Một tiết học ở New Zealand không dành cho việc đọc sách giáo khoa, cô giảng trò chép như thường mô hình giáo dục truyền thống ở Việt Nam.
Ngày 8/4 tại Hà Nội, các bạn học sinh, sinh viên (HSSV) Việt Nam đã được tham dự lớp học "chuẩn New Zealand" do chính giáo viên bản xứ đứng lớp tại Triển lãm Giáo dục New Zealand 2018. Trong đó, HSSV được trải nghiệm các lớp trung học và đại học.
Dù mỗi tiết học chỉ kéo dài 30 phút nhưng qua đó, các bạn HSSV cũng phần nào cảm nhận được không khí, tinh thần và sự khác biệt của lớp học kiểu New Zealand.
Hàng năm, New Zealand chào đón trên 130.000 HSSV đến từ hơn 180 quốc gia trên thế giới. Do đó HSSV trong một lớp học có thể đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau.
Trong lớp học mô hình của thầy giáo Mark Holt - giảng viên tại ACG Education (New Zealand) - vào ngày 8/4 ở Hà Nội, 20 học sinh được phân đều vào các nhóm đại diện nhiều quốc gia khác nhau: New Zealand, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan.
Ngoài lúc mở đầu buổi học, thầy Mark Holt niềm nở chào các học sinh bằng câu "Kia ora" (tiếng Maori) thì toàn bộ giao tiếp trong lớp đều bắt buộc bằng tiếng Anh.
Thầy Mark không dùng những từ ngữ hay cấu trúc tiếng Anh quá phức tạp mà luôn cố gắng diễn đạt đơn giản, dễ hiểu nhất. Thi thoảng thầy lại đưa ra những câu hỏi để xác nhận xem các học sinh có hiểu hết những gì mình đang nói hay không.
Sau những phút đầu bỡ ngỡ, rụt rè, dưới sự dẫn dắt của thầy Mark, các học sinh bắt đầu giới thiệu bản thân, nói những câu tiếng Anh đơn giản, dần dần chuyển sang trao đổi, thảo luận, thậm chí thuyết phục các bạn khác bằng tiếng Anh.
Thầy cũng chia sẻ hai bí quyết học tiếng Anh cho học sinh. Thứ nhất là nên học những từ thông dụng và thường được sử dụng nhiều ở trường lớp. Thứ hai là phải đọc càng nhiều tiếng Anh càng tốt, không cần phải đọc sách giáo khoa mà có thể đọc để giải trí. Đó cũng là cách để học tiếng Anh.
Ở New Zealand, toàn bộ kiến thức trong sách vở học sinh phải tự học ở nhà. Khi đến lớp, thầy cô chỉ giúp giải đáp những câu hỏi của học sinh, hay tổ chức các hoạt động giúp học sinh thực hành kiến thức trong đời sống thực tế.
Nhờ vậy mà học sinh có được cái nhìn tốt nhất về bài học, có tính tự giác cao, hào hứng và chủ động trong học tập hơn.
Ngay tại lớp học mô hình của thầy Mark, các học sinh cũng không được phát bất kỳ một tài liệu nào. Thầy Mark vào đề bằng cách giới thiệu trò chơi, quy tắc triển khai trò chơi cho học sinh.
Trong quá trình giới thiệu này, thầy cũng lưu ý và giải thích cho các bạn một số từ mới, khái niệm cần thiết. Sau đó là thời gian để thực hành giao tiếp, trao đổi và đàm phán giữa các nhóm.
Trong trò chơi này, các em được phân công nghề nghiệp một cách ngẫu nhiên, thực hành đàm phán, vào vai trò kế toán/ngân hàng, tiến hành trao đổi thương mại, thực hành làm việc nhóm. Không khí lớp học ngày càng sôi động và nóng lên.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, New Zealand cũng hướng tới nền giáo dục 4.0. Thay vì giáo viên cung cấp gì học sinh học thứ đó thì học sinh chính là người chủ động, sáng tạo ra kiến thức.
Bởi giảm tải lý thuyết trên lớp nên vai trò của thầy cô trong lớp học ở New Zealand chỉ là người chỉ dẫn và cung cấp kiến thức ban đầu, học sinh phải tự tìm hiểu thêm, tiếp thu kiến thức bên ngoài và suy nghĩ một cách độc lập.
Lớp học của thầy Mark cũng vậy. Thầy Mark khuyến khích các học sinh bước ra khỏi vị trí, tự tìm đến các nhóm khác để nói chuyện, trao đổi, đàm phán, thuyết phục,...
Tất cả học sinh đều được tham gia hoạt động từ trả lời câu hỏi đến chơi trò chơi. Nhờ hệ thống thiết bị điện tử kết nối giữa giáo viên và các nhóm mà thầy Mark có thể theo dõi được các số liệu, các câu trả lời của cả 5 nhóm. Không một ai bị "bỏ quên" hay ra rìa.
“Ở New Zealand, giáo viên luôn nhấn mạnh cho học sinh về tầm quan trọng của tư duy phản biện, sự hợp tác và tính sáng tạo.
Chúng tôi để sinh viên tự định hướng cuộc sống và việc học của mình. Khi có nhiều thời gian đầu tư vào những hoạt động yêu thích, sinh viên sẽ dễ dàng nhận ra mơ ước, đam mê của mình để có định hướng nghề nghiệp phù hợp”, thầy Mark cho biết.
Sau khi được trải nghiệm lớp học "chuẩn New Zealand", một bạn nam (giấu tên) chia sẻ:
"Lớp học như thế này khá là vui nhộn với các bạn sinh viên. Mình dự định du học ở một trường liên quan đến IT như là Otago, Waitako hay AUT. Mình nhận thấy những người đã đi du học rồi khi đi làm họ có sự khác biệt rõ rệt, vì vậy New Zealand là một trong những lựa chọn của mình."
Hệ thống Giáo dục của New Zealand được xếp thứ nhất về Chỉ số Giáo dục Chuẩn bị cho tương lai (theo Economic Intelligence Unit 2017), vượt xa các cường quốc giáo dục như Hoa Kỳ, Anh, Úc,... cho thấy giáo dục New Zealand trang bị cho sinh viên đầy đủ từ lý thuyết đến kỹ năng thực tiễn, cũng như tư duy toàn cầu.
Do đó, một số đại học ở New Zealand lọt vào Bảng xếp hạng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của QS 2017.