Lễ vật cúng rằm tháng 7 như thế nào, gỗm những lễ vật gì? Dưới đây là tổng hợp các cách thức chuẩn bị mâm cỗ cúng Đức Phật, gia tiên và cúng chúng sinh ai cũng nên biết.
Rằm tháng 7 hay còn được biết đến với tên gọi là ngày Xá tội vong nhân. Đây là ngày lễ quan trọng trong văn hóa người Việt từ bao đời.
Trong ngày 15/7 âm lịch, các gia đình sẽ làm mâm cơm cúng tưởng nhớ đến công ơn của thần linh, tổ tiên, ông bà và một mâm cúng cô hồn (cúng chúng sinh) cho các vong hồn chưa được siêu thoát. Vậy lễ vật cúng rằm tháng 7 như thế nào?
Trong bài viết này Gia Đình Mới sẽ tổng hợp cách thức chuẩn bị các mâm lễ vật cúng rằm tháng 7 với: mâm cúng Đức Phật, mâm cúng gia tiên và mâm cúng cô hồn cũng như một vài lưu ý quan trọng trong việc lễ bái vào ngày này.
Với đạo Phật, rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn, vào ngày này, các phật tử sẽ biện lễ nhỏ với tấm lòng thành kính để dâng lên Đức Phật. Vậy cách chuẩn bị lễ vật cúng rằm tháng 7 mâm cúng Phật như thế nào?
Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người. Vì vậy, vào ngày rằm tháng 7 bạn chỉ cần sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả cùng bình hoa tươi, nên chọn các loại hoa thanh cao như hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn hoặc hoa ngâu để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà.
Trong quá trình làm lễ cúng, gia chủ nên đọc một khóa kinh Vu Lan để hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ có thể siêu sinh, đồng thời thấm nhuần ý nghĩa cao cả của ngày lễ này.
Thời gian thích hợp để cúng Phật ngày 15/7 (âm lịch) là vào ban ngày.
Ngoài mâm cúng Phật, các gia đình thường làm thêm mâm cỗ mặn kèm theo tiền vàng và một số vật dụng dành cho người cõi âm được làm tượng trưng như: Quần áo, giày dép, xe cộ, điện thoại... với quan niệm "trần sao, âm vậy", mong cho người ở cõi âm sẽ được sống một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi như người trên dương gian.
Lễ vật cúng rằm tháng 7 mâm cúng gia tiên thường có các món: Xôi đỗ, gà luộc, canh, cơm, cá kho... Tuy nhiên, nếu có thể nên cúng đồ chay và mâm cúng không thể thiếu muối, vàng hương để đốt đuổi vong đi.
Để thực hiện lễ cúng rằm tháng 7 chính xác nhất, không phạm bạn nên tham khảo thêm các bài văn khấn cúng rằm tháng 7 đầy đủ nhất.
Ngày rằm tháng 7 không chỉ là ngày lễ Vu lan báo hiếu mà còn được biết đến là ngày Xá tội vong nhân tức ngày mà Diêm Vương sẽ mở cửa địa ngục cho các vong hồn khi tại thế bị sa cơ lỡ vân, là cô hồn không được thờ cúng, chịu nhiều oan trái ở kiếp trước...
Nếu như mâm cúng Phật, cúng gia tiên thường diễn ra vào ban ngày thì lễ cúng cô hồn lại được tổ chức vào buổi chiều tối của ngày 15/7 hoặc trước đó là ngày 14/7 âm lịch. Người xưa quan niệm rằng, ban ngày là thời điểm ánh sáng mặt trời quá mạnh, các vong hồn còn yếu không thể hưởng hết đồ cúng, ngược lại buổi tối là lúc vong hồn tụ lại, dễ nhận lễ vật cúng. Lưu ý, lễ cúng nên hoàn tất trước ngày rằm tháng 7.
Mâm lễ cúng chúng sinh cần có:
- 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo
- 12 chén cháo trắng
- 5 loại trái cây tươi
- 12 cục đường thẻ
- Quần áo chúng sinh
- Bỏng ngô, bánh, kẹo
- Tiền vàng, tiền thật các mệnh giá
- 3 ly nước nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngon nến
Lưu ý, không cúng chúng sinh bằng xôi, gà hay thịt heo bởi đồ mặn dễ khơi dậy tham, sân, si của cô hồn. Khi rải tiền vàng ra mâm cúng cần để theo 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc và để mỗi hướng từ 3 - 5 - 7 cây hương.
Địa điểm cúng cô hồn thích hợp nhất là ngoài trời và trước cửa chính của ngôi nhà. Nếu không thuộc các bài văn khấn cúng cô hồn rằm tháng 7, bạn có thể khấn nôm theo tâm nguyện và rải lòng thương của mình với cô hồn mong họ giải thoát khỏi trần thế đau khổ.
Sau khi hoàn thành lễ cúng, đem gạo, muối vãi ra sân, đường, sau đó là đốt vàng mã.
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, mong rằng các thông tin về lễ vật cúng rằm tháng 7 tại nhà đầy đủ vừa rồi sẽ giúp gia chủ chuẩn bị cho ngày rằm tháng Bảy đúng phong tục nhất.
* Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi tùy theo văn hóa của từng vùng, miền