Mua nhà Hà Nội khi tiền không đủ tiêu, 5 năm qua vợ chồng tôi nghẹt thở trả nợ, suýt ly hôn

Chồng tôi khăng khăng mua nhà trong khi thu nhập 2 vợ chồng chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt khiến 5 năm qua cuộc sống của gia đình tôi ngột ngạt trong căn nhà mới.

Xem thêm

Con thu nhập thấp nhưng bố mẹ lại vận động mua nhà

Hai vợ chồng tôi bằng tuổi, ra trường được 2 năm (11/2011) thì cưới nhau.

Gia đình 2 bên thuần nông nên tiền nong cả đời tích góp đều dồn cả vào đầu tư cho con học hành. Chồng tôi đi làm còn nuôi em lên ôn thi đại học, tôi vừa làm thêm vừa lo học nên khi lấy nhau, cả hai không hề có tích luỹ.

Đám cưới xong, tiền mừng cưới của chúng tôi dồn vào trả nợ cho chi phí trước đám cưới như mua nhẫn, chụp ảnh cưới, sắm sửa đồ đạc trong phòng ngủ…

Chúng tôi mua nhà khi thu nhập chỉ đủ chi tiêu hàng tháng.

Tôi vẫn nhớ, những năm đi thuê trọ, cuộc sống hai vợ chồng tôi “bình dân” đến mức tài sản không có gì ngoài chiếc chiếu trải tạm xuống nền để nằm và một chiếc laptop cũ để làm việc.

Chồng tôi làm IT, mức lương thời điểm đó là 8 triệu, tôi làm cho 1 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, thu nhập ko ổn định. Lương cứng 3 triệu cộng thêm lương kinh doanh 2- 4 triệu tuỳ từng tháng.

Cưới nhau được hơn 1 năm thì vợ chồng tôi có em bé. Mẹ chồng tôi lên chăm bé, em trai chồng tôi ở cùng để học đại học. Vậy là căn phòng trọ 25m2 nhưng có tới 5 người ở.

Có lẽ bởi thấy quá chật chội, ông bà nội thương con thương cháu nên tới đầu năm 2014 vận động chúng tôi mua nhà.

Chồng quyết mua nhà lúc có 50 triệu, chi tiêu thiếu thốn

Khi đó 2 vợ chồng tôi có chưa tới 50 triệu tiết kiệm. Thu nhập hàng tháng chi tiêu tháng đủ, tháng thiếu vì thuê nhà, con nhỏ, phụ bố mẹ nuôi em.

Thế nên khi nghe bố mẹ chồng nói chuyện mua nhà Hà Nội thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ rằng ông bà muốn vợ chồng cố gắng mua trong tương lai chứ không phải “ngay và luôn”.

Thế nhưng không hiểu chồng tôi nghĩ gì, tính toán ra sao mà anh quyết định tìm và mua nhà ngay.

Tôi phản đối kịch liệt vì ít ra để mua một căn nhà, cũng phải tiết kiệm được vài trăm triệu, chả nhiều thì cũng phải 200 -300 triệu, rồi tìm mua một căn nhỏ nhỏ 600 – 700 triệu thôi, thì cái khoản vay thêm của ngân hàng mới không quá lớn, không quá áp lực.

Thêm nữa, thời điểm đó con còn nhỏ, lại phải nuôi em trai đang ăn học, thu nhập 2 vợ chồng chỉ đủ sinh hoạt, tiền đâu mà mua?

Sau rất nhiều lần 2 vợ chồng cự cãi, chồng tôi vẫn quyết tâm mua nhà với một câu chốt “Nếu em và bố mẹ bên ngoại không giúp gì được thì cũng đừng có cản anh”.

Toát mồ hôi hột vì xoay tiền mua nhà

Mặc dù kịch liệt phản đối, nhưng thấy chồng khăng khăng tìm mua, tôi cũng đành đồng ý.

Thời gian đó tôi không sao ngủ nổi, cứ nghĩ đến việc làm sao để huy động nguồn tiền mua nhà và con đường trả nợ phía trước lại không khỏi rùng mình.

