Nhiều người cho rằng nên lắp camera ở lớp để kiểm soát bạo lực học đường. Tuy nhiên, T.S Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ GGCN, Bộ GD&ĐT cho biết: “Việc lắp camera đối với cơ sở giáo dục mầm non là cần thiết, còn ở các cấp lớn hơn có thể ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng của giáo viên'.
Sau hàng loạt vụ việc như: học sinh đâm thầy giáo, cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng…, chị Phạm Thị Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Đã đến lúc lắp đặt hệ thống camera trong lớp học để hạn chế việc bạo hành xảy ra như hiện nay. Giả dụ như trường hợp của em Phạm Song Toàn (TP HCM) nếu có camera thì có lẽ cô giáo đã không xử sự như vậy. Đặc biệt là vụ việc cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng cũng sẽ không xảy ra”.
Tuy nhiên, trao đổi với Gia Đình Mới, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng: “Việc lắp camera đối với cơ sở giáo dục mầm non thì cần thiết vì trẻ quá nhỏ, rất yếu thế không biết phản ứng thế nào trước việc bị giáo viên hoặc người trông giữ bạo hành như ta thấy một cơ sở giáo dục mầm non ở TP HCM. Người ta có thể không bạo hành trẻ ngay trong lớp học mà có khi đưa ra góc khuất hoặc vào toilet để hành hạ các cháu.
Ở lớp lớn hơn, các cháu đã đủ "khôn" để mách với cha mẹ nên việc bạo hành của giáo viên với học sinh sẽ bớt đi. Vì vậy mà việc lắp đặt camera ở những cấp học lớn hơn theo tôi chưa phải là cách hay vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng của giáo viên. Tôi có thể ví dụ như khi giáo viên đang giảng bài lúc nào cũng nơm nớp sợ bị theo dõi bởi camera thì mất hết hứng thú và sáng tạo trong bài giảng.
Nói về việc lắp camera trong trường học liệu có phải là giải pháp tốt, ông Hoàng Ngọc Vinh phân tích thêm: "Tôi nghĩ camera tốt nhất là đôi mắt có ý thức của học sinh và học sinh phải được giáo dục làm sao để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời cần xây dựng văn hóa dân chủ trong trường học và có kênh thông tin để học sinh phản ánh mà không sợ bị trù úm.
Ngoài ra cần đào tạo giáo viên chuyên nghiệp hơn về nghiệp vụ sư phạm, ứng xử với sự đa dạng của học sinh. Không vì một vài học sinh hay quậy phá, mất trật tự mà phản ứng nóng giận, thiếu kiềm chế.
Bên cạnh đó, giáo viên rất cần sự hỗ trợ từ ban giám hiệu nhà trường và hội phụ huynh để cùng phối hợp giáo dục học sinh".
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng nhấn mạnh: “Việc đặt camera ở nơi làm việc hoặc lớp học vừa không góp phần giáo dục ý thức dân chủ cho trẻ, vừa không tôn trọng giáo viên và học sinh khi người ta có đủ nhận thức.
Khi có vụ việc xảy ra, cần tìm căn nguyên gốc rễ ở đây là sự yếu kém về nghiệp vụ, phẩm chất nhà giáo cùng năng lực quản lý của nhà trường và Sở GD&ĐT.
Ngay cả khi lắp camera, giáo viên có thể không đối xử thô lỗ hoặc im lặng thì giáo viên vẫn có một nghìn lẻ một chiêu trò trù úm học sinh nếu giáo viên đó kém về phẩm chất đạo đức...
Bởi tiêu cực ở lớp học không chỉ có một vài hiện tượng mà diễn ra rất phức tạp trong các mối quan hệ thầy-trò, trò-trò, phụ huynh với thầy và với trò...”