. Chưa kể, khi hòa hợp về quan điểm khiến quá trình trả nợ của chúng tôi cũng diễn ra nhanh hơn!

Và với việc từng 2 lần suýt “chết ngập” vì vay vàng, tôi nhận ra, hãy nên vay ngân hàng nếu có thể. Lúc mua nhà, tôi vay một cây vàng với giá trị thời điểm đó là 35 triệu đồng/lượng, tới khi trả nợ, giá trị vàng đã lên 47 triệu đồng/lượng. Sau này, khi mua xe, tôi vay 8 chỉ vàng ở thời điểm vàng 49 triệu đồng/lượng, lúc trả, giá trị vàng đã lên 55 triệu đồng/ lượng.

Trong khi đó, ở lần vay trả góp mua xe, tôi vay trong thời hạn 3 năm, mỗi tháng mất khoảng hơn 1 triệu tiền lãi. So sánh với vay vàng, việc kim loại quý này nhảy vọt vài giá đã bằng tiền lãi tôi vay gần một năm tại ngân hàng.

Bài học cuối cùng tôi nhận ra, đó là quyết định quan trọng trong lúc “mơ hồ” đôi khi lại là chuyện tốt. Dù có vẻ mâu thuẫn, nhưng hãy để sự “mơ hồ” nằm trong tính toán, vì cuộc đời có những thứ vô hình con người không thể tính được, tương tự như việc sau khi bạn mua nhà bỗng dưng được thăng chức, tăng lương chẳng hạn. Vậy nên, chỉ cần nó khiến chất lượng cuộc sống tốt hơn, hãy cứ lựa chọn để không hối tiếc.

Người dự thi: Hồng Hải

Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" với những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức. 

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY


Tin liên quan