Sau 1 thời gian chạy hết từ phòng giao dịch bất động sản này sang phòng giao dịch bất động sản khác, vợ chồng tôi từ bỏ ý định ban đầu là mua căn hộ VP6 Linh Đàm đang xây theo tiến độ do tiền chênh tới 300 triệu.

Vợ chồng tôi xác định sẽ mua căn hộ đã hoàn thiện có thể ở ngay, chi phí đóng hàng tháng ở mức thấp bởi nếu mua căn dự án, chúng tôi vừa phải trả tiền thuê nhà, vừa trả tiền theo tiến độ dự án, vừa trả nợ ngân hàng…

Hai vợ chồng tôi xoay toát mồ hôi hột để vay tiền mua nhà Hà Nội.

Đúng thời điểm đó, biết được thông tin sếp của chồng tôi có 1 căn hộ mua đầu tư tại CT8 chung cư Đại Thanh thuộc dự án xây dựng dành cho người có thu nhập thấp. Không suy nghĩ nhiều, 2 vợ chồng quyết định mua căn hộ trên.

Căn hộ có diện tích 46,7m2, 1 phòng khách, 1 phòng ngủ và 1 nhà vệ sinh với giá 650 triệu trả làm 2 đợt: đợt 1 thanh toán 300 triệu và nhận nhà, đợt 2 thanh toán 350 triệu còn lại sau khi hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ.

Đợt trả đầu tiên với 300 triệu. Chúng tôi có 50 triệu. Bố mẹ chồng tôi thế chấp sổ đỏ ngôi nhà đang ở ở quê được 150 triệu, chúng tôi vay thêm họ hàng 100 triệu.

Đến đợt trả thứ 2 mọi kế hoạch huy động tiền dường như đi vào ngõ cụt. Bố mẹ tôi do phải trả khoản tiền lớn cho bác tôi ở quê do ham mê đề đóm dẫn đến nợ nần nên không thể giúp con dù chỉ 1 vài triệu. Dự định mượn sổ đỏ của cậu mợ nhà chồng tôi cũng bất thành.

Cuối cùng sau mấy ngày loay hoay tìm nguồn trả vợ chồng tôi được họ hàng bên ngoại cho vay 100 triệu; 100 triệu là từ bạn bè: người 10 triệu, người 20- 30 triệu; 100 triệu còn lại vợ chồng tôi phải vay tín chấp ngân hàng trong 3 năm với mức đóng hàng tháng hơn 4 triệu đồng.

Vay tín chấp nghĩa là chúng tôi phải chấp nhận lãi suất cao hơn vay thế chấp tài sản. Nhưng chúng tôi không còn cách nào khác do căn hộ của vợ chồng tôi chưa được cấp sổ hồng.

Áp lực trả nợ đến mức nghẹt thở, vợ chồng suýt ly hôn

Thời điểm đó, hàng loạt áp lực kinh tế đến từ nhiều phía: Nợ ngân hàng, tiền học cho con, tiền nuôi em, chi phí sinh hoạt và hơn cả là khoản vay nóng của bạn bè cứ 1- 2 tháng lại phải lo tiền trả.

Vợ chồng tôi lúc đó triền miên sống trong tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền, nợ ngân hàng trả trễ, vay tiền người nọ trả cho người kia...

Quá áp lực kinh tế, cả 2 vợ chồng buộc phải tìm công việc mới có mức lương cao hơn. Nhưng công việc lương cao đồng nghĩa với đi sớm về muộn vô cùng mệt mỏi.

Tôi vì quá lao lực do ngày đi làm, tối hớt hải về đón con lo cơm nước dọn dẹp, đêm thức chăm con lại suy nghĩ nhiều dẫn tới mất ngủ, người gầy sọp dần và lúc nào cơ thể cũng trong tình trạng suy nhược.

Đỉnh điểm là có thời điểm vợ chồng tôi cãi nhau đến mức viết đơn ly hôn cũng chỉ vì chúng tôi không thể cân bằng giữa việc kiếm tiền trả nợ và chăm sóc gia đình.

1 năm sau đó, vợ chồng tôi như người chết đuối vớ được cọc khi căn hộ của gia đình tôi được cho phép cấp sổ hồng. Chúng tôi dùng sổ để thế chấp ngân hàng. Vợ chồng tôi vay 400 triệu để tất toán khoản vay tín chấp lãi suất cao, trả các khoản vay nóng của bạn bè, người thân.

Còn hiện giờ, hàng tháng vợ chồng tôi trả hơn 8 triệu đồng/tháng.

Nợ chưa xong, nhà đã xuống cấp

Ngôi nhà mới chỉ rộng có 46,7m2, 1 phòng ngủ, 1 phòng khách và bếp nhưng nhà tôi có thêm em trai chồng ở cùng nên vợ chồng tôi phải chuyển bếp từ phòng khách ra ban công để có thể kê 1 chiếc giường cho em ngủ.

Nợ chưa trả xong nhưng ngôi nhà của 2 vợ chồng tôi đã xuống cấp.

Điều đáng buồn hơn nữa, sau 5 năm sử dụng, nợ ngân hàng còn chưa đáo hạn, tôi ngao ngán nhìn căn hộ mà vợ chồng tôi đã mất 5 năm thanh xuân trả nợ đang có dấu hiệu xuống cấp không phanh.

Các thiết bị thay nhau hỏng hóc, ổ khoá các cửa đều phải thay mới hoàn toàn, cửa gỗ công nghiệp phồng rộp, cong vênh, hệ thống vòi nước cũng thi nhau hỏng.

Đặc biệt là hiện tượng các mảng tường từ phòng khách tới phòng ngủ bị ngấm nước từ căn hộ khác sang dẫn đến mốc xanh mốc đỏ rất thiếu thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sức khoẻ. Liệu rằng 1 năm nữa sau khi thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ ngân hàng thì giá trị căn hộ của vợ chồng tôi còn lại bao nhiêu?

Viết câu chuyện này, từ kinh nghiệm của bản thân, tôi muốn nhắn nhủ tới những ai đang có ý định mua nhà Hà Nội rằng: Các bạn cần chủ động, tính toán và xem xét kỹ lưỡng về tất cả các vấn đề tài chính, kinh tế, chất lượng ngôi nhà định mua.

Tôi ủng hộ những ai luôn nỗ lực hết mình để mua nhà. Nhưng rõ ràng, chúng ta phải có sự chuẩn bị về tài chính, phải tính toán được rằng thu nhập hàng tháng có đủ để chi trả cho chi tiêu và trả nợ không?

Đặc biệt, mua một căn nhà ở đâu, chất lượng như thế nào là vấn đề rất quan trọng.

Chúng ta đừng thấy rẻ mà đã vội mua, hoặc cũng đừng tin quá vào những lời quảng cáo của các môi giới bất động sản, chúng ta phải tìm hiểu qua năng lực thực sự của các chủ đầu tư để tránh rủi ro như vợ chồng tôi.

Người dự thi: Nguyễn Thu Hạnh

Với mong muốn giúp những người đang và sẽ có nhu cầu mua nhà Hà Nội có cái nhìn thực tế hơn cũng như có thêm động lực thực hiện ước mơ của mình, Tạp chí điện tử Gia Đình Mới phát động cuộc thi “Hành trình mua nhà Hà Nội của tôi”. 

Trong đó nội dung tập trung:

• Chia sẻ bước ngoặt nào khiến bạn đi đến quyết định mua nhà? Những khó khăn phải đối mặt khi mua nhà, cách giải quyết các vấn đề đó như thế nào?

• Kinh nghiệm tính toán chi tiêu, kế hoạch trả nợ sau khi đã vay tiền mua nhà Hà Nội?

• Làm thế nào tìm được một dự án nhà đầy đủ tính pháp lý, đúng tiến độ, chọn ngân hàng nào để có lãi suất tốt khi mua nhà? 

• Cảm xúc về ngôi nhà đó ra sao? Kỷ niệm vui, buồn sâu sắc nhất trải nghiệm trong quá trình mua ngôi nhà của mình.

Ngoài được hưởng nhuận bút trị giá 500.000 đồng/bài, các tác giả còn có cơ hội nhận giải thưởng tuần, quý, chung cuộc lên hàng chục triệu cùng các chuyến nghỉ mát ở resort 5 sao và tặng phẩm. 

Chi tiết TẠI ĐÂY

Cuộc thi được tài trợ, đồng hành bởi các thương hiệu:


Tin liên quan